Ngày 16/4, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị tiếp nhận cấp cứu anh Nguyễn Văn M., (39 tuổi, trú tại Yên Định, Bắc Mê, Hà Giang) trong tình trạng nguy kịch sau khi bị con culi cắn khoảng 2 giờ.
Trước đó, anh M. vào viện trong tình trạng lơ mơ, kích thích vật vã, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, tím môi, vằn da hổ rải rác toàn thân, thanh quản co thắt nhiều, độ bão hòa Oxy SpO2 còn 40 - 50%.
Người đàn ông được chẩn đoán sốc phản vệ độ IV (mức độ nặng nhất trong thang phân loại phản vệ).
Sau đó, các bác sĩ nhanh chóng xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế là thở máy hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc nâng huyết áp, chống dị ứng và điều trị tích cực.
Sau 3 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện mà không để lại biến chứng.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đánh giá, đây là ca bệnh hiếm gặp do động vật hoang dã gây ra, cụ thể là loài khỉ culi (hay còn gọi là khỉ gió).
Tuy có vẻ ngoài hiền lành nhưng thực chất con culi có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước, có bản chất protein.
Culi dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc kết hợp với nước bọt gây nhiễm độc qua nhát cắn tự vệ.
Vết cắn của culi có thể gây phản ứng dị ứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Do vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng khi gặp phải các loài vật hoang dã, chưa nắm được đặc điểm loài, nguy cơ có hại mà chúng gây ra.
Khi đi rừng, nếu không may bị culi hay các loài vật hoang dã cắn, người bệnh cần sơ cứu rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.