Người “khai sơn phá thạch” văn hóa Phùng Nguyên đã về với… gốm!

Người “khai sơn phá thạch” văn hóa Phùng Nguyên đã về với… gốm!

Thụ hưởng tinh anh, ngàn dặm khai phá

PGS.TS Đặng Hồng Sơn, một người học trò gần gũi với nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn chia sẻ rằng, thầy Khẩn là thế hệ sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học đầu tiên của Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những sinh viên đầu tiên ấy đều được thụ hưởng toàn nguyên tinh anh của “thế hệ khai khoa”, được gây mầm và dưỡng dục bởi “tứ trụ”.

Trong suốt cuộc đời gắn bó với khảo cổ, vết chân của thầy Khẩn đã in hằn khắp các di tích gắn với những chuyến đi điền dã; các cuộc khai quật di chỉ khảo cổ ở nhiều vùng trong nước và quốc tế. Từ Bulgaria về Việt Nam, từ Gò Bông, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở vùng Bắc Bộ, hệ thống di tích văn hóa Đông Sơn đến các cảng thị Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An...

Đặc biệt ở vùng đất kinh đô Cổ Loa, người ta thấy một nhà khảo cổ bao nhiêu tháng ngày “ăn cơm trộn bùn” khi thầy Khẩn tỉ mẩn vạch từng khóm cây ngọn cỏ để tìm cho được dấu tích xót lại từ thời An Dương Vương. Nhưng có lẽ sớm nhất, nhiều hơn tất cả là với văn hóa Phùng Nguyên và di tích Xóm Rền trên vùng đất Phú Thọ.

PGS.TS Đặng Hồng Sơn nhận định, với văn hóa Phùng Nguyên thì thầy Hán Văn Khẩn được coi như một trong những người “khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường” cho quá trình nghiên cứu giai đoạn văn hóa đầu tiên của thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam nói riêng, và góp phần vào nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương nói chung.

Từ những năm 1970, nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn đã đi sâu phân tích đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên. Từ loại hình hoa văn, cách tạo hoa văn, kỹ thuật chế tác, loại hình đồ gốm… đều được thực nghiệm dựng lại rất tỉ mỉ, như thể ông đang sống trong thời kỳ đó.

Cuốn sách “Văn hóa Phùng Nguyên” ra đời đã xác định những đặc trưng cơ bản và các giai đoạn phát triển chính của văn hóa Phùng Nguyên. Đây là công trình mà bất kỳ một nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên nào, cả trong và ngoài nước cũng phải tham khảo trước khi phác dựng ý tưởng.

PGS.TS Đặng Hồng Sơn cũng chia sẻ rằng, Xóm Rền - chỉ cách nơi chôn rau cắt rốn của nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn một quãng đồng. Ông là người đầu tiên tham gia khai quật và cũng là người duy nhất cho đến nay tổng kết trọn vẹn về di tích lớn nhất văn hóa Phùng Nguyên. Từ Xóm Rền, thầy Khẩn đã trút gửi vào đó nhiều luận điểm khoa học mới lạ được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là đặc biệt quý hiếm trong số hơn 70 di tích văn hóa Phùng Nguyên.

Phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn

Là một nhà khảo cổ, PGS.TS Hán Văn Khẩn còn có tình yêu đặc biệt với gốm. Ông hiểu biết ngọn nguồn lịch sử gốm sứ Việt Nam, từ những loại hình hoa văn và kỹ thuật sản xuất gốm đất nung thời tiền sơ sử đến hệ thống lò gốm sứ sau này. Chính ông là người chứng minh Xóm Rền là nơi đầu tiên thành thạo kỹ thuật bàn xoay trong làm gốm.

“Chúng tôi từng chứng kiến cảnh thầy Khẩn cả ngày ngồi gắn chắp những mảnh vụn của một đồ gốm với sự chú tâm cao độ, để rồi bộc phát niềm vui sướng tột cùng khi nhìn thấy một đồ án hoa văn mới mà ông chưa từng gặp”, PGS.TS Đặng Hồng Sơn chia sẻ.

Đặc biệt, nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn rất quan tâm đến khai quật, nghiên cứu và xác định thành phần gốm sứ của hệ thống lò gốm ở Đậu. Từ đó, ông mở rộng nghiên cứu gốm sứ thương mại và hệ thống cảng sông, cảng biển ven bờ ở miền Bắc.

Năm 1993, ông chủ biên cuốn sách “Lịch sử các đảo ven biển Việt Nam” phác thảo toàn bộ quá trình định cư và khai thác của con người thời tiền sơ sử và lịch sử trên các đảo ven biển Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vùng duyên hải Đông Bắc.

PGS.TS Đặng Hồng Sơn cho biết thêm: Thầy Hán Văn Khẩn luôn tận tụy, hóm hỉnh mà nghiêm nghị, cống hiến tận tâm và vô tư. Tri thức khoa học là vô bờ, bởi vậy thầy luôn hướng chúng tôi vào một “lộ trình” học vấn ngay thẳng đúng mực, để rồi mỗi người chúng tôi trong những thời điểm riêng, có thể đến được một “bến bờ” đạt chuẩn.

“Thầy luôn dạy chúng tôi “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn” và cũng luôn tự coi đó như là nguyên lý sống cao nhất của đạo thầy - trò. Hình ảnh thầy giáo già đưa cán bộ trẻ và sinh viên đi thực tập là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí. Đặc biệt khi thầy vẫn cầm dụng cụ hướng dẫn cho từng cô cậu học trò mới tập tễnh vào nghề cách thức sửa vách, nạo mặt bằng…”, PGS.TS Đặng Hồng Sơn bộc bạch.

Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Trường là bạn thân của nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn từng kể rằng, cứ gặp nhau là chỉ nghe ông Khẩn nói chuyện gốm. Ông Khẩn có thể nói về gốm cả tháng trời, mà không chỉ gốm Việt, ngay cả gốm Trung Quốc, Nhật Bản rồi gốm sứ châu Âu ông Khẩn cũng rất rành.

Một lần vừa là trêu vừa là thử tài nhà khảo cổ, ông Trường đem một bình gốm ra khoe với bạn. Ông Khẩn ngắm nghía cái bình, cười cười bảo với ông Trường giọng dí dỏm: “Sao ông không đem tặng cái bình này cho bảo tàng để họ mở triển lãm mang tên “những tên sưu tầm ngốc nghếch””.

Thì ra, nhà khảo cổ Hán Văn Khẩn bằng con mắt nhà nghề đã sớm phát hiện ra đó là chiếc bình giả cổ. Trong vụ này, ông Trường thừa nhận đã mua phải một bình giả cổ bằng phương pháp “bắn cát bào men”.

“PGS.TS.NGND Hán Văn Khẩn là một chuyên gia lớn về văn hóa tiền – sơ sử Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Phùng Nguyên – một nền văn hóa tiền Đông Sơn rất nổi tiếng. Thầy Khẩn cũng được xem là chuyên gia lớn về đồ gốm tiền sử. Ông là người thầy rất mực yêu thương học trò, trách nhiệm với nghề nghiệp, mẫu mực trong mọi mối quan hệ”. - PGS.TS Trình Năng Chung – Viện Khảo cổ học

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.