Cả dân tộc đồng lòng: Độc lập, tự do...đường lên phía trước. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Đúng 20h đêm 29/8/2009, đêm nhạc "Hồ Chí Minh - cả cuộc đời vì nước vì dân" đã được truyền hình trực tiếp từ Quảng trường Ba Đình đến với đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Đêm mùa thu, không gian quảng trường lắng lại, khi vài ngàn con người đủ mọi lứa tuổi, từ những cụ già tóc bạc phơ đến những em nhỏ đôi ba tuổi, tụ họp tại đây để cùng nhớ, cùng tri ân, cùng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vị lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam. Thêm rất nhiều ghế phụ, và hàng ngàn đồng bào xem chương trình dọc đường Độc Lập, nơi ban tổ chức đặt 3 màn hình lớn.
Không khí linh thiêng ngay từ những giây đầu tiên, khi tất cả khán giả cùng đứng lên chào lá quốc kỳ, cất cao lời "Quốc ca" và "Lãnh tụ ca", để cùng tự hào là con dân nước Việt, cùng đồng lòng đi theo con đường mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho dân tộc như lời một bài hát: Độc lập, tự do...đường lên phía trước...
Con đường của dân tộc Việt Nam mà Bác vạch ra là con đường mở, con đường phát triển đến tương lai mà cơ sở nền móng của nó là Độc lập, tự do.
Đêm nhạc hoành tráng trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Ngay sau đó, ca sĩ Đăng Dương "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" (Nhạc sĩ Văn Cao) với những lời ca tha thiết, hào hùng: "Người về mang tới ngày vui. Mùa thu nắng tỏa Ba Đình, với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời..." mở đầu cho những ca khúc thể hiện tình cảm yêu kính của những người con Việt Nam với người cha chung của dân tộc. Từ những khúc ca hùng tráng Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác (Cao Việt Bách), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường) đến Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh)..., đến những lời ca da diết của "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Viếng lăng Bác", "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh"...
Các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, từ những người kỳ cựu như NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ, đến thế hệ trung niên như Thái Bảo (Hà Nội), Tạ Minh Tâm (TPHCM), cả các sĩ trẻ như Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh, Thanh Thúy..., mỗi người đều góp lời ca như những bông hoa đẹp trong vườn hoa dâng Bác. Nhiều khán giả hát cùng các ca sĩ những lời ca tha thiết, nhiều tiếng vỗ tay theo nhạc điệu.
Đa số các ca khúc về Bác được chọn hát trong chương trình không mới, bởi những người yêu nhạc "cách mạng" Việt Nam đã quen thuộc với những lời ca được cất lên mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, hay tưởng nhớ ngày Bác đi xa. Nhưng khi những lời ca sâu lắng ấy vang lên giữa không gian quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác đọc những lời Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 64 mùa thu trước, nơi đồng bào cả nước hòa chung dòng lệ tiễn đưa Bác 40 năm trước, nơi Bác đang yên giấc, dường như tinh thần của Bác, tấm lòng của Bác đã truyền tình cảm cho cả người hát lẫn người nghe; tạo nên mối cộng cảm, gắn bó, liên kết cả dân tộc thành một khối sức mạnh: Độc lập, tự do...đường lên phía trước...
Chương trình cũng dành những phút tri ân các chuyên gia Liên Xô trước đây, các chuyên gia Nga hiện nay nối tiếp nhau dành trọn tâm sức, tình cảm để giữ gìn hình hài Bác suốt 40 năm qua, để mỗi ngày hàng ngàn người nối tiếp nhau vào lăng để được thấy Bác. Nhiều chuyên gia có mặt trong đêm diễn, cùng nhớ Bác với đồng bào Việt Nam.
Cùng với những lời ca dâng Bác, những thước phim tư liệu hình ảnh Bác Hồ với đồng bào - chiến sĩ cả nước, với bạn bè quốc tế gây xúc động mạnh mẽ không chỉ bởi hình ảnh Người giản dị, gần gũi, thân thương, mà còn bởi những người tiếp xúc với Bác đều thể hiện rõ niềm hạnh phúc khi được gặp Bác, được Bác ôm hôn hay bắt tay thân mật... Cảm giác như Bác vĩ đại đang ở đâu đó thật gần.
Trong không khí ấy, những lời cuối cùng trong di chúc Bác để lại cho toàn dân từ 40 năm trước sẽ khiến mỗi người phải suy ngẫm: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Theo VietNamNet