“Người lái đò” mang trọng bệnh ở miền biên viễn

GD&TĐ - Chồng ốm bệnh viện trả về. Con bị thiểu năng. Cô Nga bị u nang buồng trứng. Không ít thời điểm cô tưởng mình gục ngã. Nhưng tình yêu với con, đam mê “lái đò” đã dìu cô qua những khó khăn.

Cô Nga ước mong các em học sinh sẽ bớt khó khăn, có tương lai tốt đẹp hơn.
Cô Nga ước mong các em học sinh sẽ bớt khó khăn, có tương lai tốt đẹp hơn.

Chìm nổi phận đời

Do ảnh hưởng của dịch, các em học sinh ở Kon Tum nghỉ hè sớm. Những ngày cuối ở Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum), cô Nông Thị Nga (giáo viên lớp 5) cùng đồng nghiệp chấm bài thi và dọn dẹp lại lớp học.

Cô Nga sinh ra trong một gia đình có 5 chị em gái. Bố mất sớm, cuộc sống khó khăn, túng thiếu nên các chị của cô lần lượt từ bỏ ước mơ đến trường. Thương mẹ và các chị, Nga cùng cô em gái út cố gắng viết tiếp ước mơ học hành. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nga thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng gia đình cô. Mong muốn con thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng, mẹ Nga phải vay mượn khắp nơi để có tiền trang trải chi phí học hành.

Để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, Nga quyết định lấy chồng sớm. Gia đình chồng Nga cũng không khá giả gì nên 2 vợ chồng động viên nhau cố gắng làm lụng, không phiền lòng nội, ngoại. Cuộc sống của 2 vợ chồng cứ êm đềm trôi qua. Đến năm 2013 bất ngờ chồng Nga lâm bệnh nặng. Hai vợ chồng dắt díu nhau đến nhiều bệnh viện để chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

“Khi chồng đổ bệnh, con tôi chưa đầy 1 tuổi. Khi đó, tôi phải gửi con nhờ ông bà nội trông coi rồi một mình thuê trọ để vừa chăm chồng vừa thuận tiện việc học. Chồng tôi nằm viện hơn 1 tháng trời nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đến một hôm bệnh viện thông báo trả anh về khiến tôi và gia đình vô cùng tuyệt vọng.

Nhưng vợ chồng tôi còn con thơ, tôi không muốn con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con. Do đó khi hay tin ở đâu chữa bệnh hay tôi đều đưa anh đi. Đến một hôm dường như phép màu đã đến với gia đình. Khi tôi đưa anh xuống Viện Kí sinh trùng TP Quy Nhơn khám thì các bác sĩ tìm ra bệnh và kê đơn thuốc. Chồng tôi uống một thời gian thì bệnh tình đỡ hẳn, những cơn đau cũng ngày một vơi đi”, cô Nga chia sẻ.

Chồng khỏi bệnh chưa được ít lâu, người con đầu của cô Nga khi lên 4 tuổi được các bác sĩ chuẩn đoán là bị thiểu năng trí tuệ. Sau đó, người con út cũng bị viêm ruột, liên tục nhập viện cấp cứu. Còn cô Nga trong một lần đi khám bệnh phát hiện mình bị u nang buồng trứng.

“Bệnh tật cứ đeo bám cả gia đình tôi không buông. Có những lúc tôi bất lực muốn buông xuôi tất cả. Nhưng khi nhìn chồng cùng các con nô đùa, hạnh phúc bên nhau tôi lại nhủ mình phải cố gắng gấp trăm ngàn lần. Bản thân tôi phải mạnh mẽ thì mới có thể chăm sóc cho những người mình yêu thương”, cô Nga tâm sự.

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng cô Nga luôn dành những điều tốt đẹp cho học sinh của mình.
Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng cô Nga luôn dành những điều tốt đẹp cho học sinh của mình.

Ước mơ cho trẻ em nghèo

Sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Nga về huyện biên giới công tác 1 năm sau đó chuyển vào Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai) cách nhà hơn 70km để giảng dạy.

Ngày đầu mới lên nhận công tác, cô Nga cùng một giáo viên đi trên chiếc xe cà tàng rong ruổi trên con đường xuyên rừng. Khi đó, đường vẫn còn lởm chởm đất đá với hàng chục ổ voi, ổ gà. Lạ lẫm với con đường mới, cô Nga loạng choạng điều khiển xe. Lâu lâu, những viên đá dăm cứ thế va vào thân xe, kêu lách cách.

“Trên đường đi, tôi cùng người đồng nghiệp bất ngờ gặp con kì đà bò qua đường. Chưa từng thấy con kì đà nào to đến vậy nên chúng tôi cứ ngỡ là cá sấu. Hai chị em đành vứt xe máy bỏ chạy ngược về đường cũ. Mãi đến khi con vật đã bỏ đi khá xa, 2 chị em mới hoàn hồn và dựng xe rồi tiếp tục cuộc hành trình. Thời gian sau này 2 chị em vẫn ám ảnh mãi về con cá sấu tưởng tượng ấy. Phải đến khi người dân bản địa cho biết đấy là con kì đà thì nỗi sợ bị cá sấu ăn thịt mới kết thúc”, cô Nga nhớ lại.

Trải qua hơn 5 tiếng đồng hồ vượt rừng, cô Nga cùng đồng nghiệp mới đến được trường với đôi tay mỏi nhừ, cùng chiếc quần lấm đất. Khi đó, học sinh đã tan trường còn những giáo viên khác đang dùng cơm trưa.

Những ngày đầu đến trường, cô Nga luôn cố gắng gần gũi, làm quen với phụ huynh học sinh để nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo làm nương rẫy nên ít quan tâm đến việc học của con mình. Đường sá xa xôi, cách trở nhiều người không muốn con đến trường mà đưa theo làm nương rẫy.

Thế rồi cô Nga cùng giáo viên trong trường tổ chức các cuộc vận động, đưa học trò ra lớp. Để các em đi học đủ đầy, cô thường xuyên mua bánh kẹo, đồ dùng học tập để động viên học sinh đến trường. Lâu dần sĩ số của lớp, trường ngày một đủ đầy hơn.

Thấy học trò tóc tai bù xù, cô Nga lại “hóa thân” thành thợ cắt tóc để giúp các em gọn gàng hơn. Thương học trò thiếu thốn đồ dùng học tập, cô triển khai mô hình “tiệm tạp hóa nhỏ”. Tại đây, các em học sinh sẽ dùng giấy vụn, vỏ chai bỏ đi để đổi lấy khăn quàng, bút, thước… Hưởng ứng mô hình của cô Nga, các em học sinh không còn tự ti, mặc cảm và hào hứng hơn khi đến lớp.

Cô Nga tâm sự: “Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số nên tôi mong muốn học sinh ở vùng biên viễn này cũng có ước mơ, hoài bão. Do đó, tôi cố gắng làm mọi việc trong khả năng của mình để giúp các em được đủ đầy và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, học sinh nơi đây cũng như nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tôi ước rằng, các em nhỏ sẽ được đi học như bạn bè cùng trang lứa. Tôi cũng mong rằng, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân sẽ quan tâm, hỗ trợ cho những em nhỏ khó khăn, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số. Có như vậy mới viết tiếp ước mơ học con chữ cho học sinh nghèo”.

Thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt nhận xét: Cô Nga về trường giảng dạy được khoảng 5 năm nay. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cô Nga luôn nhiệt huyết trong công tác giảng dạy. Không những vậy, cô Nga cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trong trường để hỗ trợ, giúp đỡ cho các em học sinh. Từ đó, tỉ lệ chuyên cần ngày một được nâng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.