Người đàn bà “vá sách”

GD&TĐ - Căn bệnh u bạch cầu hạt ái toan khiến Ly đau đớn suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, mỗi ngày đến thư viện trường, Ly luôn lạc quan, vui vẻ nhìn học trò lật từng trang sách cũ đã được cô khâu, vá lành lặn.

Cô Lê Thị Quỳnh Ly hướng dẫn các em học sinh “vá” từng cuốn sách bị rách.
Cô Lê Thị Quỳnh Ly hướng dẫn các em học sinh “vá” từng cuốn sách bị rách.

Khâu từng trang sách

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, cô Lê Thị Quỳnh Ly (36 tuổi) về làm nhân viên thư viện của Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh, Gia Lai). Những ngày đầu mới về trường, thư viện còn đơn sơ, thiếu thốn trăm bề.

Khi đó, những cuốn sách, cuốn truyện ở thư viện đa phần đều cũ kĩ, hư hỏng. Nhiều cuốn sách rách tả tơi, học sinh cầm lên đọc từng trang rơi xuống lã chã. Thương học trò đến cuốn sách đọc cũng không được lành lặn nên cô Ly mang theo kim, chỉ khi đến trường để khâu, vá lại từng trang.

“Khi đó, ở thư viện chỉ có vài chục cuốn sách cũ. Các em học sinh phải túm tụm với nhau đọc chung một quyển. Những em không có sách đọc lại nô đùa ngoài sân dưới trời nắng chang chang. Thương trò, tôi đi xin thêm sách từ bạn bè, người thân để cho các em đọc.

Những cuốn sách nào cũ, hư hỏng nhưng vẫn còn đầy đủ nội dung thì tôi khâu lại để các em đọc tạm. Nhờ vậy, tủ sách của thư viện ngày một nhiều lên, các em có thêm sách, truyện đọc, nâng cao kiến thức”, cô Ly chia sẻ.

Nhìn từng nhóm học trò đang hăng say đọc sách, cô Ly nở nụ cười trìu mến. Cô tâm sự, trước đây, các em khó khăn trong việc đọc sách, nhưng giờ đây tủ sách đã đủ đầy hơn. Những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn được các em tìm đọc rất nhiều. Do đó, cô đặc biệt tìm kiếm những sách truyện cổ tích để mang về cho các em học sinh.

“Được thấy các em hăng say đọc và yêu quý từng trang sách tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Do đó, mỗi khi đi đâu thấy sách hay, ý nghĩa tôi đều mang về cho các em. Hiện, tủ sách đã được đầu tư, khang trang hơn. Nhưng khi thấy những cuốn sách cũ tôi vẫn xin để khâu, vá lại cho học trò đọc.

Tôi không quan trọng sách cũ hay mới, bởi mỗi cuốn sách đều có nội dung và ý nghĩa khác nhau. Do đó, tôi đều quý sách như nhau. Mỗi cuốn sách là kho báu kiến thức rất cần cho tất cả mọi người”, cô Ly nói.

Mặc dù, không trực tiếp giảng dạy cho học sinh, nhưng cô Ly thường xuyên tâm sự, chia sẻ với các em. Bên cạnh việc lấp đầy tủ sách cho các em, cô Ly còn đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường cải tạo lại thư viện, xây dựng môi trường đọc cho học sinh.

Chống chọi bệnh tật

Mỗi ngày đến trường, cô Ly luôn nở nụ cười trìu mến, gần gũi với các em học sinh. Tuy nhiên, sau nụ cười đó là những cơn đau dai dẳng mà cô Ly phải chịu đựng suốt 8 năm qua.

Cô Ly chia sẻ, đầu năm 2013 cô hạ sinh con trai đầu lòng. Khi con trai cô tròn 8 tháng, cơ thể cô bắt đầu có nhiều biểu hiện lạ. Ngay sau đó cô tìm đến các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để thăm khám nhưng không ra bệnh. Cứ thế xương hàm, rồi cột sống và cả phần đầu của cô bị ăn mòn dần. Sau 3 năm chịu đựng cơn đau hành hạ, năm 2016 các bác sĩ chuẩn đoán cô bị u bạch cầu hạt ái toan – một căn bệnh hiếm gặp.

Gia đình không thuộc diện khá giả, để có tiền chữa trị cô chạy vạy khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau đó, có một lời đề nghị cô trở thành bệnh nhân thí điểm cho loại thuốc mới. Khi đó, trong cô loé lên một tia hy vọng căn bệnh quái ác sẽ được chữa khỏi. Tuy nhiên, qua nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ cô quyết định không thử nghiệm loại thuốc mới vì kinh tế gia đình eo hẹp.

“Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ trở về làm thủ thư, được sống vui vẻ, hạnh phúc với gia đình nhỏ và học sinh của mình. Nhìn thấy con khoẻ mạnh, các em học giỏi là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi lúc này”, cô Ly chia sẻ.

Trải qua các cơn đau suốt thời gian dài, chưa bao giờ cô than phiền với bất kì ai. Cô Ly luôn cố gắng sống vui vẻ, nghị lực để không ai phải buồn lòng. Đồng thời, cô luôn mạnh mẽ, nở nụ cười tươi tắn, rạng ngời để khích lệ tinh thần của các em học sinh.

“Tôi đã mang căn bệnh quái ác suốt 8 năm nay, không biết được tương lai của mình sẽ đi về đâu. Tuy nhiên với tôi, mỗi ngày được sống là một ngày ý nghĩa. Do đó, tôi luôn trân trọng và cảm thấy yêu đời.

Mỗi khi căn bệnh hành hạ, tôi lại nghĩ đến ánh mắt trong veo của học trò, mọi đau đớn dường như tan biến hết. Đến trường tôi được đọc sách, trò chuyện cùng các em khiến tôi thấy thêm yêu cuộc đời”, cô Ly tâm sự.

Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Nhin cho biết, từ những ngày đầu mới về trường cô Ly luôn tâm huyết và hết lòng vì học trò. Ban đầu, thư viện còn nhiều thiếu thốn, cô Ly đã đề xuất để cải tạo thư viện đủ đầy hơn. Từng cái kệ, cuốn sách trong thư viện đều được cô Ly sắp xếp, “chăm bẵm” hàng ngày.

Theo cô Thu, mặc dù mang trong mình căn bệnh quái ác, nhưng cô Ly luôn lạc quan, yêu đời. Đặc biệt, cô luôn quan tâm, chia sẻ với học trò khiến các giáo viên rất khâm phục nghị lực phi thường ấy. Nhà trường luôn mong cô có thật nhiều sức khoẻ để gắn bó với học sinh và những trang sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.