“Khoác áo mới” cho thư viện trường học

GD&TĐ - Với mong muốn tạo thói quen đọc sách cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ, nhiều trường tiểu học tại TPHCM đã đổi mới hoạt động thư viện, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất.

 Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) đọc sách trong thư viện. Ảnh: Tuấn Anh
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) đọc sách trong thư viện. Ảnh: Tuấn Anh

Hướng đến thư viện thông minh

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) vừa khánh thành thư viện Intranet và tổ chức tuần lễ đọc sách cho học sinh. Thư viện gồm 1.000 đầu sách đa dạng ở khắp các thể loại, thiết kế theo không gian mở, sinh động. Đặc biệt, thư viện được trang bị 89 máy tính bảng, bảng thông minh để học sinh có trải nghiệm “đọc sách thông minh”.

Tại thư viện, học sinh không chỉ được tìm hiểu các đầu sách phù hợp với lứa tuổi, mà còn được trải nghiệm các trò chơi, khám phá kiến thức khoa học… Thư viện được thiết kế mở, không gian đọc sách thoáng mát, được trang trí đẹp, nhiều màu sắc. Học sinh có thể tranh thủ đọc sách trước giờ học, giờ ra chơi hoặc lúc chờ ba mẹ đón; có thể lựa chọn chỗ ngồi, thậm chí ngả lưng vào ghế lười để đọc sách một cách thoải mái nhất. 

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường mong muốn nâng cao văn hoá đọc trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. Đặc biệt khi các thiết bị công nghệ phát triển, nhiều người lựa chọn việc đọc sách online, nhà trường cũng muốn định hướng, giới thiệu cho học sinh lựa chọn sách phù hợp, có kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh một cách hiệu quả, phục vụ cho việc đọc, học tập. Từ thư viện thông minh, nhà trường khuyến khích giáo viên có thể lên tiết dạy học theo chủ đề, chủ điểm, phù hợp hoặc tổ chức một tiết đọc sách ngay trong chính thư viện. 

Theo đó, bên cạnh đầu sách phong phú, dữ liệu trên các thiết bị thông minh sẽ được giáo viên lựa chọn cập nhật 2 tuần/lần. Đó là kiến thức được tích hợp theo từng chuyên mục như Lịch sử, Địa lý, Văn học, Kỹ năng sống, Khoa học - Tự nhiên… được giáo viên tìm hiểu, lựa chọn kĩ càng từ nhiều nguồn uy tín. Ngoài ra, dữ liệu cũng được đăng tải trên trang web của nhà trường để phụ huynh học sinh có thể tham khảo, khi có thời gian cùng xem, đọc và cùng học với con em ở nhà. 

Ngoài Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước đó nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn TP cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới hoạt động của thư viện để xây dựng văn hoá đọc cho học sinh. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 4), Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Quận 11)… 

Học sinh Trường TH Vĩnh Hội (Quận 4) trải nghiệm với thư viện Intranet. Ảnh: Tuấn Anh
Học sinh Trường TH Vĩnh Hội (Quận 4) trải nghiệm với thư viện Intranet. Ảnh: Tuấn Anh

Duy trì tiết đọc sách

Đầu năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Vĩnh Hội, Quận 4 cũng khánh thành thư viện với hơn 800 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với thiết kế ưu tiên ánh sáng tự nhiên, thân thiện, các kệ sách đan xen phù hợp với trẻ nhỏ, màu sắc chủ đạo là xanh lá, bố trí nhiều loại ghế khác nhau, thư viện còn được tận dụng không gian bên ngoài để phục vụ tối đa cho học sinh.

Cô Hà Thị Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hội cho biết: Để xây dựng và khánh thành thư viện xanh, với không gian đọc mở, thân thiện, đầu sách phong phú, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, tổ chức Tầm nhìn thế giới và sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo. 

Khi đưa vào sử dụng, trường tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động ý nghĩa: Đọc sách cùng con, kể chuyện cho trẻ (với học sinh lớp 1); đổi cây xanh lấy sách hoặc đổi sách lấy cây xanh; thiết kế bìa sách mà em yêu thích. Trường cũng có kế hoạch giới thiệu các sách hay cho học sinh, hoạt động nhật kí đọc sách, cảm nhận về sách và vận động các mạnh thường quân để có thêm nhiều đầu sách hay. 

Đặc biệt, nhiều năm qua, nhà trường bố trí tiết đọc sách vào thời khoá biểu cho học sinh để tạo thói quen đọc sách. Các em có thể đọc những cuốn sách hay được giáo viên lựa chọn hoặc chọn cuốn sách mình yêu thích trong thư viện để có những cảm nhận, chia sẻ về cuốn sách ấy. 

Hào hứng với thư viện mới, em Nguyễn Trần Cát Tường, lớp 2/1, Trường Tiểu học Vĩnh Hội chia sẻ: Con rất thích lên thư viện đọc sách, vì có nhiều sách, mát mẻ,  được đọc sách cùng các bạn. Con thích đọc truyện 30 ngày cùng con thám hiểm, Tấm Cám. 

Song song với việc đầu tư, đổi mới hoạt động thư viện, những năm qua, nhằm lan toả văn hoá đọc, lan toả tình yêu sách, giúp học sinh có kỹ năng đọc… Sở GD&ĐT TPHCM cũng tổ chức thường niên cuộc thi Lớn lên cùng sách. Cuộc thi được phát động từ cấp trường đến cấp quận và TP với nhiều hoạt động ý nghĩa như Ai đọc sách nhanh hơn, Ai đọc sách nhiều hơn; Thiết kế cuốn sách mini; Trải nghiệm ở đường sách…Theo ban tổ chức cuộc thi, qua đọc sách, học sinh có sự thay đổi tốt đẹp về tâm hồn, kiến thức, tư duy, kỹ năng sống; nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo và biết vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đã đọc. Dự kiến, cuộc thi Lớn lên cùng sách cấp TP năm học 2020 - 2021 được tổ chức vào tháng 1/2021. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ