Người lao động làm gì để tránh 'sập bẫy' tín dụng đen?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tín dụng đen với nhiều hình thức tinh vi đang trở thành “bẫy” khiến nhiều công nhân rơi vào vòng xoáy “nợ chồng nợ”.

Hàng loạt app hay website vay tiền không được các cơ quan Nhà nước cấp phép hoạt động, người dân cần chủ động cảnh giác.
Hàng loạt app hay website vay tiền không được các cơ quan Nhà nước cấp phép hoạt động, người dân cần chủ động cảnh giác.

Dù biết rủi ro nhưng không có tích lũy, hoàn cảnh khó khăn, người lao động vẫn phải vay. Chuyên gia khuyến cáo cần chủ động để tránh “sập bẫy”.

Biết là “cắt cổ” nhưng vẫn phải vay

Tại hội thảo giải pháp phòng chống tín dụng đen do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại TPHCM, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM, chuyên cho công nhân vay với lãi suất thấp) cho biết, người lao động biết rủi ro khi vướng tín dụng đen, song không có tích lũy, tai nạn và rủi ro tới bất ngờ, đã phải vay với lãi suất chót vót.

Tổ chức CEP đưa ra khảo sát thực hiện hồi tháng 6 năm ngoái cho thấy lãi suất tín dụng đen mà công nhân vay rất cao.

Có người phải vay với lãi suất 800% mỗi năm được ẩn dưới các loại phí như phí bản quyền, dịch vụ, phí xử lý, phạt thanh toán không đúng hạn... Con số này cao gấp nhiều lần mức 20% lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự mà luật cho phép.

Trong hơn 500 công nhân mà CEP khảo sát, có hơn 90% nhận biết được “thế nào là tín dụng đen” và tác động tiêu cực nếu vay lãi suất cao. Trên 46% nói rằng bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của tín dụng đen. Hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.

Tuy nhiên, điều bất ngờ gần 20% số người được khảo sát (khoảng 100 công nhân) cho biết vẫn sẽ cân nhắc hoặc vay tín dụng đen. Lý do họ thường gặp rủi ro đột xuất trong cuộc sống, số tiền cần trang trải quá gấp mà không có dự phòng, vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy thời gian lâu, nhiều thủ tục...

“App”… nhà lành

Tại cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và nhận diện tín dụng đen”, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng thông tin, nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước.

Ở góc độ tổ chức Công đoàn, ông Tạ Văn Dưỡng giới thiệu với người lao động một “app”, địa chỉ vay vốn tin cậy là Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình.

Đây là đơn vị trực thuộc LĐLĐ TP Hà Nội, có một trong những chức năng là cho vay vốn, hỗ trợ CNVCLĐ thực hiện các mục đích như: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, tạo thêm việc làm tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với mức vay từ 40 - 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn.

Để có thể vay vốn từ Quỹ trợ vốn, đoàn viên, người lao động đăng ký qua công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an cho biết thêm, trên không gian mạng rất nhiều lời chào mời cho vay tiền, nếu chỉ dừng ở hành động này họ chưa sai, chỉ sai khi thực hiện cho vay với lãi suất cao, cần cơ quan vào cuộc, điều tra làm rõ.

Theo ông Hiếu, những người không liên quan khoản vay cũng bị khủng bố, tình trạng này là có. Hiện nay, tình trạng quảng cáo cho vay trên không gian mạng tăng. Chúng ta đang đấu tranh rất mạnh với hiện tượng tiêu cực cho vay lãi nặng. Khi cho người khác vay tiền, các đối tượng thường kèm theo điều kiện, người vay cho phép đối tượng truy cập đồng bộ vào danh bạ cá nhân, tài khoản mạng xã hội, khi người vay không trả được số nợ, các đối tượng sẽ gọi điện cho các số điện thoại có trong danh bạ để thúc ép đòi nợ.

Hỗ trợ vay tiền hợp pháp

Công an TPHCM cảnh báo người dân không nên vay tiền qua các app hoạt động trái phép để tránh bị lộ lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và để tội phạm quấy rối, tạt sơn, chất bẩn gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Và khách hàng có thể bị bán thông tin cá nhân cho những kẻ lừa đảo hoặc thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.

Hướng dẫn cách xử lý nếu gặp phải tình trạng bị quấy rối, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, theo quy định pháp luật, xử phạt 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để lan tỏa, phát tán thông tin sai sự thật. Những tình huống nghiêm trọng chủ thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục, vu khống người khác. Chế tài đã có nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng quấy rối như trên. Khi nhận được những cuộc gọi như vậy, cần chụp ảnh màn hình, lập vi bằng để xác định tài khoản này, thời điểm này kiểm tra thấy những thông tin vi phạm, gửi thông tin đến Thanh tra Sở TT&TT hoặc cơ quan công an... để được hỗ trợ giải quyết.

Tại Hội nghị Tập huấn đánh giá kết quả, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh cho biết: Tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương, nhiều đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rơi vào bẫy cho vay nặng lãi. Nguyên nhân là do đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, khó tiếp cận các kênh cho vay chính thống.

Ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng LĐLĐVN và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là góp phần từng bước xóa bỏ tình trạng “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và 2 công ty tài chính HD SAISON và FE Credit triển khai gói vay 20.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi bằng 50% so với bên ngoài. Đến nay sau khoảng 6 tháng thực hiện, đã có 43 LĐLĐ tỉnh, thành phố triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ hoặc ban hành văn bản triển khai, giải ngân 5.345 tỉ đồng với gần 320.000 đoàn viên, người lao động được vay tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Bình quân mỗi đoàn viên, người lao động được sử dụng với giá trị khoảng 16,7 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, ngoài gói hỗ trợ từ Nhà nước các địa phương cần có những gói hỗ trợ riêng song hành để người lao động được tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý cần có những hoạt động tuyên truyền giúp người lao động nhận diện được bẫy từ tín dụng đen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

Khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

GD&TĐ - Tối 11/5, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, diễn ra đêm khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 - kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự quyến rũ của phụ nữ được ví như một bông hoa đang nở. (Ảnh: ITN)

5 lý do bạn đẹp hơn bạn nghĩ

GD&TĐ - Bạn sẽ trông xinh đẹp mà không cần trang điểm vì vẻ đẹp là tổng hòa của sức khỏe cảm xúc, tính cách, khiếu hài hước và thái độ đối với người khác.