Em bé đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm tại Vĩnh Phúc chào đời

GD&TĐ - Đây là mốc đánh dấu sự phát triển của Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc sau thời gian triển khai kỹ thuật này.

Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp IVF được thực hiện hoàn toàn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.
Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp IVF được thực hiện hoàn toàn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 12/11, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi gặp mặt chào đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được thực hiện hoàn toàn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Phương pháp IVF được áp dụng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho chị Nguyễn Ngọc Ánh, trú tại thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Sau nhiều năm bị vô sinh thứ phát, với mong muốn sinh con, tháng 1/2024, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Ánh đã quyết định áp dụng phương pháp IVF tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại đây, các bác sĩ của trung tâm đã kiểm tra, thăm khám, sau đó kích trứng, dùng thuốc rụng trứng, chọc trứng cho chị Ánh.

Đến tháng 3/2024, chị Ánh được chuyển một phôi trong số các phôi được tạo ra từ Phòng Lab trước đó và thành công ngay lần đầu tiên.

Trong suốt thời gian mang thai, ca thụ tinh trong ống nghiệm IVF đầu tiên tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh luôn được đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện theo dõi, thăm khám, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ tận tình, chu đáo.

Ngày 6/11, chị Ánh có dấu hiệu chuyển dạ và̀ được các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thăm khám, hội chẩn và lựa chọn sinh mổ.

Ca mổ do BSCKII Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thực hiện.

Em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời khi vừa tròn 36 tuần, nặng 2,7kg, hoàn toàn khỏe mạnh và được đặt tên là Nguyễn Ngọc Gia Phong.

Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được Bộ Y tế công nhận thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm vào tháng 9/2023.

Việc làm chủ được kỹ thuật IVF không chỉ đánh dấu bước phát triển của Bệnh viện Sản - Nhi mà còn của ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc trong điều trị vô sinh hiếm muộn.

Việc triển khai thành công các kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh không chỉ giúp người bệnh có điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, chăm sóc mà còn giảm được nhiều chi phí so với lựa chọn thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.