Trên cung đường huyền thoại

Trên cung đường huyền thoại

(GD&TĐ) - Hơn 35 năm đã qua đi, trong dấu tích bom đạn, cây cỏ đã lên xanh, niềm vui của thống nhất, hòa bình và tái thiết cũng đã làm dịu ngọt lại những buồn đau. Thế nhưng, ký ức về Trường Sơn vẫn thật sâu ngọt trong lòng những chiến sĩ năm xưa, nhất là với lớp người đảm nhận nhiệm vụ mở đường, xoi tuyến của những ngày đầu, để rồi Trường Sơn trở thành một cung huyết mạch nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975…

“Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”

Trước khi bước vào cuộc đời binh nghiệp, Thượng tá Võ Bẩm đã từng tham gia cách mạng ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ngày 5/5/1959, ông được giao trọng trách có tính bước ngoặt cho một cuộc đời, một dân tộc. Ông được Bộ chính trị chỉ đạo thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”. Nhiệm vụ của đoàn là mở đường, xoi tuyến, vận chuyển đạn dược, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Điều đặc biệt là ngày đoàn được thành lập đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ vào năm 1959, nên đoàn được phiên hiệu Đoàn 559. Ông đã cùng các chiến sĩ người miền Nam lên đường, vào Quảng Bình, tây Vĩnh Linh, Thừa Thiên, len lỏi giữa những cánh rừng bạt ngàn, tìm con đường tốt nhất vào Nam. Qua nhiều ngày tìm hiểu, ông chọn Khe Hó làm điểm khởi đầu của cung đường Trường Sơn huyền thoại. Khe Hó, được mô tả là một khe nước nhỏ, cách xa bản làng, ở dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn Rào Thanh, Tây Nam Vĩnh Linh, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, tuyến đường được phát triển theo hướng Tây Nam, qua làng Mít, vượt đỉnh 1001, đỉnh 1600, vượt sông Bến Hải, qua đỉnh 1701. Cung đường được xác định đi ở bình độ cao nhằm tránh bị địch phát hiện, nếu có bị bắn phá, tuyệt đối không bắn trả mà phải nhanh chóng thoái lui nhằm giữ bí mật.

Trong ký ức của ông Nguyễn Thành Long, một trong những người đầu tiên theo đoàn công tác của Thượng tá Võ Bẩm, đoàn của ông có 59 người, phải thực hiện khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” với hành trang chỉ vài bộ áo quần, 8 bánh lương khô, 3 cây súng và 50 viên đạn tiến dần về vùng đất Quảng Nam, nơi trước ngày ra Bắc năm 1958 ông có hơn 4 năm ở lại hoạt động bất hợp pháp sau Hiệp định Giơnevơ. Sang đến năm 1960, các ông đã đặt được 7 trạm liên lạc từ Quảng Nam vào đến Ba Tơ (Quảng Ngãi). Những năm này ông Long đổi tên thành Nguyễn Tấn Nhơn, thành anh Tư, đóng khố, cưa răng ở cùng đồng bào dân tộc. Ông Long nhớ lại “Lúc thì đi khảo sát tuyến đường, lúc gùi hàng. Lúc đó tôi chỉ có 48kg, chỉ với một cây gậy mà có thể gùi 1,2 tạ súng đạn, vượt từng cái dốc đứng”. Ông Nguyễn Đức Danh, làm công tác tuyên huấn trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1961 nhớ lại: Ban đầu toàn tuyến có 8 trạm, đi từ trạm này qua trạm khác với chiều dài khoảng 30km mất hết 1 ngày và 1 đêm. Sau hơn 18 tháng hình thành con đường, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, ông Long, ông Danh cũng đã đi dọc hết tuyến đường để thực hiện nhiệm vụ.

Năm 1964, tuyến hành lang Đông Trường Sơn tiếp tục bị địch đánh phá, ngăn chặn. Việc chuyển hàng bằng gùi thồ và xe cơ giới trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn không đáp ứng được yêu cầu của chiến trường, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Cục công binh khảo sát chuẩn bị mở đường ô tô. Ông Đoàn Văn Đạt lúc đó đang làm ở đội Khảo sát thiết kế -Viện Thiết kế (Bộ Giao thông vận tải) đã nhận được hai tờ quyết định đánh dấu bước chuyển công việc và cả lý tưởng của cuộc đời. Ông kể “ngày hôm trước tôi nhận được quyết định được cử đi Liên Xô học tập. Ngày hôm sau lại có quyết định điều động tăng cường cho đoàn 559. Tôi đã chọn quyết định thứ 2 chỉ bởi mình là người miền Nam, miền Nam đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, đang rất cần những người như chúng tôi”. Ông Đạt lên đường, vào tuyến đường Tây Trường Sơn, khảo sát thiết kế ở vùng trung và hạ Lào đến ngã ba La Hạp. Đoàn khảo sát đến đâu đường được mở ngay đến đó. Không đủ thước đo, các ông đã cắt dây mây nối lại từng đoạn khoảng 30-50m. 5 năm làm công tác khảo sát thiết kế trên cung đường dài 600 - 700km, ông Đạt cũng không nhớ mình đã nối bao nhiêu cây mây để làm thước trên con đường giữa đại ngàn. 

Trọng lượng của gùi hàng nặng hơn nhiều lần trọng lượng của cơ thể là hình ảnh thường thấy của lực lượng TNXP trên cung đường Trường Sơn năm xưa. (Ảnh tư liệu. Trong ảnh: TNXP thuộc tiểu đoàn vận tải nữ 232, thường được gọi với cái tên rất đỗi dung dị - Tiểu đoàn bà Thao)
Trọng lượng của gùi hàng nặng hơn nhiều lần trọng lượng của cơ thể là hình ảnh thường thấy của lực lượng TNXP trên cung đường Trường Sơn năm xưa. (Ảnh tư liệu. Trong ảnh: TNXP thuộc tiểu đoàn vận tải nữ 232, thường được gọi với cái tên rất đỗi dung dị - Tiểu đoàn bà Thao)

“Ngày không giờ, tuần không thứ”

“Chỉ có làm việc và làm việc, không nghĩ ngợi, không suy tính, không run sợ...” là những điều mà những cựu chiến binh, những người lính, người thợ anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa khẳng định. Ông Cầm Bá Trùng, Anh hùng LLVT nhớ lại: Năm 1968, người bạn thân ở cùng làng đi bộ đội mới hơn một năm đã hi sinh, ông lúc đó mới 16 tuổi đã khai tăng thêm 2 tuổi để được ra mặt trận. Lúc mới đi, phải xắn chiếc quần bộ đội lên 4 lớp mới vừa người. Ông được bổ sung vào Binh trạm 12 (Quảng Bình), một địa điểm bị địch bắn phá ác liệt. “Cứ khoảng 15 phút lại có một đợt dội bom B52. Hết đợt bom là chúng tôi lao ra mặt đường cứu xe hàng để giải phóng đường, rồi lấp đường cho xe tiếp tục qua. Hầu như rất ít khi được nghỉ vì đường 12 là trọng điểm đánh phá. Lúc đó chẳng ai nghĩ mình làm để sau này được phong là anh hùng, vì có thể anh em mới ngồi với nhau lúc này đây, một lúc sau đã mất nhau mãi mãi”. Sự sống và cái chết chỉ ở trong gang tấc nhưng chẳng ai nghĩ đến. Năm 1978, ông được tuyên dương Anh hùng vì thành tích nhiều lần cứu một xe hàng vận chuyển, khi phía sau là một đoàn xe và hàng trăm chiến sĩ đang trên đường ra mặt trận.

Năm 1970, ông Phạm Văn Khoa đang là thợ hàn bậc 2/7 thuộc một nhà máy của Bộ Giao thông vận tải đã được chi viện cho lực lượng công binh Đoàn 559. Vào đến đường Tây Trường Sơn ở đường 24 (Khăm Muộn, Lào), ông trở thành một thợ cơ khí “đa tài” khi làm cả thợ hàn, rèn, gò, nguội và đảm nhận việc lái xe vận chuyển hàng giữa các binh trạm. Ông Khoa trải qua các binh trạm 16A, 16C, đường 14, đường Tà Cơn, đường 9. Ông kể: “Mỗi tháng được nghỉ 1 ngày nhưng anh em chẳng ai muốn nghỉ bởi công việc rất nhiều, không vận chuyển thì sửa đường. Chúng tôi có mặt hầu như cả ngày đêm trên mặt đường”. Lúc đó không có phong trào thi đua nhưng những tiểu đội nữ thanh niên xung phong (TNXP) đã là tấm gương về sự hi sinh quên mình cho nhiệm vụ. Ông nhớ lại: “Năm 1971-1972, Trung đoàn Công binh của chúng tôi có đến 2.000 nữ, là lực lượng 2 giỏi của tỉnh Quảng Bình, là dân công hỏa tuyến, TNXP ngày đêm bám trụ mặt đường sửa đường cho xe qua. Có những đơn vị yêu cầu 4 giờ sáng bắt đầu làm việc, nhưng nhiều tiểu đội nữ 2 giờ sáng đã bắt đầu âm thầm đi làm. Các chị em tranh thủ thời gian làm được nhiều việc càng tốt”.

Tháng 3-1969, tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ cổng Trời theo đường 12 vượt Trường Sơn vào đến tuyến 559. Ông Ngô Trí Hòa, Trưởng ban Quân lực, năm 17 tuổi đã viết đơn bằng máu để xin vào chiến trường, tham gia lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu kể “Một ống phi dài 100m của Liên Xô nặng 36kg, của Trung Quốc nặng 45kg, còn của Việt Nam nặng 72kg nhưng anh em vác đi phăm phăm. Có người vác một lúc 4 ống”.

Nhắc đến Trường Sơn không thể không nhắc đến những “tiểu đội xe không kính”. Ông Nguyễn Văn Bình, lái xe thuộc đơn vị C14, Cục vận tải tăng cường cho đường 559 kể, thời gian huấn luyện lái xe chỉ được 30 ngày. Khi đã cầm lái, không kể đó là loại xe gì đều phải lái được và phải lái xe trong điều kiện hết sức ngặt nghèo: những đoạn nào rừng rậm, là tranh thủ đi ban ngày khi không có máy bay đánh phá; còn hầu hết là phải đi ban đêm, chỉ được bật đèn gầm. Chỉ lái một tay, còn nửa người còn lại nhoài đầu ra ngoài cửa để nhìn đường. Những đợt dội bom khiến hầu hết các xe vỡ hết kính, vì thế mới có tên “tiểu đội xe không kính”. Mỗi trung đội xe có khoảng 10-12 xe, có 1 thợ sửa chữa, 1 y tá đi theo đoàn và 2-3 xe mới có một lái xe dự phòng. Với những đoạn đường vừa bị dội bom, trong khoảng 10-15 phút phải giải phóng xong mặt đường để xe qua, nếu không sẽ bị ách tắc. Ông Phạm Văn Khoa kể rằng ông đã nhiều lần cùng anh em đưa gạo trên xe xuống lót đường ở những đoạn đường lầy lội để xe đi. Giành giật với địch từng thước đường, từng giờ thông đường...

Những người lính, dù được phong và không được phong Anh hùng, đều là những anh hùng của dân tộc, khi đã cống hiến tuổi thanh xuân, sự sống cho Tổ quốc. Họ có lý tưởng và niềm tin sắt đá vào ngày hòa bình, độc lập, thống nhất Nam - Bắc. Phải 16 năm sau con đường huyền thoại Trường Sơn hình thành, niềm mong mỏi đó mới thành sự thật.

                                                                        Ánh Ngọc – Phương Linh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ