Người dân Giang Ma phát triển kinh tế nhờ trồng lê

GD&TĐ - Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, những vườn lê trĩu quả có hương vị thơm, ngọt mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở xã Giang Ma.

Người dân xã Giang Ma thu hoạch lê.
Người dân xã Giang Ma thu hoạch lê.

Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Giang Ma là xã vùng cao nằm giữa trung tâm huyện Tam Đường kết nối với thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu). Toàn xã có trên 90% dân số là đồng bào Mông, còn lại là người Dao và một số dân tộc khác.

Nhiều năm qua, từ diện tích vườn đồi trồng cây kém hiệu quả, người dân tại xã Giang Ma đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả ôn đới, trong đó có cây Lê. Sau chuỗi ngày trồng thử nghiệm, chăm sóc, giờ đây những vườn lê trĩu quả có hương vị ngọt đượm đã thu hút hàng nghìn du khách tới thăm quan, trải nghiệm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân tại địa phương.

Bước vào mùa thu hoạch lê chính vụ năm nay, các vườn lê ở xã Giang Ma đã mở cửa đón du khách. Chỉ trong thời gian khoảng 10 ngày mở cửa, các chủ vườn đã đón gần 3.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm và tự tay hái lê để thưởng thức. Do diện tích lê năm nay được chăm sóc đúng kỹ thuật, quả già, có vị ngọt đượm, nên ngày càng thu hút nhiều du khách.

giang_ma_2.jpg
Cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao là hướng thoát nghèo mới cho người dân ở Giang Ma.

Anh Giàng A Phử, chủ vườn lê ở bản Giang Ma chia sẻ: “Vườn lê của gia đình tôi trồng năm 2016 với 120 gốc. Những năm trước, sản lượng bán ra được khoảng hơn 4 tấn và giá bán trung bình khoảng 20 nghìn đồng/kg. Năm nay lê không chỉ được mùa, giá bán cũng cao hơn, trung bình khoảng 25 nghìn đồng/kg. Hơn nữa, chúng tôi còn được thu phí dịch vụ đón khách nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên”.

Hiện tại, vườn Lê của của anh Phử đã có 70 cây cho thu hoạch. Thu nhập mỗi năm từ vườn lê trên 70 triệu đồng. Anh Phử đã phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng lê Giang Ma trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Anh cũng là người thành lập và là tổ trưởng tổ liên kết tiêu thụ sản phẩm lê Giang Ma.

"Từ khi trồng cây lê đã cho hiệu quả và kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô. Du khách đến thăm quan, trải nghiệm trong vườn để hái quả. Quả lê cũng ngọt và ngon nên mọi người rất yêu thích. Từ nhiều ngày nay có rất đông du khách đến tham gia vườn lê của gia đình. Sau này bản thân tôi và người dân trong bản sẽ đầu tư chăm sóc thêm để cây lê phát triển tốt hơn" - anh Giàng A Phử nói.

Gia đình anh Giàng A Sang, ở bản Bãi Bằng là một trong những hộ đi đầu trong trồng lê ở Giang Ma. Trước đây, anh chỉ quen với việc trồng lúa, trồng ngô, thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2013, huyện Tam Đường triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống lê ở xã Giang Ma. Được cán bộ xã đến tận nhà tuyên truyền, vận động, gia đình anh Sang đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Trên các mảnh đồi bao năm trồng ngô kém hiệu quả của gia đình, anh Sang đã trồng hơn 300 cây lê giống.

"Thời gian đầu, tôi cũng băn khoăn, lo lắng về hiệu quả kinh tế của giống. Trải qua một thời gian trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật mà cán bộ hướng dẫn, tôi nhận thấy cây lê sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nỗi lo lắng trong tôi cũng vơi dần. Khi vườn lê cho quả bói, gia đình tôi càng vững tin hơn với cây trồng mới này" – anh Sang nhớ lại.

Theo anh Sang, trồng lê không đòi hỏi khắt khe về kĩ thuật. Giống lê cũng dễ trồng và chăm sóc. Hàng năm chỉ cần làm cỏ, vun gốc, bón phân từ 2-3 lần là cây lê sinh trưởng, phát triển tốt. Giống lê này cũng ít bị sâu bệnh hại nên không tốn công chăm sóc như trồng chanh leo, dong riềng.

"Hiện tại, nhà tôi đã có hơn 200 gốc lê cho thu hoạch. Giống lê trồng ở vùng này không chỉ sai quả mà còn đảm bảo độ ngon, ngọt. Cứ vào vụ thu hoạch là thương lái đến tận vườn thu mua. Trừ chi phí, mỗi vụ lê, gia đình tôi cũng thu hơn 80 triệu đồng. Nhờ trồng lê mà kinh tế của gia đình tôi khấm khá hẳn lên".

Tích cực quảng bá hình ảnh

Mới đây huyện Tam Đường đã tổ chức Ngày hội hái lê lần thứ I năm 2024. Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Thu hoạch lê, gọt lê nghệ thuật, giới thiệu, trưng bày mâm quả lê... đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh tham dự.

giang_ma_4.jpg
Du khách thích thú tham quan và chụp ảnh tại vườn lê.

Đặc biệt tại lễ hội, tỉnh Lai Châu đã trao bằng chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm quả lê của địa phương. Qua đó, quảng bá, củng cố thêm niềm tin về chất lượng sản phẩm đối với du khách và người tiêu dùng.

Với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ quanh năm, xã Giang Ma được đánh giá là vùng đất tiềm năng để trồng các loại cây ăn quả ôn đới. Khai thác lợi thế sẵn có, nhiều năm nay chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các bản tích cực chuyển đổi diện tích đất vườn, đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay trên địa bàn đang có hơn 120ha cây ăn quả, trong đó có 50ha lê giống tại 7/9 bản đang cho thu hoạch.

giang_ma_3.jpg
Quả lê Giang Ma được cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cấp bằng chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Ma A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma cho biết, xã có hướng sẽ phát triển cây lê gắn với phát triển nông nghiệp đặc trưng và phát triển du lịch cộng đồng. Với cây lê ở địa phương có 2 vụ là mùa hoa, mùa quả đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

“Xã sẽ chỉ đạo nhân dân tạo tán, tía cành, chăm sóc cây thật tốt, làm sao để cây nó đẹp, khỏe, hấp dẫn du khách và có quả to, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định. Hiện tại chúng tôi cũng liên hệ để quảng bá lê Giang Ma để người tiêu dùng biết đến để tìm đầu ra cho sản phẩm” - ông Ma A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma.

Cũng theo ông Tủa, trong thời gian tới, xã Giang Ma sẽ tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích trồng lê trên những khoảng đất trống hoặc khu vực trồng cây lương thực kém hiệu quả.

Ông Đào Trọng Linh, Bí thư Đảng uỷ xã Giang Ma chia sẻ: “Để cây lê và các cây ăn quả ôn đới khác phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đang có kế hoạch mở rộng diện tích gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Đây là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao giá trị và thương hiệu cây trồng trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ