Quê Bác tháng 5

GD&TĐ - Tháng 5, quê Bác trở nên nhộn nhịp, rộn ràng hơn nhưng cũng xúc động, sâu lắng bởi những bước chân trở về… Để xứng với bao nhiêu ân tình ấy, người dân quê Bác từ đứa trẻ, em học sinh đến người già đều đóng góp sức mình để giữ gìn, bảo vệ và làm tươi đẹp hơn làng Sen - Nơi như đã thành quê chung của những người con trên dải đất hình chữ S.  

Hoạt động giáo dục truyền thống tại Trường THCS Kim Liên. Ảnh: T.G
Hoạt động giáo dục truyền thống tại Trường THCS Kim Liên. Ảnh: T.G

Chất riêng con người Kim Liên

Trường Tiểu học Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) vừa tổ chức cuộc thi “Em làm hướng dẫn viên tháng 5 trên quê hương Bác” dành cho tất cả học sinh của trường. Trong đó các em lớp 1, 2 sẽ thể hiện màn múa đồng diễn. Còn các em lớp 3, 4, 5 lớn hơn thì tham gia thuyết minh về các cụm di tích Kim Liên bao gồm quê ngoại Hoàng Trù, quê nội Làng Sen của Bác Hồ và mộ bà Hoàng Thị Loan thân sinh ra Bác.

Tại cuộc thi này, em Nguyễn Thị Thu Huyền (lớp 4) đã khiến cho nhiều thầy cô, bố mẹ bất ngờ, thán phục trước khả năng thuyết minh xuất sắc của mình. Giọng nói ngọt ngào, biểu cảm giới thiệu cho mọi người biết được những câu chuyện cảm động dưới mái nhà tranh đơn sơ, nơi mẹ Bác là bà Hoàng Thị Loan đã sinh ra cho đời những người con ưu tú. Các con lớn lên, thấy cảnh nước mất nhà tan, lần lượt ra đi làm cách mạng. Cảnh chia ly không ai mong muốn nhưng cả gia đình Bác đã hi sinh hạnh phúc riêng, trọn đời vì dân vì nước. Em cũng chia sẻ thêm những suy nghĩ, cảm nhận của mình khi là người con của quê hương Kim Liên.

Ngoài sự tham gia của học sinh, các bậc phụ huynh cũng hào hứng không kém, dành thời gian hỗ trợ, hướng dẫn và cổ vũ các con từ lúc chuẩn bị cho đến khi cuộc thi diễn ra. Cô Đoàn Thị Dung (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Làng Sen) cho biết: “Sự thể hiện của các em khiến các thầy cô giáo của trường và lãnh đạo phòng Giáo dục huyện ngạc nhiên, tự hào. Các em thuyết minh tự nhiên, sinh động và biểu cảm giống như hướng dẫn viên thực sự. Từ hoạt động này, nhà trường còn phát hiện ra nhiều nhân tố, năng khiếu của học sinh như: Thuyết trình, múa, hát, khéo tay”.

Được biết, cuộc thi “Em là hướng dẫn viên tháng 5 trên quê hương Bác” nằm trong chuỗi các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống của Trường Tiểu học Làng Sen được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa. Mỗi tháng, nhà trường sẽ có một chủ đề để các em tham gia. Dịp này, hướng đến kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890) nên các hoạt động tập trung vào chủ đề này.

Đây là những hoạt động phù hợp với mảnh đất Kim Liên, có sức lan tỏa trong xã hội và được phụ huynh đồng tình. “Chúng tôi đưa ra định hướng cho học sinh, còn các em tự tìm hiểu qua việc hỏi ông bà, bố mẹ, các anh chị để tăng thêm hiểu biết cho mình. Ngoài tìm hiểu về quê nhà, gia đình Bác Hồ, cuộc đời sự nghiệp của Bác, còn có nội dung giới thiệu các danh nhân lịch sử, di tích, các làng nghề của Nam Đàn. Qua đó, nhà trường nuôi dưỡng cho các em lòng tự hào được sinh ra trên quê hương là cái nôi cách mạng. Ươm mầm “hướng dẫn viên nhí” để các em có thể giới thiệu, thuyết minh về quê Bác cho bất cứ người khách nào”, cô Dung chia sẻ.

Hơn 1 tháng qua, thầy trò Trường THCS Kim Liên, Nam Đàn cũng có nhiều hoạt động sôi nổi. Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động mang chủ đề “Ngày hòa bình” và kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ. “Dù sống trên quê Bác, nhưng không phải em nào cũng hiểu được rõ ngọn ngành về quê hương, các danh nhân lịch sử. Tổ chức các cuộc thi kể chuyện, tìm hiểu là cách để các em được bồi dưỡng hiểu biết kiến thức, giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử. Hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho học sinh cũng như phẩm chất riêng của con người Kim Liên quê Bác”, thầy Nguyễn Vương Linh – Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên trao đổi.

Việc giáo dục các kỹ năng này, theo thầy Nguyễn Vương Linh cũng là thực hiện nội dung của Nghị quyết 29, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh. Các em có hiểu về lịch sử, về sự hi sinh của các thế hệ đi trước, thì mới xác định cho bản thân mình hành động sao cho xứng đáng với những hi sinh mất mát đó.

Có một không gian mang tên “quê Bác”

Tháng 5, người dân mọi miền Tổ quốc hướng về làng Sen.
Tháng 5, người dân mọi miền Tổ quốc hướng về làng Sen.

Dọc con đường về hai bên nội ngoại quê Bác, những ao sen lá xanh phủ kín đã bung nở trong những ngày chớm tháng 5. Trước đó, các ao sen này chỉ là ao cá. Những bông sen thưa bóng dần bởi tốc độ đô thị hóa làng quê, bởi hoạt động sản xuất ngày càng phát triển của người dân. Đầu năm 2012, UBND xã Kim Liên quyết định khôi phục lại cây sen trên đất Kim Liên, thu hồi một số diện tích ao hồ nuôi cá chuyển sang trồng sen. Dù trồng sen không có lợi nhuận kinh tế nhưng nhân dân đều ủng hộ nhiệt tình, vì mục đích lấy cảnh quan đẹp cho quê Bác.

Ông Dương Đình Lam, xóm Trù 2, xã Kim Liên, Nam Đàn chia sẻ: “Tôi và người dân trong làng đều ủng hộ, bỏ không nuôi cá nữa để trồng sen cho đẹp cảnh quan, trồng để lấy cái không khí trong lành, mát mẻ cho quê Bác. Để khi du khách về làng Sen thì thấy được cái đẹp riêng, độc đáo và thân thương. Như thế chúng tôi cũng đã làm được cái gì đó cho quê hương”.

Bà Nguyễn Thị Tần, 67 tuổi đã chuyển sang nhà mới mấy năm. Bà kể: Nhà cũ tôi nằm sát vách, chỉ cách bờ rào dâm bụt với nhà cụ Hoàng Xuân Đường, thân sinh bà Hoàng Thị Loan. Bây giờ, ngôi nhà đó đã được chính quyền phục dựng lại thành nhà tranh thời ông bà cụ ngày xưa ở, thời thế kỷ XIX, và nằm trong cụm di tích làng Hoàng Trù. “Khi tôi về làm dâu nhà này thì Bác đã đi làm cách mạng lâu rồi. Chỉ nhớ cha mẹ kể lại, nhà mình cách bờ rào dâm bụt với nhà mẹ Bác, năm xưa, bà Loan vẫn hay gửi các con sang đây để đi làm. Sau này, có lần Bác về thăm quê ghé làng Hoàng Trù, bà con chạy từ ngoài đồng về để được nhìn thấy Bác”, bà Tần nhớ lại.

Những ngày tháng 5 này, như một dịp nhắc nhớ chung cho cả dân tộc, rất nhiều đoàn khách từ mọi miền hành hương về quê Bác. Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: Chúng tôi huy động mọi lực lượng, làm không có ngày nghỉ để kịp thời đón, phục vụ các đoàn khách về thăm quê, dâng hương báo công với Bác. Dù vất vả nhưng là nhiệm vụ chính trị, cũng là trách nhiệm của người con quê Người.

Theo ông Nguyễn Bảo Tuấn: Khu di tích Kim Liên còn tương đối nguyên gốc các di tích như đất đai, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan. Vì vậy, bảo vệ, bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích là nhiệm vụ lớn và nặng nề.

Để làm tốt công tác này, Khu di tích Kim Liên đã chú trọng và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng duy trì tốt công tác bảo quản thông thường với bảo quản khoa học. Trong những năm qua, Khu di tích Kim Liên đã thực hiện công tác tu bổ các hạng mục công trình như: Lợp lại mái tranh các di tích theo định kỳ; tu bổ sân, nền, đường di tích; xử lý hệ thống thoát nước; cải tạo nâng cấp lưới điện bảo vệ; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; tu bổ tôn tạo nâng cấp vườn cây trong di tích và trong khuôn viên bảo tàng, nhà tưởng niệm….

Đồng thời chủ trì tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nghiên cứu đề tài khoa học, xuất bản các ấn phẩm văn hóa, sách, ảnh… xây dựng website phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ những nỗ lực và trách nhiệm đó của chính quyền địa phương và mỗi người dân, nhằm đưa Kim Liên, Nam Đàn trở thành một làng quê chung, một không gian văn hóa cho hàng triệu người dân khắp mọi miền đất nước, và trở thành một điểm nhấn của thương hiệu du lịch Nghệ An nói riêng.

Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa, và Khu di tích Kim Liên còn là Di tích quốc gia đặc biệt (bao gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ và phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung). Những năm gần đây chính quyền địa phương đã phục dựng thêm các ngôi nhà láng giềng xung quanh nhà Bác. Nhằm tái hiện một phần không gian văn hóa   của làng quê Kim Liên thế kỷ XIX gắn với tuổi thơ và gia đình Người. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảm giác hưng phấn là một chức năng tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: ITN)

8 lý do khiến bạn muốn 'yêu'

GD&TĐ - Hầu hết chúng ta bắt đầu cảm thấy hưng phấn khi bước vào tuổi dậy thì và đương nhiên, việc có cảm xúc tình dục là điều hoàn toàn bình thường.