Bé 24 tháng tuổi phải mổ cấp cứu trong đêm vì bị chó nhà tấn công

GD&TĐ - Một bé gái hai tuổi ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang bị chó nhà tấn công, cắn trọng thương vùng mặt.

Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi bị chó cắn. Ảnh: BVĐK tỉnh Tuyên Quang
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi bị chó cắn. Ảnh: BVĐK tỉnh Tuyên Quang

Ngày 20/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, ngày 17/5 bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhi L.K.C, 24 tháng tuổi, trú tại xã Nhân Lý, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Bé C. nhập viện với tình trạng có nhiều vết thương rách da vùng mặt phức tạp.

Theo thông tin từ gia đình, C. bị chó nhà tấn công, gia đình đã đưa bé ra Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hoá cấp cứu rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ phòng Thường trực cấp cứu, kịp thời thăm khám.

Sau tư vấn chuyên môn, bệnh nhi đã được các y bác sỹ đưa đến điểm tiêm huyết thanh kháng dại cùng vắc-xin phòng dại và tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm.

BS.CKI. Vương Ngọc Thịnh, Khoa Răng Hàm Mặt cho biết: Bệnh nhi C. có nhiều vết thương rách da sâu và nham nhở ở khắp mặt.

Ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện làm sạch các vết thương nhiều lần bằng dung dịch sát trùng; cầm máu tại chỗ; cắt lọc, loại bỏ các dị vật như da chết, đất, lông… trên vết thương; khâu phục hồi lại tất cả các vết thương theo các lớp và các mốc giải phẫu.

Ca mổ được thực hiện dưới gây mê Nội khí quản với sự giám sát chặt chẽ của ê-kíp gây mê. Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi sát, điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện.

Sau 1 ngày phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhi đã tỉnh táo, không nôn, không sốt; Các vết mổ khô, sạch, sưng nề nhẹ, không chảy dịch mủ; Trẻ ăn uống được cháo, sữa với sự hướng dẫn và chăm sóc của điều dưỡng khoa.

Hiện, trẻ đã được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị, do theo dõi dị ứng với huyết thanh SAT phòng uốn ván.

Các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, các gia đình không cho trẻ lại gần chó, đặc biệt chó lạ. Không trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ và khi trẻ đang ăn.

Tiêm phòng dại cho chó và đặc biệt cần theo dõi vết thương, biểu hiện của trẻ; theo dõi chó trong 15 ngày tiếp theo.

Khi bị chó cắn cần đến ngay các Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ