Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, Trường phổ thông 2-3 Hà Nội (tiền thân của trường THPT Việt Đức) đã khai giảng khóa đầu tiên với khoảng 900 học sinh là con em của cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Các nhân chứng lịch sử kể lại, khu nhà số 47 phố Lý Thường Kiệt trước kia là trường Dòng Puginier, đào tạo các tu sĩ cho chính quyền thực dân.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Chính quyền cách mạng đã tiếp quản Trường dòng Puginier, nhận nhiệm vụ tập hợp con em các chiến sĩ, cán bộ vào giải phóng Hà Nội, thành lập một trường học, học theo chương trình 9 năm của chính quyền kháng chiến.
Trường phổ thông 2-3 Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô |
Thời gian đầu trường gồm các học sinh cấp II, cấp III và các lớp dự bị đại học. Sau đó, Trường được bổ sung thêm con em của các cán bộ ở lại miền Bắc chiến đấu. Các thầy giáo, cô giáo là những thầy, cô trẻ được đào tạo từ khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc. Trường được đặt tên là Trường Phổ thông cấp 2-3 Hà Nội.
Ngay từ những ngày đầu Trường được Chính phủ và nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ nhiều về các trang thiết bị dạy học.
Năm 1960, trường được gọi tên là Trường Phổ thông cấp 3. Năm 1970, trường được gọi là trường phổ thông cấp 3 Hà Nội A-B. Trường phân tán thành nhiều phân hiệu nhỏ để thực hiện nhiệm vụ dạy học và học trong thời kỳ chiến tranh đế quốc Mỹ phá hoại ở miền Bắc.
Năm 1970, trường được chia tách thành 2 trường, một trường mang tên PTTH Việt Đức (học buổi sáng), một trường mang tên PTTH Lý Thường Kiệt (học buổi chiều).
Năm 1997, Trường PTTH Việt Đức và Trường PTTH Lý Thường Kiệt sáp nhập thành Trường THPT Việt Đức. Trường THPT Việt Đức tồn tại đến ngày nay và là một trong những trường THPT có quy mô lớn nhất Hà Nội, có chất lượng giáo dục luôn đứng trong top đầu của thành phố.
Hàng năm, nhà trường đào tạo gần 1000 học sinh, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp từ 99,9% đến 100%, tỉ lệ vào các trường Đại học, Cao đẳng gần 80%. Học sinh của trường đã giành nhiều giải thưởng về TDTT, văn nghệ. Đặc biệt, đây là ngôi trường rất mạnh trong công tác dạy học ngoại ngữ.
Học sinh trường THPT Việt Đức |
Bên cạnh việc giảng dạy Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, Trường THPT Việt Đức cũng chú trọng dạy thêm ngoại ngữ thứ hai gồm: Tiếng Đức, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật Bản. Hằng năm, nhà trường thường xuyên có các cuộc gặp gỡ và giao lưu với các trường đối tác ở các nước trên thế giới...
Nhiều thế hệ học sinh trường Việt Đức đã trở thành những nhà chính trị, nhân vật nổi tiếng của đất nước, trong đó có thể kể tới: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Anh hùng LLVTND Bùi Ngọc Dương...