Những vấn đề liên quan tới người chuyển giới đã được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo “Chuyển giới: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (Isee) tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
“Lọt” người chuyển giới
Ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của Isee, cho biết người chuyển giới hầu như không nhận được sự thừa nhận và bảo vệ nào của pháp luật.
Các quy định hiện hành không cho phép thay đổi giới tính nên rất đông công dân không thể làm lại giấy chứng minh nhân dân (CMND), hộ chiếu cũng như các đăng ký nhân thân khác như giấy khai sinh, hộ tịch...
Theo ông Huy, dự án Luật Căn cước công dân đang được Bộ Công an xây dựng lấy ý kiến, quy định mỗi người được cấp một mã số công dân gồm 12 số. Tuy nhiên, trong 12 số đó chỉ có 2 số thể hiện giới tính nam, nữ mà không thể hiện người chuyển giới, đồng tính.
Ông Huy đề nghị cần phải xem xét lại bởi nếu sau này, pháp luật công nhận quyền của nhóm người này thì sẽ xử lý ra sao để bảo đảm quyền bình đẳng và bí mật đời tư giữa các công dân.
Hơn nữa, số lượng người chuyển giới hiện nay khá đông mà pháp luật lại không công nhận thì trường hợp người chuyển giới từ nam sang nữ bị hiếp dâm sẽ xử lý như thế nào?
Viện trưởng Isee Lê Quang Bình khẳng định: “Người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật, do không có CMND, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế. Họ thiếu sự bảo vệ của pháp luật, trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.
Ông Bình cho rằng đã đến lúc xã hội và nhà nước phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế.
Tên nam nhưng ảnh nữ
Đề cập vấn đề này, đại tá Vũ Xuân Dung - Cục trưởng Cục Quản lý cư trú và Dữ liệu dân cư quốc gia, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) - thừa nhận: Trong dãy 12 số định danh cá nhân (12 số trên CMND mới) chỉ có 2 số thể hiện giới tính nam, nữ theo suốt cuộc đời của công dân và không bị trùng số trong hàng trăm năm.
Nếu pháp luật cho phép và công nhận quyền của người chuyển giới, đồng tính… thì cơ quan công an sẽ được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu. Ngay tại thời điểm cấp đổi CMND mới, cấp mã số định danh cá nhân thì cơ quan công an chỉ ghi nhận giới tính là nam hoặc nữ.
Trường hợp một người chuyển giới được cơ quan tư pháp chấp nhận thay đổi thông tin trên hộ tịch, giấy khai sinh thì cơ quan công an sẽ cấp đổi mới các thông tin trên CMND và thay đổi thông tin về giới tính.
Tuy nhiên, trong trường hợp người chuyển giới đổi CMND cũ 9 số sang CMND mới 12 số, ông Dung cho rằng: “Muốn được thay đổi họ tên, giới tính trong CMND thì phải kèm theo đó quyết định đính chính, thay đổi họ tên, chữ đệm, hộ khẩu của cơ quan tư pháp cấp. Tất cả thông tin của công dân đều phải lấy thông tin từ giấy tờ của hộ tịch làm gốc chứ chúng tôi không làm khác được”.
Theo ông Dung, mỗi công dân, kể cả người đồng tính chuyển giới sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân. Chính vì thế những người đã chuyển giới mà sắp tới tiến hành cấp đổi CMND cũ (9 số) sang CMND mới (12 số) sẽ được giữ nguyên lại thông tin theo giấy tờ gốc (giấy khai sinh, hộ khẩu).
Riêng phần hình ảnh được cập nhật mới, chụp lại nên có thể sẽ xảy ra câu chuyện ảnh thì là nữ nhưng thông tin giới tính, họ tên lại là nam giới và ngược lại.
Hành nghề hát đám ma, bán dâm
TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết người chuyển giới đang bị phân biệt đối xử, kỳ thị nặng nề. Đến nay chưa có nghiên cứu nào về số lượng người chuyển giới ở Việt Nam nhưng khảo sát của Isee qua các câu lạc bộ hoặc website về giới tính cho thấy có khoảng trên 110.000 người.
“Do bị phân biệt đối xử nên người chuyển giới gặp vô vàn khó khăn trong tìm kiếm công ăn việc làm. Rất đông trong số họ đang phải hành nghề múa hát tại các đám ma, hội chợ hoặc bán dâm… để kiếm sống qua ngày” - bà Phương nhận định.