Người dành cả đời sưu tập tài liệu, hình ảnh Bác Hồ

GD&TĐ - Đã nhiều năm nay, người dân ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội nói riêng, người dân ở huyện Kế Sách, ở tỉnh Sóc Trăng nói chung đều biết chuyện anh Nguyễn Văn Nhung, một anh “Hai lúa” dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng có nỗi đam mê đặc biệt: Sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ.

Anh Nhung và tấm ảnh Bác Hồ lúc ở Thái Lan
Anh Nhung và tấm ảnh Bác Hồ lúc ở Thái Lan

Và, đã hơn 40 năm qua, anh có được gia tài vô giá: Hàng ngàn trang tài liệu viết về Bác Hồ, trên 2.000 tấm ảnh về Bác trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau. Có thể nói anh là người có bộ sưu tập về tài liệu, hình ảnh của Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam…Và, mục đích của anh khi thực hiện bộ sưu tập này là để phục vụ bà con ở địa phương…

Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Nhung, tôi hỏi vì sao mà anh có nỗi đam mê ấy. Trầm ngâm một lát, anh kể: Quê anh là một xã vùng sâu của huyện Kế Sách, nơi có truyền thống cách mạng từ lâu đời. Một lần, vào năm 11 tuổi, anh về nhà bà ngoại chơi. Đêm đó, vào đầu tháng 9-1969, đã khuya, mọi người đã ngủ. Riêng anh vẫn còn thao thức. Tình cờ, nhìn sang giường bà ngoại, anh thấy bà mở rương, tay nâng niu một vật gì đó. Tò mò, anh lại gần và thấy ngoại đang cầm một tấm ảnh, áp chặt vào ngực.

Anh hỏi “Hình ai đó ngoại?”. Ngoại nhìn anh rồi nói khe khẽ trong dòng nước mắt: “Bác Hồ đó con ơi. Bác đã mất rồi”. Nghe nói về Bác Hồ, thấy ảnh của Bác nhưng anh chưa hiểu Bác là ai mà ngoại lại khóc. Anh hỏi thì ngoại nói “lớn lên con sẽ biết”.

Lần khác, anh theo mẹ đi vào một ngôi chùa. Thấy một nhà sư đang thắp hương trước tấm ảnh của một người thanh niên trẻ, mắt sáng quắc. Anh hỏi thì được nhà sư cho biết: “Đó là một vị Thánh của dân ta”. Anh lại càng thắc mắc nhiều hơn.

Năm 1975, quê hương được giải phóng. Lúc này, anh được gần gũi với các chú bộ đội từ miền Bắc vào. Thấy các chú bộ đội cũng có ảnh của Bác, lại được nghe các chú kể nhiều chuyện về Bác thì lúc này anh mới hiểu Bác Hồ là ai, tại sao Bác lại được nhiều người biết đến như thế. Vậy là, từ đó, hình ảnh Bác Hồ kính yêu được khắc sâu vào trong tâm trí của anh với lòng ngưỡng mộ cao cả. Cũng từ đó, anh đề ra cho mình một công việc là sưu tầm những tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ kính yêu.

Anh kể, năm 1977, khi bắt tay sưu tầm tài liệu, cả Thị xã (nay là Thành phố) Sóc Trăng cũng chỉ có chưa đến chục sạp báo. Nhà sách thì có 3-4 chỗ nhưng không phải dễ kiếm tài liệu về Bác Hồ. Còn như ở Kế Sách quê anh, cả huyện chỉ có một vài chỗ bán báo. Riêng xã Thới An Hội thì lại không có chỗ nào. Nói như thế để thấy được hành trình đi sưu tầm tài liệu về Bác Hồ của anh Nguyễn Văn Nhung trên 40 năm qua là không đơn giản chút nào. Chỉ có những ai có tâm, có hiểu biết, kiên trì mới có thể làm được.

Nói về điều này, anh Nhung không giấu dếm chút nào: "Ở xứ xa xôi này, tìm sách báo khó lắm. Anh phải kiên nhẫn lắm, thậm chí phải lì mới có được. Khi thì cọc cạch đạp xe ra huyện, khi thì lên tỉnh, tìm đến ngành văn hóa thông tin, thư viện, các trường học, báo đài ở tỉnh, ở huyện để xin báo cũ. Sau đó tìm đến trụ sở xã, Bưu điện… nơi nào có báo là tôi tìm đến.

Lúc đầu không dễ xin vì họ đâu có biết mình xin làm gì, có khi họ còn cho là mình xin về cân ký cho mấy bà ve chai nên họ không cho. Nhưng tôi vẫn cứ làm lì. Hôm nay không được, hôm sau lại đến nữa. Có khi phải “uốn ba tấc lưỡi” để giải thích cho người ta biết mục đích của mình. Khi đó họ tin nên cho ngay. Thế là có cái mình cần".

Mang về nhà, ngồi phân loại. Đọc kỹ từng tờ báo, tờ nào có tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác là gom lại, cất cẩn thận. Có khi may mắn kiếm được kha khá. Nhưng có khi mang về cả một chồng báo nhưng tìm mãi chẳng có bài nào. Lúc đó buồn ghê lắm. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút đỉnh tiền, anh ra Thị xã Sóc Trăng tìm mua báo cũ, lục tìm tài liệu, hình ảnh về Bác.

Hễ thấy ở đâu có ảnh, có tài liệu về Bác là anh tìm đến, xin cho bằng được mới thôi. Nhiều khi thấy mình trở thành kẻ vô duyên vì thấy ai (dù không quen biết) có tờ báo, cuốn sách viết về Bác là anh tìm cách làm quen xin cho bằng được. Còn nhà ai có ảnh Bác, xin không được thì anh mướn người đến vẽ lại cho mình. Vì vậy trong anh có rất nhiều tranh vẽ về Bác Hồ. Cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, trong nhà anh lại có thêm một số tài liệu, hình ảnh Bác. Có tài liệu, hình ảnh rồi, anh phân loại theo từng mốc như Bác thuở thiếu thời, Bác khi đi tìm đường cứu nước, Bác ở nước ngoài, Bác ở Việt Bắc, Bác về Hà Nội, Bác với các tầng lớp nhân dân, v.v…

Nhìn những tấm ảnh về Bác do anh sưu tầm được, tôi hết sức ngạc nhiên và thán phục khi anh “Hai Lúa” có cuộc sống nghèo nhưng lại sở hữu trong tay khối tài liệu khổng lồ như thế.

Có tài liệu rồi, anh bổ sung thêm ảnh để thuyết minh về tài liệu. Có ảnh, anh lại cặm cụi tìm tài liệu phục vụ cho ảnh. Cứ thế, dần dần anh trở thành người có kiến thức về lịch sử nói chung, về Bác nói riêng vào hàng nhất nhì ở địa phương. Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu nào về Lịch sử, các em học sinh của xã lại chạy đến chú Nhung nhờ chú cho mượn tài liệu hay giải thích cho. Vô tình anh trở thành “giáo viên” dạy Lịch sử “bất đắc dĩ” ở địa phương. 

Cứ như thế, hơn 40 năm nay, anh Nguyễn Văn Nhung đã sưu tập được hàng ngàn tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác Hồ. Có thể nói, anh là người có nhiều tài liệu, ảnh về Bác ở khu vực ĐBSCL, và có thể là ở trên cả nước nữa.

Hàng ngàn trang tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác là tài sản vô giá của cá nhân anh Nhung. Nhưng, cái mà anh Nhung và nhiều người không ngờ tới là từ kho tài liệu đó đã cung cấp cho nhiều người ở địa phương và ở ngoài tỉnh những kiến thức quý giá. Mỗi khi có những cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử nói chung, về Bác Hồ nói riêng, thư viện của anh Nhung trở thành nơi lui tới của nhiều người. Các em học sinh ở xã đến nhờ chú Nhung cung cấp tài liệu, hình ảnh làm bài dự thi. Mỗi khi có ngày lễ hội, ngày kỷ niệm, cần tài liệu nào, lại tìm đến chú Nhung. Có những người ở mãi tận tỉnh xa cũng viết thư cho anh, hỏi về những kiến thức lịch sử, kiến thức về Bác Hồ. 

Thư viện về Bác Hồ của anh Nguyễn Văn Nhung là một chuyện lạ ở ĐBSCL và có lẽ cũng là của cả nước. Chuyện lạ ấy lại bắt đầu từ tấm lòng thành kính của anh đối với Bác Hồ. Và, nó đã trở thành kho tài liệu phong phú, có giá trị ở địa phương. Mong muốn của anh là làm sao thư viện ngày càng phong phú hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho lợi ích cộng đồng và trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Ngoài ra, anh Nhung cũng còn có rất nhiều hình ảnh về các vị cách mạng tiền bối, các vị anh hùng dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc như Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ