Ngày 8/10, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Viện Tâm lý Tâm thần học Việt- Pháp tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Hạnh phúc của học sinh tại trường học”.
Buổi tọa đàm nhằm giúp các nhà tâm lý, giáo dục hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa học đường, tạo lập môi trường trường học thân thiện, thoải mái, hạnh phúc và nâng cao cảm nhận an toàn của học sinh về môi trường bên trong và bên ngoài trường học.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe GS Agnes Florin - chuyên gia nghiên cứu về Tâm lý trẻ em và giáo dục của Đại học Nantes (Cộng hòa Pháp) trình bày các nội dung xoay quanh chủ đề “Hạnh phúc của học sinh tại trường học”.
Đó là các nội dung: Hạnh phúc của trẻ khi đến trường -Thách thức của tương lai; Sự phát triển và nhu cầu giáo dục của trẻ nhỏ; Đổi mới và thực nghiệm nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống trong môi trường học đường.
Thông qua một số kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng cuộc sống ở trường học của gần 1000 học sinh, GS Agnes Florin nhấn mạnh đến sự cần thiết về đạo đức và lợi ích xã hội để xem xét tốt hơn tiếng nói của trẻ em về cuộc sống học đường và các quyết định liên quan đến chính các em.
Theo GS Agnes Florin, cảm nhận hạnh phúc có liên hệ với thành tích học tập và trường học chính là môi trường cực kỳ quan trọng, tác động trực tiếp đến hạnh phúc của trẻ nhỏ.
GS Agnes Florin - chuyên gia nghiên cứu về Tâm lý trẻ em và giáo dục của Đại học Nantes |
Các khảo sát chỉ ra học sinh cảm thấy hạnh phúc hơn nếu có mối quan hệ tốt với giáo viên, bạn bè và được tham gia nhiều hoạt động trong lớp.
Ngược lại, việc phải làm quá nhiều bài tập, thầy cô không giảng kỹ những phần khó và không thường xuyên khen ngợi khiến đứa trẻ cảm thấy căng thẳng, lo âu. Đặc biệt, phần lớn học sinh đều sợ bị điểm kém và những khi giáo viên viết cái gì đó trong sổ liên lạc hoặc trao đổi với bố mẹ.
Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, Giáo dục Việt Nam nói chung và ngành Giáo dục Hà Nội nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi cộm lên vấn đề đạo đức nhà giáo.
Điều kiện tiên quyết để đổi mới giáo dục và xây dựng trường học hạnh phúc chính là nhà giáo, đòi hỏi mỗi nhà giáo không ngừng hoàn thiện về chuyên môn, nâng cao năng lực sư phạm, tu dưỡng đạo đức để tạo ra “sản phẩm” giáo dục hoàn thiện.
Đồng tình với nhận định này, đội ngũ cán bộ giáo dục các nhà trường chia sẻ thêm về những giải pháp đã và sẽ triển khai ở các nhà trường nhằm khích lệ, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo phát huy năng lực, cùng góp sức xây dựng trường học hạnh phúc.