Xóa sóng 2G, phổ cập điện thoại thông minh

GD&TĐ - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, các doanh nghiệp đang thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G, dự kiến cấp phép năm 2021. Đây là cơ sở phổ cập điện thoại thông minh, tiến tới “xóa mạng” 2G.

Việc thử nghiệm thương mại thành công mạng và dịch vụ 5G sẽ tạo động lực tiến tới “xóa mạng” 2G.
Việc thử nghiệm thương mại thành công mạng và dịch vụ 5G sẽ tạo động lực tiến tới “xóa mạng” 2G.

Cấp phép 5G vào 2021?

Trong tháng 10, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông di động 5G cho 2 doanh nghiệp là Viettel, Mobifone. Bộ TT&TT cũng đang xem xét hồ sơ của các doanh nghiệp di động khác (dự kiến các doanh nghiệp sẽ chính thức triển khai thử nghiệm từ tháng 11/2020).

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), việc thử nghiệm thương mại thành công mạng và dịch vụ 5G, tiến tới cấp phép sẽ tạo động lực để đẩy nhanh hơn nữa việc phổ cập điện thoại thông minh.

Trước đó, Bộ TT&TT đã chủ trì, thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông di động bằng việc phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt Nam triển khai các hoạt động hợp tác thực hiện thử nghiệm các chương trình chuyển đổi.

Trong đó, có chuyển sang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh 4G cho các thuê bao đang sử dụng thiết bị đầu cuối 2G thông qua việc hỗ trợ giá thiết bị, các gói cước hỗ trợ và các chương trình truyền thông của các doanh nghiệp di động. 

Cụ thể, Tập đoàn Viettel đã phối hợp với Vinsmart đã triển khai đợt thử nghiệm đầu tiên chương trình chuyển đổi sang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh 4G của Vinsmart tại 9 tỉnh thành (Đồng Tháp, Đăk Lắk, Hà Nội,  Định, Quảng Ninh, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa).

Tập đoàn VNPT đã triển khai thử nghiệm cung cấp thiết bị điện thoại thông minh 4G thương hiệu VNPT Technology cho khách hàng đang sử dụng máy điện thoại 2G tại 5 tỉnh, thành phố (Bình Phước, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa). 

Các thiết bị đầu cuối thông minh cung cấp cho khách hàng trong chương trình của Viettel và VNPT có giá bán từ 500.000 đồng - 600.000 đồng kèm theo các gói cước hỗ trợ chuyển đổi.

Cục Viễn thông cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối di động như BKAV đã bước đầu nghiên cứu, sản xuất và phối hợp với các nhà mạng cung cấp ra thị trường máy điện thoại feature phone công nghệ 4G giá rẻ.

Để thực hiện hóa việc này, các doanh nghiệp xác định các tính năng ưu điểm của máy feature phone: Nhỏ gọn, thời lượng pin lâu, dễ sử dụng nhưng vẫn có khả năng kết nối Internet qua mạng 4G…

“Các doanh nghiệp viễn thông đang tiếp tục phối hợp với các nhà sản xuất thiết bị mở rộng quy mô triển khai các chương trình chuyển đổi thiết bị điện thoại thông minh 4G cho các thuê bao đang sử dụng thiết bị đầu cuối 2G. Việc chuyển đổi được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với quy mô, số lượng lớn hơn…”, đại diện Cục Viễn thông thông tin.

Cũng theo Cục Viễn thông, đơn vị cũng xây dựng, ban hành quy chuẩn yêu cầu các thiết bị đầu cuối di động được sản xuất, lưu thông trên thị trường Việt Nam phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G.

Thúc đẩy tiêu dùng dữ liệu 

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất.

Phần truy nhập vô tuyến dự kiến được ban hành trong tháng 12 và có hiệu lực tháng 7/2021. Mục tiêu là các thiết bị đầu cuối di động được sản xuất, lưu thông trên thị trường Việt  phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G. 

Bộ TT&TT yêu cầu các thiết bị đầu cuối di động được sản xuất, lưu thông trên thị trường Việt phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G. Từ đó, sẽ thúc đẩy chuyển đổi thiết bị đầu cuối lên công nghệ mới. Hạn chế dần các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ công nghệ cũ hoạt động trên mạng di động.

Cục Viễn thông cũng cho hay, Bộ TT&TT đang yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và đầu tư hệ thống VoLTE (Voice over LTE) tích hợp vào mạng lõi của 4G. Qua đó, cung cấp dịch vụ thoại trên mạng 4G với chất lượng cao thời gian kết nối ngắn, tiết kiệm pin để thay thế cho dịch vụ thoại truyền thống.

Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ đầu tư, nâng cấp dung lượng mạng lõi, mở rộng vùng phủ sóng cung cấp VoLTE. Khuyến khích nhà sản xuất tích hợp, kích hoạt sẵn tính năng VoLTE trên máy đầu cuối mới ra thị trường.

Trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 05 điều chỉnh giảm hơn 25% giá cước kết nối thoại giữa di động - di động. Đồng thời, kết nối từ mạng di động vào mạng cố định nhằm thúc đẩy doanh nghiệp viễn thông di động tập trung các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng data thay cho dịch vụ thoại truyền thống. 

2G chỉ chiếm gần 10% tổng số thuê bao

Theo Cục Viễn thông, hiện số lượng thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên toàn mạng là khoảng 88 triệu, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân tăng đạt 72,24% tăng 17.96% so với cùng kỳ năm 2019.

“Số lượng thuê bao sử dụng thiết bị hỗ trợ 4G tăng lên mức hơn 83 triệu trong khi số lượng thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ công nghệ 2G hiện còn 24,67 triệu thuê bao (giảm hơn 6 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm 2019). 

Như vậy với xu hướng phát triển tự nhiên của thị trường (dù quy chuẩn yêu cầu thiết bị phải hỗ trợ công nghệ mới 4G, 5G chưa được ban hành), số thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ công nghệ 2G trên mạng cũng đã giảm đáng kể (6 triệu thuê bao/năm)…”, Cục Viễn thông cho biết. 

Về số lượng thuê bao di động sử dụng 2G theo Cục Viễn thông, trong số 24,67 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G có nhiều máy điện thoại 2 SIM hoặc máy thứ 2 của thuê bao… 

“Qua tính toán sơ bộ ước tính chỉ còn khoảng 12,4 triệu thuê bao có duy nhất máy feature phone 2G (chiếm gần 10% tổng số thuê bao điện thoại di động). Đây sẽ là những đối tượng trọng tâm của chương trình hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng smartphone trong thời gian tới...”, Cục Viễn thông cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ