Người nghèo không có "quà"!

Người nghèo không có "quà"!

(GD&TĐ) - Câu chuyện gói hỗ trợ lãi suất 6% vay mua nhà ở đã gây chú ý ngay từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước công khai dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 7/1/2013) của Chính phủ. Sau hơn 1 tháng công bố, “sức nóng” của dư luận vẫn chưa bớt đi, chỉ là chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác: Hoá ra, gói hỗ trợ đó không dành cho người nghèo – nhóm đối tượng thực sự có nhu cầu, với “giấc mơ” giản dị là một ngôi nhà ở xã hội giá rẻ.

Ảnh minh họa/Minh Hằng
Ảnh minh họa/Minh Hằng

Gói lãi suất ưu đãi 6%/năm là mức lãi suất dự kiến áp dụng cho vay mua nhà theo thông tư dự thảo của Ngân hàng Nhà nước trong vòng 3 năm từ 15/4/2013 đến 15/4/2016, thời hạn vay đối với cá nhân là 10 năm và doanh nghiệp là 5 năm. Thế nhưng, trong các nhóm đối tượng cho vay, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước không đưa vào hình thức cho vay để mua nhà ở xã hội; với lý giải là để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Luật Nhà ở năm 2005. Nghĩa là, quy định chỉ cho vay mua nhà đối với người mua tại các dự án nhà ở thương mại – là nhóm những người có tiền, có thu nhập cao trong xã hội. 

Đồng ý rằng Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào điều nọ khoản kia để “gạt” người nghèo ra khỏi gói tín dụng 30.000 tỷ này, thế nhưng thử hỏi nhà nước thời gian qua đã công bố mở rộng chính sách tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, đồng thời đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người nghèo; vì cớ gì mà gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở lại chỉ dành cho người lắm tiền nhiều của? Vì khả năng thu hồi nợ thấp, hay vì nhóm nhà ở xã hội giá rẻ không mang lại nhiều lợi nhuận cho hệ thống ngân hàng? Dù gì, “món quà” rõ ràng đã được khẳng định là không dành cho người ít tiền rồi. 

Khi dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra, từ người dân đến các chuyên gia kinh tế đã nhiệt liệt hoan nghênh, bởi lẽ đó không chỉ là một trong những gói hỗ trợ kích cầu thị trường bất động sản mà còn là “món quà” thực sự cho người nghèo mang tính xã hội sâu sắc. Hãy tính toán sơ qua thế này: một căn nhà ở xã hội khoảng 50 – 60m2, giá khoảng 700 triệu. Vậy đã là quá rẻ so với mặt bằng giá bất động sản ở nước ta hiện tại (dù mặt bằng giá chung đã mất khoảng 40 – 50% sau hơn 2 năm rơi vào khủng hoảng). Tuy vậy, tiền trăm triệu ngay đối với những người có thu nhập trung bình khá trong xã hội ta hiện nay đã mà món lớn, nói gì tới người nghèo. Vậy chỉ có cách vay tiền ngân hàng mua nhà. Mà, theo những quy định phổ biến tại các ngân hàng thương mại, sau khi nộp trước khoảng 30%, mỗi tháng người vay phải trả 5 triệu đồng tiền gốc và 3 triệu đồng tiền lãi, tổng cộng là 8 triệu đồng/tháng. Người có thu nhập 8 triệu/tháng có còn là người nghèo? Mà ngoài 8 triệu trả ngân hàng đều đặn mỗi tháng ra, anh còn phải chi tiêu cá nhân và gia đình nữa chứ. Vậy tối thiểu “người nghèo” ấy phải có thu nhập 14 – 15 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, xã hội đã xếp anh vào nhóm có thu nhập cao rồi. 

Nói thế để thấy rằng, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, mơ ước mua được một ngôi nhà ở xã hội của những người thu nhập thấp chỉ là giấc mơ xa vời mà thôi. Thế nhưng, sự hỗ trợ sát sườn nhất, khả dĩ nhất hiện tại là dự thảo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ dành cho thị trường bất động sản đang được đưa ra, “phần quà” cho người nghèo hoàn toàn không có.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ