Học trò nghèo vẫn được đọc nhiều sách
“Văn hóa đọc có thể bắt nguồn từ mầm non xuyên suốt đến tiểu học, THCS, THPT. Hiện nay, có rất nhiều thư viện ở các nhà trường, tuy nhiên do lịch học dày đặc, số lượng học sinh đến đọc sách không được nhiều” - NGƯT Lê Quốc Tiến nói về lý do tại sao mỗi lớp học cần có thư viện riêng.
NGƯT Lê Quốc Tiến chia sẻ với Báo GD&ĐT rằng ông có được ngày hôm nay là nhờ ham mê đọc sách và ảnh hưởng thói quen tuyệt vời này từ thời gian học tập ở Nhật Bản. “Sách được đọc trên tàu điện, trên xe buýt, lúc xếp hàng chờ đợi... Đây là hình ảnh thường ngày tôi bắt gặp khi tôi học tại Nhật Bản. Dường như đây là một lời giải đáp cho thắc mắc của tôi với một đất nước không được ưu đãi về thiên nhiên, ít tài nguyên, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai động đất, sóng thần và kinh tế thì đã kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ 2 mà đã vươn lên là quốc gia phát triển hàng đầu Châu Á và trên thế giới. Phải chăng thói quen đọc sách thường xuyên, làm chủ tri thức của nhân loại đã là một trong những lý do giúp Nhật Bản trở mình, trỗi dậy ngoạn mục như vậy”- NGƯT Lê Quốc Tiến chiêm nghiệm.
Nghiên cứu kinh nhiệm của Nhật Bản, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã phát động thư viện 50 nghìn đồng (Thư viện 50k). Chương trình này được triển khai ở tất cả các lớp học để tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi HS đều được đọc sách hằng ngày.
“Đôi khi HS lang thang nhiều trên mạng Internet có thể bị “lạc”. Rác thải hằng ngày trong đời sống phá hoại môi trường, còn rác thải trên mạng Internet có thể phá hủy tâm trí của thế hệ trẻ. Chúng tôi rất tâm huyết đưa văn hóa đọc tới từng HS cũng với mong muốn kéo HS khỏi tiếp xúc với rác trên mạng”- NGƯT Lê Quốc Tiến.
Tủ sách có thể phù hợp với lứa tuổi, sở thích của HS để tạo sự ham mê, cảm xúc. Từ ý tưởng đó, ngành GD Hải Phòng phát động phong trào ngày đầu tiên khi đưa con đến trường mỗi phụ huynh có thể mang một cuốn sách để tạo ra thư viện cho lớp học. Một lớp học có 40 - 45 HS thì mỗi bạn sẽ được đọc 40 - 45 quyển sách. Đội ngũ GV chủ nhiệm được khích lệ hỗ trợ rà soát sách đúng lứa tuổi, phù hợp với mong muốn của học trò, đặc biệt tránh các tác phẩm xấu, giúp thu hút HS thích đọc sách.
Năm học này, ngành GD Hải Phòng phấn đấu cho chủ đề sách tiếng Việt. Năm sau, dự kiến sẽ phấn đấu với chủ đề sách song ngữ, rồi sách nguyên bản… Kế hoạch thư viện 50k của Hải Phòng thực hiện hết sức bài bản và đáng chú ý là ngay từ khi triển khai dự án này các nhà sách đã tham gia giảm giá sách cho nhà trường (có khi đến 30 - 50% giá bìa).
Theo NGƯT Lê Quốc Tiến, HS thích đọc sách và có nhiều sách phù hợp để đọc có thể góp phần giảm bớt vấn nạn dành quá nhiều thời gian trên Facebook, sử dụng điện thoại triền miên, nghiện chơi game…
Sách không “đứng yên”…
Không chỉ khép kín trong mỗi lớp học, sau khi đọc hết sách ở thư viện của lớp, học sinh sẽ tiến hành trao đổi tủ sách giữa các lớp. “Nhờ đó các HS đều có cơ hội đọc được hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách… Sách còn được trao đổi giữa các trường trong thành phố. Có như thế những HS hoàn cảnh khó khăn nhất, nghèo không có tiền mua sách vẫn có nhiều sách để đọc”- NGƯT Lê Quốc Tiến chia sẻ cách làm.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã kết nghĩa thực hiện dự án “Bước chân của sách” với Sở GD&DT Yên Bái. Sách do đó không “đứng yên” trong một lớp học, không chỉ được trao đổi giữa các lớp, các trường, mà còn được di chuyển đến Yên Bái - những khu vực khó khăn nhất.
"Sách là bầu trời tri thức đa sắc màu với vô vàn cuốn sách hay như phát triển kỹ năng, phát triển bản thân, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… có bao điều cần khám phá để chia sẻ đến các em HS”. - NGƯT Lê Quốc Tiến.
Để tinh thần và đam mê đọc sách được lan toả trong HS, Sở GD&ĐT Hải Phòng còn phát động những phong trào rất cụ thể, như cuộc thi tóm tắt các cuốn sách đã được đọc. Cuộc thi này vừa qua đã có trên 500 bài dự thi. Khi nhận được sách của HS ở Hải Phòng, HS Yên Bái lại có cuộc thi viết thư cảm ơn vì hành động đẹp của HS Hải Phòng tạo một động lực đọc sách.
“Qua việc kết nghĩa với Yên Bái, chúng tôi cũng muốn HS Hải Phòng biết về những khó khăn của các bạn ở Yên Bái và biết thêm về những cảnh đẹp của đất nước. Sắp tới đây ngoài Yên Bái, chúng tôi sẽ lan tỏa những cuốn sách HS và phụ huynh Hải Phòng góp cho thư viện lớp học ra những địa phương khác”- NGƯT Lê Quốc Tiến bày tỏ về tâm huyết thư viện sách ý nghĩa với HS không chỉ ở Hải Phòng.
Với suy nghĩa “sách là dòng sông tri thức”, GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết sau khi HS đọc sách in tốt rồi sẽ hướng dẫn đọc sách nhanh, tiếp đến là đọc sách điện tử. Như thế, việc khích lệ thói quen đọc sách sẽ diễn ra hết sức bài bản.
Để nâng cao hiệu quả thư viện 50k, ngành GD Hải Phòng tiến hành ở 14 quận huyện lựa chọn những GV tâm huyết. Mỗi huyện chọn 2 GV mầm non, 2 GV tiểu học, THCS và THPT mỗi trường chọn 1 người. Mỗi một quận huyện có 10 GV và tổng cộng cả thành phố có 200 người. 200 GV này được hỗ trợ, đào tạo, tập huấn để trở thành cộng đồng thực hiện chương trình sách cho HS. Tiếp đến, mục tiêu của chương trình là nhân lên hàng nghìn, hàng vạn cộng tác viên hỗ trợ thư viện sách cho HS.