Người ấy “cũng bỏ ta đi”

GD&TĐ - Vẫn biết sinh li tử biệt, vẫn biết ngày đó sẽ đến. Ta vẫn bàng hoàng, xót đau bởi dòng tin bất chợt sáng nay.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Cơn “gió mùa đông bắc se lòng” đã mang Phú Quang đi thật xa, song tôi tin những tình khúc vang lên từ giai điệu trái tim của ông sẽ soi bóng thời gian.

Ngẫm cũng lạ, trong lao động nghệ thuật, nhiều khi lương duyên với những miền quê đất nước của người nghệ sĩ sẽ chắp mối tơ duyên, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Đắm say cao nguyên lộng gió, nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên lời ca bốc lửa vang vọng núi rừng Tây Nguyên.

Nặng lòng với Huế, nhạc sĩ An Thuyên đưa ta về “Huế thương” ngọt ngào, sâu lắng… Với Phú Quang, trái tim ông dành trọn cho Hà Nội dấu yêu. Những bản tình ca về Hà Nội trở thành di sản tinh thần vô giá ông dành tặng mai sau.

Bảy mươi hai năm cuộc đời, những bản tình ca say đắm lòng người, âm nhạc Phú Quang sẽ bất tử cùng thời gian, lay động muôn triệu trái tim. Có những tình khúc để nhớ, để thương trong trái tim yêu: “Điều giản dị”, “Biển nỗi nhớ và em”, “Thương lắm tóc dài ơi”… Song da diết nhất vẫn là giai điệu riêng về Hà Nội yêu thương.

Đâu biết Phú Quang ghi ơn Hà Nội hay Hà Nội mang ơn người nhạc sĩ tài hoa? Song có một điều dường như chắc chắn, nhờ nhạc của Phú Quang mà người ta yêu hơn Hà Nội; thương hơn “chút lá thu vàng” rơi khoảnh khắc giao mùa; xao xuyến hơn khi “nghe chuông chiều xa vắng”, ăm ắp nhớ thương cùng “Nỗi nhớ mùa đông”…

“Càng xa em ta càng thấy yêu em”, với tôi Hà Nội rất xa bởi chưa một lần gắn bó, đôi lần hò hẹn vẫn nhớ nhớ, thương thương. Chiều một mình, thả hồn trong lời ca sâu lắng, có một Hà Nội cổ kính, rêu phong bất chợt hiện ra: “Ta còn em hàng phố cũ rêu phong. Và từng mái ngói son yêu. Nao nao kỷ niệm.

Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng. Chợt hoàng hôn về tự bao giờ…” (Em ơi Hà Nội phố). Cả không gian xưa Hà Nội hiện về, giữa cái náo nhiệt hôm nay, càng yêu thêm lời ca dịu ngọt về một thuở yên bình, Hà Nội lãng đãng và tiêu sơ, không ồn ào, rực rỡ. Hà Nội đẹp mà buồn vắng nao lòng, tiếng dương cầm vang vọng mãi hồn ta.

Hà Nội đâu chỉ đẹp, đâu chỉ chạm khắc nhớ thương. Hà Nội còn như người mẹ bao dung ôm ấp chở che sau những dãi dầu mưa nắng. “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ. Tôi vội vã trở về. Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố. Dù chỉ là một chiều hương giăng lối cũ…” (Hà Nội ngày trở về).

Gần cũng nhớ, xa càng thương, đi đâu vẫn ao ước trở về. Với nhạc sĩ Phú Quang, Hà Nội luôn trọn vẹn một tình yêu. Tình yêu vang lên thành lời hát, để rồi thêm mến yêu đất mẹ quê cha.

Chiều đông, cơn gió lạnh se sắt cõi lòng, ở nơi xa ấy, nhạc sĩ trong muôn triệu tấm lòng sẽ an giấc ngàn thu. Nhân gian sẽ luôn nhớ về ông với những bản tình ca ngọt ngào say đắm, những tình khúc lắng sâu về Hà Nội lịch lãm, thanh cao.

“Nghệ thuật thì dài, cuộc đời lại ngắn”, chắc chắn tên tuổi nhạc sĩ tài ba của dòng nhạc “trữ tình” sẽ vang bóng thời gian, để thương, để nhớ trong trái tim người yêu nhạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.