Ngừng nhập khẩu điện thoại “cục gạch”, sẵn sàng tắt sóng 2G

Cùng với lệnh ngừng nhập khẩu điện thoại 2G, 3G, việc phổ cập smartphone giá rẻ đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà mạng, nhà sản xuất trong nước.

Ngừng nhập khẩu điện thoại “cục gạch”, sẵn sàng tắt sóng 2G

Từ ngày 1/7/2021, các sản phẩm thiết bị điện thoại di động nếu đơn thuần chỉ có tính năng 2G, 3G, hoặc kết hợp cả 2G và 3G thì đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Đó là nội dung của Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến, của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đây là động thái để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, dự kiến vào quý I/2022, cũng như chủ trương phổ cập smartphone trên toàn quốc.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có 87 triệu thuê bao sử dụng smartphone trên tổng số 65 - 70 triệu dân số có thể sử dụng điện thoại. Trong đó, số máy điện thoại chỉ dùng được 2G đã giảm từ hơn 30 triệu máy năm 2019, xuống còn khoảng 24 triệu máy, khoảng 12,4 triệu người dùng duy nhất 1 điện thoại “cục gạch” và số khác sử dụng kèm smartphone.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chỉ từ cuối năm 2019 đến cuối quý III/2020, số lượng điện thoại "cục gạch" đã giảm khoảng 6-7 triệu máy và đây là việc giảm tự nhiên chứ chưa hề có hỗ trợ hay giải pháp gì để thúc đẩy người dùng chuyển sang smartphone.

“Từ năm ngoái đến nay, khi cơ quan quản lý chưa có tác động nào, lượng thuê bao di động 2G đã giảm khoảng 6 triệu. Như vậy, đến thời điểm dự kiến dừng công nghệ cũ 2G vào quý I/2022, cùng các giải pháp, chính sách thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng smartphone hiện nay, số lượng máy điện thoại feature phone giảm xuống dưới 5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể còn nhanh hơn”, ông Cường nhận định.

Bộ Thông tin và  Truyền thông cũng đưa ra một loạt giải pháp để các nhà mạng sớm tắt sóng 2G. Trong đó, với nhà mạng, Cục Tần số đã thông báo không cấp lại tần số cho 2G khi giấy phép hết hạn vào năm 2024. Cục Viễn thông theo lộ trình cũng sẽ ban hành thông tư giảm giá kết nối thoại, nhằm tạo sức ép cho nhà mạng không phụ thuộc nguồn thu từ kết nối thoại, phải chuyển sang thu từ dữ liệu (data).

Theo ông Cường, hiện có 630.000 người trên 70 tuổi chỉ sử dụng điện thoại 2G. Trước đây, có ý kiến cho rằng, người già không thể sử dụng smartphone nên vẫn phải sử dụng điện thoại "cục gạch", nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được điện thoại "cục gạch" 4G giá rẻ. Theo tính toán, cùng với sự hỗ trợ của các nhà mạng, điện thoại này có thể được sản xuất và bán với giá khoảng 600.000 đồng/chiếc.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành kế hoạch tắt sóng mạng 2G để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai, dịch vụ thay thế đảm bảo hiệu quả, phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh cho từng năm.

“Đề nghị Bộ xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong quá trình tiếp cận thuê bao smartphone (chuyển đổi công nghệ từ 2G lên 4G) như chính sách phổ cập điện thoại cố định hay Internet trước đây từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam”, đại diện VNPT đề xuất.

Được biết, trong mục tiêu xây dựng chương trình viễn thông công ích năm 2021 - 2025, Cục Viễn thông đã đề xuất bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cho những người yếu thế ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện VNPT sắp thử nghiệm cung cấp smartphone 4G thương hiệu VNPT Technology cho khách hàng đang sử dụng máy 2G tại 5 tỉnh, thành phố. Các thiết bị đầu cuối do VNPT cung cấp có giá bán từ 500.000 - 600.000 đồng, kèm theo các gói cước từ nhà mạng VinaPhone hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi từ điện thoại 2G sang dùng smartphone 4G.

Theo ông Trần Hữu Quyền, Tổng giám đốc VNPT Technology, trong danh mục sản phẩm điện thoại của VNPT Technology đã có mẫu điện thoại giá khoảng 1 triệu đồng. VNPT Technology có 2 nhà máy sản xuất smartphone, có khả năng sản xuất 2-3 triệu smartphone/năm, nên đơn vị này chỉ cần có đơn đặt hàng từ nhà mạng là doanh nghiệp có thể sản xuất được luôn.

Còn ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc VNPT-VinaPhone cho hay, khi tham gia, nhà mạng sẽ phải hy sinh một chút lợi ích kinh tế ban đầu. Cụ thể, đối với VinaPhone có 2-3 triệu thuê bao 2G cần chuyển đổi, tức cần trợ giá 2-3 triệu máy, tương đương 20-30 triệu USD.

"Nhà mạng có thể coi đây là khoản đầu tư ban đầu và sẽ thu lợi về sau, bởi càng nhiều người dùng smartphone thì nhu cầu dùng Internet càng lớn", ông Giang nói.

Với Viettel Telecom, đơn vị này đã phối hợp cùng VinSmart thử nghiệm, cung cấp smartphone giá rẻ. Chỉ sau 2 tháng triển khai, đã có hơn 25.000 người được hưởng ưu đãi của chương trình trên tổng số 50.000 chiếc bán thử nghiệm.

Theo baodautu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ