Giáo dục Thủ đô: Dấu ấn 65 năm phát triển và hội nhập

GD&TĐ - Ngay sau thời khắc Thủ đô được giải phóng là sự ra đời của ngành GD-ĐT Hà Nội. Sự kiện đã mở ra một trang sử mới, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô ngày một lớn mạnh và phát triển.

Giáo dục Thủ đô: Dấu ấn 65 năm phát triển và hội nhập

Dấu ấn 65 năm Giáo dục Thủ đô

Ngày 9/10/1954, Thành phố Hà Nội quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GD-ĐT Thủ đô. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình.

Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua dạy tốt - học tốt. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam. Trong số đó không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, ngành GD-ĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt "sứ mệnh trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dù gặp nhiều khó khăn sau khi hợp nhất, song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Với vị trí là "trái tim" của cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của toàn thể đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới.

Đội ngũ nhà giáo Thủ đô không ngừng đổi mới, sáng tạo
Đội ngũ nhà giáo Thủ đô không ngừng đổi mới, sáng tạo

Khi mới thành lập, ngành GD-ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ.

Trải qua 65 năm phát triển, đến nay, ngành GD-ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Hiện nay, Hà Nội có 2.746 trường mầm non, trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 60.391 nhóm lớp. Trên địa bàn TP có 534 cơ sở giáo dục ngoài công lập và 8 trường công lập tự chủ; 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Toàn ngành GD-ĐT Hà Nội có 155.323 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học. Tỉ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%. Tỉ lệ trên chuẩn đạt mức cao. Đây chính là nguồn lực quan trọng để toàn ngành thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả và tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, hội nhập.

Học sinh Thủ đô liên tục đạt thành tích cao qua các kỳ thi HSG văn hóa, kỹ thuật, giải toán qua Internet, Máy tính cầm tay cấp Thành phố và Quốc gia... Không chỉ giỏi về văn hóa, học sinh Thủ đô còn tích cực và nổi bật trong các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác với nhiều thành tích xuất sắc.

Chất lượng giáo dục Thủ đô tăng cả về số lượng và chất lượng
 Chất lượng giáo dục Thủ đô tăng cả về số lượng và chất lượng

Bước nhảy vọt về quy mô, chất lượng giáo dục

Trong 65 năm, với trách nhiệm lớn lao là “nâng cao dân trí – chấn hưng dân khí – bồi dưỡng nhân tài”, ngành GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Xuyên suốt chiều dài 65 năm, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, mang tài năng và trí tuệ của mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Sự phát triển của giáo dục đã là minh chứng cho sự lớn mạnh của Thủ đô. 65 năm qua, giáo dục Thủ đô có sự nhảy vọt về quy mô giáo dục và các loại hình trường lớp để đáp ứng chỗ học cho nhân dân. Cùng với đó, cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại để nâng cao chất lượng dạy học.

Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư. Ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý được tăng cường áp dụng cho cả các trường ở nội thành và các huyện ngoại thành xa trung tâm. Hà Nội đã triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 ở tất cả các quận huyện.

Phát triển hệ thống trường đạt Chuẩn quốc gia được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong những năm qua, số trường đạt CQG của Hà Nội có bước phát triển đáng kể. Hà Nội hiện có 1.492 trường đạt CQG chiếm tỷ lệ 55%, trong đó công lập có 1.456 trường đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 66,7%.

Ngành GD-ĐT Hà Nội đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho GD-ĐT và nghiên cứu khoa học. Thành phố đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để học sinh có điều kiện tiếp cận chương trình học tiên tiến theo quy chuẩn quốc tế.

Giáo dục Hà Nội chủ động hội nhập quốc tế
 Giáo dục Hà Nội chủ động hội nhập quốc tế

Mục tiêu mà ngành GD-ĐT Thủ đô đặt ra trong thời kỳ hội nhập là đảm bảo phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc; mở rộng qui mô giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời.

Ngành GD-ĐT Hà Nội hướng tới làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học lý thuyết với thực hành, trau dồi đạo đức, lối sống.

Với những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ngành GD-ĐT Hà Nội đã 2 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Các cơ sở giáo dục, các nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên Thủ đô cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...