Hơi ấm của người mẹ hiền

Hơi ấm của người mẹ hiền

(GD&TĐ) - Năm 1973 tôi đang học lớp 5, Trường cấp II Nam Ngạn, Tiểu khu I Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa bây giờ), thì được nhà trường bầu đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ thị xã. Đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ của trường tôi có 5 bạn thì 4 bạn là nữ, mỗi mình tôi là con trai. Từ nhà lên hội trường Thị đoàn dự đại hội chỉ cách có hơn hai cây số nhưng chúng tôi phải đi bộ. Chiến tranh phá hoại vừa chấm dứt sau Hiệp định Pa ri, nên đoàn chúng tôi chủ động tự lo nơi ngủ nghỉ. Tôi còn nhớ, sau tết Nguyên đán năm 1973, trời còn rét lắm. Cô giáo Tuyết phụ trách đoàn, nhà ở phía sau chợ Vườn Hoa, đưa cả 5 chúng tôi về nhà cô ngủ qua đêm.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Xin được kể đôi nét về cô giáo Tuyết của tôi. Vào thời điểm đó Trường cấp I, II Nam Ngạn vừa mới được khôi phục lại sau chiến tranh. Do là vùng ven thị xã Thanh Hóa, nên trường cấp II của tôi hay có những cô giáo ở trong nội thị ra dạy học. Cô giáo Tuyết  là một trong những trường hợp như thế. Cô còn trẻ, có dáng cao, da trắng, xinh đẹp nhất trường và hát rất hay, lại là người thành thị nên cô rất tự nhiên trong những giờ lên lớp dạy chúng tôi môn Văn học và trong giao tiếp, ứng xử, vì thế chúng tôi cũng thấy gần gũi với cô hơn. Cô chưa có gia đình riêng nhưng cô coi chúng tôi như những đứa con cưng. Những tiết dạy văn của cô về quê hương, đất nước, về Bác Hồ, về những thiếu nhi chăm ngoan, học giỏi và tình mẫu tử thường cuốn hút chúng tôi đến lạ lùng. Hồi ấy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ để được đi dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp thị xã và cấp tỉnh là một vinh dự rất lớn đối với chúng tôi. Bởi vì ngoài việc học giỏi tất cả các môn, mỗi người còn phải gương mẫu trong các hoạt động của lớp, của trường, ở nơi thôn, xóm và phải thật sự nổi bật khi mỗi sáng thứ hai chào cờ toàn trường được tuyên dương vì những điểm 9, điểm 10. Mới 11 tuổi, lại là lần đầu tiên được đi dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn thị xã, tôi sung sướng lắm. Thày mẹ tôi cũng rất tự hào, lo cho tôi đủ thứ. Nhưng cô giáo Tuyết nhắc chúng tôi, gia đình không phải lo gì hết, đại hội, nhà trường và cô giáo phụ trách sẽ chăm lo đầy đủ cho cả đoàn. Bởi vậy có bạn gái trong đoàn nhõng nhẽo đòi cô giáo Tuyết tết tóc đuôi sam cho mình bằng được để đi dự đại hội thì mới thôi “khóc nhè”.

Buổi chiều hôm ấy, lên hội trường Thị đoàn Thanh Hóa làm công tác tổ chức xong, chúng tôi được ăn một bữa cơm liên hoan ngon nhất từ trước đến lúc bấy giờ. Sau đó cả đoàn đi bộ gần hai cây số nữa về nhà cô giáo Tuyết ngủ đêm. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng chưa bao giờ tôi quên cái kỷ niệm nho nhỏ, bùi ngùi, thân thương của đêm hôm đó. Và vì thế mà đến tận bây giờ, khi đã trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội, tôi như vẫn còn cảm nhận được hơi ấm của cô giáo Tuyết ở xung quanh mình…

Tối hôm đó, nhà cô giáo Tuyết chỉ có hai chiếc giường đôi. Mẹ và ba người em còn nhỏ của cô ngủ một chiếc, còn một chiếc dành cho 5 đứa chúng tôi và cô giáo. Bốn bạn trong đoàn “cậy” mình là nữ đã nhanh chân leo lên nằm bên phải và  bên trái cô giáo. Còn một mình, tôi không biết nằm ở đâu, lại là con trai nên hơi thẹn vì phải ngủ chung với các bạn gái (tuy còn nhỏ tuổi), tôi đành tìm một chiếc ghế tựa, ngồi quay lại ôm chỗ dựa, gục đầu xuống ngủ và có cảm giác hơi tủi thân. Cô giáo của tôi hình như linh cảm thấy điều gì đó không ổn, nên cô liền tung chăn ra, đến bên tôi nhẹ nhàng, âu yếm: Em ngượng vì phải nằm chung với các bạn nữ phải không, vậy thì bốn bạn ấy sẽ nằm một bên cô, còn em nằm sau lưng cô ở sát tường, được chưa “cậu bé”?! Thấy tôi vẫn còn ngượng, cô bảo: Cháu ngoan Bác Hồ gì mà nhút nhát thế, ở trường em mạnh dạn lắm cơ mà. Mấy bạn nữ cũng nhao nhao: Đằng ấy lên ngủ đi, cẩn thận kẻo “tè dầm” vào người cô giáo và bọn tớ, kẻo sáng mai lại không có quần áo mặc đi dự Đại hội đấy ! Cô giáo tôi động viên thêm: Em hãy coi cô như mẹ em ở nhà nhé !

Nghe lời cô, tôi ngoan ngoãn leo lên núp sau lưng cô giáo. Hơi ấm của cô tỏa ra như hơi ấm của mẹ tôi ở nhà đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm trong cái đêm hôm đó. Đến bây giờ, mặc dù đã đứng tuổi, tôi vẫn nhớ như in lời của cô giáo mình năm đó: “Em hãy coi cô như mẹ em ở nhà nhé” và có cảm giác hơi ấm của “Người mẹ hiền ấy” đã lan tỏa và theo tôi đi khắp mọi miền biên cương Tổ quốc trong suốt mấy chục năm qua./.

Mã số: 1007

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ