Hậu họa khôn lường
Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức We are Social, số lượng người sử dụng dịch vụ toàn cầu đạt 3,2 tỉ người, chiếm 42% dân số thế giới. Việt Nam có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, bình quân một người sử dụng 7 giờ vào Internet và 2,5 giờ vào mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành không gian truyền bá những thông tin xấu. Những phát ngôn gây thù ghét đang tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, nền văn hóa và đạo đức dân tộc, gây chia rẽ, thù hằn, xúc phạm nhân phẩm…
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Tính chất ảo trên mạng xã hội tạo điều kiện cho các thành viên che giấu tung tích và dựng nên một con người ảo. Chỉ cần một tài khoản cá nhân, người tham gia có thể tự do phát tán thông tin theo ý thích. Tính chính xác, khách quan của thông tin dường như chẳng bao giờ là mối quan tâm của ai cả. Một thực tế dễ nhận thấy là trên các mạng xã hội tồn tại rất nhiều hội cuồng tín, phản động, tội phạm. Chúng dùng mạng xã hội để phục vụ mục đích xấu xa, bôi xấu hình ảnh cá nhân, tổ chức nào đó hoặc lợi dụng để can thiệp công việc nội bộ của nước khác”.
Tại Việt Nam có khoảng 360 mạng xã hội |
Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung như: Nói xấu, phỉ báng (chiếm 61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,01%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%). Thực tế tại Việt Nam, kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, đánh cắp tài khoản, thậm chí nhiều vụ án mạng, ẩu đả cũng bắt đầu từ mối quen ảo.
Công ty tư vấn quản lý Digital Daya cho biết: “Các quốc gia hay bất ổn về chính trị có khuynh hướng xem truyền thông, xã hội là một mối đe dọa. Các thông tin cá nhân cũng dễ dàng bị công bố mà không cần quan tâm đến ý kiến bản quyền hoặc chủ nhân. Việc bị ăn cắp thông tin cá nhân là một mối nguy hiểm thật sự”.
Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc theo dõi, xử lý, các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Cần môi trường mạng lành mạnh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: “Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế. Vì vậy cần bộ quy tắc “mềm” để ứng xử, nhằm thúc đẩy những tác động tích cực của mạng xã hội, hạn chế tối đa tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả việc lan truyền thông tin xấu, độc trên mạng.
Chính vì sự phức tạp của mạng xã hội nên bên cạnh các giải pháp mang tính pháp lí thông qua các văn bản pháp luật kết hợp với giải pháp kỹ thuật, Việt Nam cần phải xây dựng và triển khai các giải pháp “mềm”, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của cư dân mạng đối với các hành vi ứng xử trên môi trường mạng. Để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”.
Việt Nam hiện có khoảng 350.000 thiết bị IoT công khai trên mạng Internet, hầu hết là các thiết bị camera giám sát, router; trong đó khoảng trên 40% thiết bị có khả năng bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng an toàn thông tin đã biết.
- Trên thế giới có khoảng 7 tỷ thiết bị IoT và đến năm 2025, sẽ có khoảng 21 tỷ. Hiện 70% các thiết bị IoT có nguy cơ bị tấn công mạng. Đây là một nguy cơ rất lớn đối với thế giới.
Ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho rằng: quy tắc chung yêu cầu việc cung cấp dịch vụ, sử dụng mạng xã hội phải trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm. Người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân.
Một lượng không nhỏ HS Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội |
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các cơ quan, các doanh nghiệp xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho phù hợp với mình. Thêm vào đó, tăng sự ràng buộc và cơ chế giám sát của bộ quy tắc bằng cách quy định rõ các hình thức xử lý khi người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ không tuân thủ hoặc phải có chế tài xử phạt cụ thể.
Ông Nguyễn Hải Nam (Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn) chia sẻ: “Thời gian qua thông tin xấu, độc hại lan truyền nhanh và gây ảnh hưởng nhiều đến nhận thức và hành vi của thanh niên. Cách đưa tin giật gân và cường độ xuất hiện liên tục cũng tác động đến thanh niên. Một bộ phận giới trẻ có thể vô tình tương tác thông tin xấu, độc. Từ tháng 4/2018 Trung ương Đoàn đã triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đến tất cả các cấp bộ đoàn, hội, đoàn viên thanh thiếu niên trong cả nước”.
Mạng xã hội là một cuộc chơi sòng phẳng, cần có sự đầu tư nghiêm túc, hợp lý với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính tri, các cấp, ngành địa phương cùng vào cuộc. Bảo vệ, xây dựng và hướng tới môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam thật sự cần thiết.