Bà con say mê học chữ
Mặc dù bận rộn với công việc nương rẫy, nhưng đúng 17h hàng ngày, 50 học viên lớp xóa mù chữ ở điểm trường bản Sum Pàn thuộc Trường tiểu học bản Mé, xã Nà Nghịu lại có mặt đông đủ để học chữ. Các học viên tham gia học lớp xoá mù chữ có nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, bà con đều có chung mong ước được biết chữ, biết thêm kiến thức để phát triển sản xuất kinh tế gia đình.
Khai giảng tháng 9/2022, lớp xóa mù chữ ở bản Sum Pàn dự kiến kết thúc vào tháng 8/2023. Để đọc thông, viết thạo, các học viên phải rất chăm chú nghe giáo viên giảng bài và chịu khó tập viết chữ. Những đôi tay khô ráp thường ngày cầm cuốc, xẻng, thuổng, dao, được cô giáo hướng dẫn tận tình, nay đã có thể viết những chữ cái thuần thục.
Ở tuổi 61, bà Lường Thị Diên, bản Sum Pàn, ngày ngày kiên trì tới lớp học. Bà Diên kể: “Khi có thông báo của xã về lớp xóa mù chữ tại bản, tôi đã nói chuyện với các con trong nhà để tham gia học cho biết. Do tôi tuổi cao, nên việc học chữ khá khó khăn. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô giáo, nay tôi đã biết viết, biết đọc tên của mình. Học được chữ ở độ tuổi này, tôi thấy vui mừng lắm”.
Nhiều học viên ở độ tuổi khác nhau tham gia lớp học xoá mù chữ. |
Đến với lớp học xoá mù chữ, vợ chồng anh Sồng A Chư (37 tuổi), ở bản Hua Pàn cùng nhau sắp xếp thời gian lao động, sản xuất hợp lý để tham gia học nâng cao kiến thức. Theo anh Chư, biết chữ sẽ giúp bản thân biết được nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực của đời sống, biết cách phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
“Do không biết chữ nên tôi không thể đọc sách, báo để học hỏi kỹ thuật chăm sóc, cây trồng vật nuôi. Vì vậy, tôi muốn cải thiện năng suất lao động trong nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Từ lúc tham gia lớp xoá mù chữ này, tôi đã cơ bản biết đọc. Tôi sẽ cố gắng học tập, để sau này có thể đọc được nhiều sách hướng dẫn chăn nuôi, phát triển sản xuất kinh tế”, anh Chư chia sẻ.
Là người được phân công giảng dạy lớp học, cô giáo Hà Thị Hoàn, Trường tiểu học bản Mé, xã Nà Nghịu cho biết: “Lớp học tôi dạy có nhiều lứa tuổi khác nhau. Có người chưa thạo tiếng phổ thông nên khi truyền đạt gặp khó khăn, nhất là trong phát âm, viết chữ”.
Theo cô Hoàn, với phần viết chữ, viết số, các học viên trẻ tiếp thu nhanh hơn, còn đối với học viên lớn tuổi phải hướng dẫn từ cách cầm bút, cầm tay viết từng nét, từng chữ. Dù học tập gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các học viên đều tích cực học tập. Hiện nay, các học viên đều đã đọc và viết thành thạo.
Học viên đánh vần chữ viết. |
Hỗ trợ các học viên biết đọc, biết viết
Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho hay: "Xóa mù chữ cho bà con người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa là một đề án có ý nghĩa thiết thực đối với huyện. Việc chúng tôi mở lớp xóa mù chữ tại huyện đã giúp cho bà con đồng bào chưa được đi học, chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại. Từ đó, giúp người dân biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Đồng thời, giúp bà con thuận lợi hơn trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày diễn ra trong cuộc sống”.
Theo số liệu thống kê của phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, hiện nay tỷ lệ người mù chữ độ tuổi từ 15 - 60 tuổi ở mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình lớp 3) và mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình lớp 5) là gần 7.000 người. Trên cơ sở số liệu tổng hợp, UBND huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch mở 31 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022 - 2025 cho hơn 1.500 học viên. Năm 2022, phòng GD&ĐT đã phối hợp tổ chức 4 lớp xóa mù chữ cho 228 học viên tại xã Đứa Mòn và Nà Nghịu. Năm 2023, dự kiến tổ chức 13 lớp xóa mù chữ cho 650 học viên ở 8 xã. Qua đánh giá, đến nay, 19 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Lớp xóa mù chữ của bà con dân tộc tại xã Nà Nghịu. |
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã cho hay: “Chúng tôi đã phối hợp với Hội LHPN huyện rà soát danh sách phụ nữ, trẻ em gái đăng ký theo học xoá mù chữ. Cùng với đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường tiểu học phân công giáo viên dạy lớp xóa mù chữ nghiêm túc và hiệu quả. Chúng tôi cũng đã cung cấp tài liệu, hướng dẫn cho các học viên theo học đạt kết quả cao nhất. Ngoài kinh phí theo chính sách của tỉnh, chúng tôi còn huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để triển khai công tác xóa mù chữ”.
Theo ông Viên, ngoài những mặt thuận lợi, ngành giáo dục huyện còn gặp một số khó khăn. Bởi, đối tượng mù chữ đa số đang trong độ tuổi lao động nên thường đi làm ăn xa hoặc ngại tham gia học vì ảnh hưởng đến thời gian lao động. Cùng với đó, cán bộ phụ trách công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục kiêm nhiệm nên gặp khó về chuyên môn, nghiệp vụ.
“Trước khó khăn trên, chúng tôi đã tham mưu cho huyện tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và người dân về tầm quan trọng của công tác xóa mù chữ. Bên cạnh đó, đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chúng tôi chỉ đạo các trường học chọn địa điểm, thời gian tổ chức các lớp học phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân tham gia học. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với người học”, ông Viên cho biết.