Người khắc bút cuối cùng bên Hồ Gươm

Người khắc bút cuối cùng bên Hồ Gươm

Bàn tay của ông lão gần 80 tuổi cầm dụng cụ tự chế có cán buộc dây chun và đầu kim loại được mài nhọn đưa đẩy trên thân chiếc bút. Hơn 50 năm qua, cụ làm nghề viết chữ lên bút dù đến nay nó chẳng còn thịnh.

Hơn 50 năm qua, ông Quý vẫn gắn bó với nghề khắc chữ lên bút dẫu cho nghề này ngày càng ít người biết tới
Hơn 50 năm qua, ông Quý vẫn gắn bó với nghề khắc chữ lên bút dẫu cho nghề này ngày càng ít người biết tới
 

Ngày xưa, trước khi ra chiến trường, các nam thanh nữ tú thường khắc bút làm tặng phẩm hoặc kỷ niệm. Trên thân bút, họ khắc tên, ngày sinh, ngày nhập ngũ, vẽ hình đôi chim bồ câu hay khung cảnh quê hương. Ngày đó, chiếc bút máy được xem như một "báu vật" theo người lính trên những chặng đường hành quân, trong các trận đánh cam go, lúc viết thư về nhà và cả khi đã hy sinh. Trước ngày lên đường, họ đi thăm phố phường, ra bờ hồ ăn kem và không quên ghé vào mấy cửa hàng khắc bút tấp nập người đứng đợi phía ngoài đền Ngọc Sơn (Hà Nội).

Với người thợ khắc bút duy nhất còn lại ở Hà Nội, ông Lê Văn Quý, khung cảnh một thời "thịnh vượng" ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí. Lần nào nhắc lại, ông cũng hân hoan vui vẻ xen lẫn tự hào. Nửa thế kỷ qua, hình ảnh về nghề thời thượng những năm 60 luôn ở mãi trong ký ức của người thợ già. Đến nay, ông Quý vẫn đều đặn đi làm với đồ nghề là chiếc hộp sắt han gỉ, bên trong đựng bút khắc, thước kẻ và cục tẩy…

"Khắc bút hả cháu ơi?" - Ông Quý vui vẻ hỏi khi thấy chiếc xe máy tấp vào "cửa hàng" của mình gần đền Bà Kiệu. Biết khách chỉ gửi xe, ông vẫn đon đả xếp cho họ rồi trầm ngâm đếm số tiền lẻ lẫn trong mớ vé xe cũ. Đã nửa ngày trời chưa có ai khắc bút nên ông kiêm luôn chân giữ xe cho khách vào tham quan đền Ngọc Sơn.

Cầm chiếc bút bi nhỏ tí có thân làm bằng inox, ông Quý quan sát kỹ trước khi quyết định mở hộp lấy đồ nghề ra khắc cho đôi bạn trẻ. Chưa đầy một phút, tên của đôi uyên ương ấy được viết bằng nét chữ uốn lượn lồng vào nhau hiện lên trên thân bút. Không thật hài lòng với "tác phẩm" này do vỏ bút bóng, chữ khó nổi, người thợ hẹn khách lần sau ghé lại.

Chiếc bút khắc tự chế của ông Quý. Mỗi năm ông thay một chiếc bút mới
Chiếc bút khắc tự chế của ông Quý. Mỗi năm ông thay một chiếc bút mới
 

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở Hưng Yên, ông Quý chỉ học đến lớp 3 rồi nghỉ. Trước khi bén duyên với nghề khắc bút, ông Quý là thợ đóng giày ở Hà Nội. Sau này khi dép cao su được ưa chuộng, nghề của ông trở nên ế ẩm.

Trong một lần lang thang dọc Bờ Hồ, phố cổ, trông thấy các cửa hàng khắc bút tấp nập khách ra vào, ông quyết định chuyển sang nghề khắc bút. Từng học vẽ truyền thần một thời gian nên ông Quý thấy mình có thể vẽ đẹp và mềm mại.

Người thợ già có hàm răng móm mém, đôi mắt tươi vui kể, ngày ấy, ông đi khắp các cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm để mua lại những chiếc bút hoặc vỏ bút vỡ, hỏng và chiếc compa để về tập viết ở nhà. Lúc đầu tay còn ngượng, cứng nên nét chữ của ông thô xấu. Sau hai tháng tập luyện, ông Quý tự tin xách đồ nghề với tấm biển "Khắc bút bằng tay, 2 phút lấy ngay" ra ngồi trước cửa lối vào đền Ngọc Sơn. Năm ấy, ông mới ngoài 20 tuổi.

Thấy bút khắc bằng tay vừa rẻ, giá chỉ 2 hào, khách hàng lần lượt đổ xô sang cửa hàng của ông Quý. "Lúc bấy giờ, một bát phở giá 3 hào, khắc bút đã 2 hào rồi nên cuộc sống cũng tạm đủ. Bình thường chỉ 2 phút là xong, những hình vẽ cầu kỳ mất nhiều nhất 5 - 10 phút. Những chiếc bút khắc cả chữ cả hình, giá là 5 hào" - Ông Quý nhớ lại.

Khách hàng của ông chủ yếu là những thanh niên sắp lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, họ được phường, quận tặng khăn mặt, kem đánh răng, quyển sổ, chiếc bút làm quà. Nhiều trường hợp hy sinh, khi gia đình bốc mộ, mọi kỷ vật đã mục nát duy chỉ còn chiếc bút máy với nét khắc trên vỏ vẫn còn nguyên.

Trong cuộc đời làm nghề khắc bút, ông Quý còn nhớ lần một cụ già tìm đến đưa cho ông chiếc bút. Chiếc bút cũ kỹ được tìm thấy dưới mộ của con trai cụ già. Dùng phấn tô lên dòng chữ trên bút, ông Quý nhận ra nét chữ mình khắc. Người khách lớn tuổi xúc động cảm ơn ông Quý vì nhờ chiếc bút, gia đình đã tìm được con mình. Có người lính khắc bút của ông năm xưa may mắn trở về, họ mang theo chiếc bút ra chỗ ông Quý ngồi để "nhận người quen".

"Họ đưa bút cho tôi rồi hỏi đây có phải bút bác khắc không? Hóa ra trước khi đi chiến trường, cậu ấy từng đến chỗ tôi khắc bút. Tôi vui và tự hào lắm" - Ông Quý chia sẻ. Các du học sinh trước khi đi nước ngoài thường qua nhờ ông khắc chữ lên tranh sơn mài làm quà cho bạn.

Không ít lần, ông còn vinh dự được khắc chữ trên tặng phẩm dành cho các nguyên thủ quốc gia sang Việt Nam làm việc. Ông nhớ vẻ ngạc nhiên, trầm trồ của những người khách nước ngoài khi cầm chiếc bút có hình khắc sáng tạo.

Có lần, vị khách người Trung Quốc muốn ông khắc con gì "hay ăn chóng lớn" lên bút. Ông suy nghĩ rồi khắc hình chiếc đầu lợn ngộ nghĩnh. Cầm chiếc bút, người khách thích thú bởi thợ khắc hiểu ý mình rồi ngạc nhiên khi biết ông mới học đến lớp 3.

Nhiều du khách muốn lưu lại hình ảnh ba miền của Việt Nam lên bút, ông Quý nghĩ ra cách chọn biểu tượng của từng vùng rồi ghép lại. Với hình ảnh làng quê Việt, ông chọn cây tre được minh họa bằng những đốt tre và đàn chim đang bay trên bầu trời. Mỗi "tác phẩm" hoàn thành, ông đều diễn giải và nhờ phiên dịch giúp khách hiểu.

Nhiều khách nước ngoài từng ghé "cửa hàng" ông một lần, lần sau quay lại Việt Nam vẫn tìm đến ông Quý để nhờ khắc bút làm quà. Ngưỡng mộ sự sáng tạo và tài hoa của ông Quý, một đôi vợ chồng (vợ gốc Việt, chồng người Anh) nhất định đòi biếu thêm tiền so với mức tiền công 50.000 đồng. Lần thứ hai về Việt Nam, họ mang theo 50 chiếc bút để nhờ ông "làm đẹp" cho chúng.

Hiện tại nghề khắc bút ngày càng ít người biết tới, cửa hàng của ông Quý vắng khách qua lại nhưng người thợ già vẫn duy trì công việc như một thú vui. Không chỉ khắc bút, ông Quý còn nhận khắc trên tranh sơn mài, điện thoại di động, bật lửa hay laptop. Mỗi hình khắc giá 20.000 đồng nhưng có ngày ông chẳng kiếm được đồng nào. Hôm may mắn, ông chỉ đủ tiền ăn và tập thể hình.

Nếu như trước đây ông đến với nghề vì mưu sinh thì giờ, ngồi thảnh thơi dưới gốc cây, trông dăm ba chiếc xe, thi thoảng khắc bút cho khách và chuyện trò rôm rả với những người bán hàng nước lại khiến ông thấy khỏe ra. 6 người con đều thành đạt và đều đặn trợ cấp cho bố mẹ hàng tháng nên cuộc sống của vợ chồng ông Quý không phải lo nhiều tới miếng ăn.

Hàng ngày, ông dậy lúc 5 giờ sáng, tập tạ một giờ ở trung tâm thể hình, lo đồ ăn tươm tất cho vợ rồi đi xe máy ra "mở hàng". Vợ ông bị tiểu đường và bệnh phổi đã nhiều năm nay nên mọi việc trong nhà đều đến tay ông.

"Tôi vẫn sẽ ngồi đây khắc bút tới khi nào sức khỏe không cho phép. Chẳng làm giàu được với nghề này nhưng nhiều người vẫn tìm đến tôi nhờ làm đẹp cho món quà của họ là tôi vui rồi" - Ông Quý nói rồi vội vàng thu dọn đồ đạc để về nấu cơm tối cho vợ.

Theo Bình Minh
VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ