Người khuyết tật phá núi làm đường

GD&TĐ - Một người đàn ông từng bị bại liệt nửa người ở Kerala, Ấn Độ đã dành ra 3 năm trời đào một con đường thẳng xuyên qua quả đồi nhỏ trước nhà ông ta chỉ bằng các công cụ thô sơ, đã khiến nhiều người thán phục.

Phá núi với các công cụ thô sơ
Phá núi với các công cụ thô sơ

Từ một tai nạn lao động

Melethuveettil Sasi, 63 tuổi chưa từng nghe câu chuyện về “người phá núi” nổi tiếng, Dashrath Manjhi ở Bihar, Ấn Độ- một lão nông đã bỏ ra hơn 20 năm đào một con đường xuyên qua một quả núi chỉ với đục và búa -  nhưng ông cũng đã tạo lập một kỳ công tương tự nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt hơn.

Ông đi lại khó khăn và một tay cử động yếu ớt nhưng đã đào 200m đường xuyên qua một quả đồi trước nhà của mình trong ròng rã 3 năm trời chỉ với công cụ thô sơ.

Sasi từng là một người lành lặn như bao người khác trong làng. Ông mưu sinh bằng nghề leo dừa hái trái mướn kể từ năm 15 tuổi. Nhưng cách đây 18 năm, vào một ngày nọ, trong lúc đang làm công việc như thường lệ thì chẳng may ông bị ngã từ một cây dừa cao xuống đất.

May mắn không tử vong nhưng ông bị liệt một bên cơ thể, phải nằm một chỗ trong nhiều tháng, trước khi có thể cử động lại các chi. Con trai của ông phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, trong khi ông không thể làm công việc nặng được.

“Tôi là một người leo cây rất giỏi, nhưng vào cái ngày xui xẻo đó, không biết vì sao tôi lại bị trượt chân té xuống. Một bên cơ thể tôi bất động. Chân và tay bị gãy. Tôi nằm liệt giường trong nhiều tháng, thậm chí không thể cử động”, Sasi nói với tờ The News Minute, “Phải mất nhiều năm, tôi mới có thể đứng dậy được. Muốn được làm những công việc bình thường nên tôi ráng sức tự mình tập đi”.

Sau nhiều năm trị bệnh và tập vật lý trị liệu, Melethuveettil Sasi mới đi lại và dần dần điều khiển được bàn tay phải. Tuy vậy, ông vẫn là một người khuyết tật với một bên cơ thể yếu ớt và không thể leo dừa được nữa.

Thế nhưng ông vẫn muốn góp phần nuôi sống các thành viên trong gia đình mình. Một ngày nọ, ông nảy ra ý tưởng mua một chiếc xe gắn máy 3 bánh làm phương tiện đến thành phố Thiruvananthapuram gần bên để bán vé số. Do không có tiền nên ông cần sự hỗ trợ tài chính từ địa phương.

Ông nộp đơn đến chính quyền xin giúp tiền để ông một chiếc xe máy. Thế nhưng các viên chức ở đây chỉ cười vào ông và hỏi liệu ông có thể bay qua khỏi quả đồi án ngữ trước nhà để đến con đường ra tỉnh hay không… Nghĩ rằng vấn đề có thể giải quyết được, Sasi viết đơn thỉnh cầu và gõ cửa nhiều nơi, xin xỏ chính quyền các cấp giúp xây dựng con đường đến nhà ông. Ròng rã suốt 10 năm, kết quả mà ông nhận được là những cái lắc đầu. 

Đến quyết tâm của người khuyết tật

Năm 2013, sau nhiều lần bị từ chối yêu cầu làm đường, Sasi quyết định tự mình sẽ thực hiện điều này. Chỉ có thể dựa vào các công cụ thô sơ như xẻng và cuốc chim nên với cơ thể khuyết tật, ông làm việc này thật khó khăn.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao, ông muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng ông sẽ vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục đích. “Tôi không bao giờ nghĩ đến chừng nào sẽ hoàn thành công việc này. Tôi chỉ xác định là phải có một con đường… Mỗi ngày, tôi bắt đầu làm việc vào lúc 5 giờ sáng và nghỉ vào khoảng 8 giờ rưỡi sáng, khi thời tiết bắt đầu nóng lên, sau đó tiếp tục vào lúc 3 giờ rưỡi chiều cho đến khi mặt trời lặn”, ông nhớ lại.

Mặc dù có quyết tâm, nhưng Sasi đã gặp những trở ngại ngay khi bắt tay vào việc. Phần cơ thể bị liệt không thể giữ tư thế thẳng nên ông khó giữ thăng bằng trong khi đào đá. “Ban đầu, tôi liên tục bị thương. Tôi không thể đứng vững khi xoay cây cuốc chim và thường bị té ngã. Nhưng dần dần tôi cũng điều khiển được cơ thể mình”, ông hãnh diện nói.

Khi biết được những gì mà Sasi đang nỗ lực thực hiện, cư dân địa phương bắt đầu tìm đến xem và cười chế nhạo ông là một người hâm, không biết lượng sức mình. Thế nhưng, ông đều bỏ ngoài tai và tiếp tục đào. Ngày tháng trôi qua, công việc của ông đã tiến triển khả quan. Lúc này một số người hàng xóm bắt đầu nhận ra ý chí của ông và thay vì buông lời nhạo báng như trước, họ dành cho ông những lời động viên, khích lệ.

Suốt 3 năm trời, với thân thể tật nguyền, ông lao động miệt mài bình quân 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày…để cuối cùng, quả đồi đã bị xuyên thủng. Tuy nhiên, đạt được thành quả này không có nghĩa là cuộc đấu tranh của ông kết thúc.

Sau khi chiến thắng được quả đồi cao, ông lại phải đối mặt với đối thủ khó khăn khác, một trụ điện cần phải được di dời sang  vài mét để ông hoàn thành con đường đất của mình. Muốn làm điều này, ông cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhưng cũng như trước đây, họ hờ hững với yêu cầu chính đáng của ông. “Có một trụ điện trên lối đi cần di dời để hoàn thành con đường đến nhà tôi. Chỉ còn vài mét nữa thôi, phần lớn đã xong rồi”, ông nói.

Nhưng mặc cho người đàn ông giàu nghị lực và khát vọng đã đào xong con đường đến trụ điện vào cuối năm qua, chính quyền ở đây vẫn chưa chịu làm phần việc của họ. Có lẽ họ không muốn giúp Melethuveettil mua chiếc xe máy 3 bánh mà ông cần để tự kiếm sống hoặc có thể họ không quan tâm đến việc làm này. Tuy nhên, sau khi câu chuyện về người đàn ông khuyết tật phá núi làm đường lan nhanh trên mạng, áp lực từ cộng đồng buộc chính quyền phải hành động, họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải di dời chướng ngại vật kể trên.

Cuối cùng mọi chuyện tốt đẹp đã đến, Sasi không cần sự trợ giúp của chính quyền địa phương để mua xe nữa. Các cư dân mạng đã góp tay vào mua cho người đàn ông nghèo, tật nguyền chiếc xe máy mà ông ao ước như một món quà dành cho người có ý chí và nghị lực cao. Giờ đây, ông có thể chạy bon bon trên con đường mà mình đã mở để mưu sinh và phụ giúp gia đình.

Con đường xuyên qua quả đồi đã hoàn thành
Con đường xuyên qua quả đồi đã hoàn thành
Theo Odditycentral

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ