Ngỡ ngàng chạm vào hồn quê Việt ở huyện miền núi Hương Khê

GD&TĐ - Những câu chuyện sinh hoạt thôn quê của người nông dân Nghệ Tĩnh đã được tái hiện qua các đồ vật được trưng bày tại Trung tâm phát triển Hương Bình.

Nhiều người không khỏi xúc động khi “gặp lại” những vật dụng quen thuộc tưởng chừng như đã bị lãng quên theo thời đại.

Ký ức ruộng đồng

Đời sống ngày càng phát triển, máy móc hiện đại đã dần thay thế cho những vật dụng thô sơ trong lao động sản xuất. Có lẽ, những nông cụ truyền thống chỉ còn rải rác ở trong một số nhà dân tại nông thôn hay ký ức của nhiều người thế hệ trước.

3 ngôi nhà gỗ được thiết kế theo kiểu truyền thống nông thôn xưa trưng bày hiện vật. Ảnh: Phương Hồ.

Thế nhưng, tại thôn Bình Tân, xã Hương Bình, huyện miền núi Hương Khê suốt hơn 25 năm qua vẫn dành một không gian bảo tồn nguyên trạng hiện vật các loại nông cụ thủ công độc đáo.

Nguyễn Đình Thi (1934 - 2010) là linh mục công giáo người Pháp gốc Việt. Năm 1963, ông và một số thân hữu đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam. Năm 1963, ông thành lập Trung tâm Liên lạc Văn hóa Âu – Á tại Pháp, sau này đổi tên là Hội Huynh đệ Âu - Á hoặc khi hoạt động tại Việt Nam thì có tên Hội Huynh đệ Việt Nam.

Từ năm 1967 - 1968, ông cùng hội đã tổ chức nhiều buổi văn nghệ quyên góp tiền cứu trợ nạn nhân chiến tranh ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam thông qua Hội Chữ thập đỏ quốc tế.

Năm 1970, Linh mục Thi cùng Hội Huynh đệ Việt Nam tại Pháp thành lập Phong trào Công giáo và Dân tộc đồng thời xuất bản tờ báo Công giáo và Dân tộc nhằm kêu gọi người Việt Nam Công giáo cùng tham gia đấu tranh cho hòa bình.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi chạy dọc con đường Hồ Chí Minh lên Hương Khê hơn 2km, rồi từ tuyến đường chính men theo đường vào thôn Bình Tân. Trung tâm phát triển Hương Bình ở cuối làng, ẩn mình dưới những tán tầm vông xanh mướt trong khuôn viên rộng gần 6 héc ta. Từ ngoài cổng, thấp thoáng đã thấy không gian xưa yên bình của làng quê Bắc Trung Bộ.

Theo ông Phan Cầm (66 tuổi) – người trông coi Trung tâm, trước đây, khu vực này là trại chăn nuôi cũ của UBND Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1978. Năm 1993, sau khi trại chăn nuôi giải thể, cố linh mục Nguyễn Đình Thi - nguyên Chủ tịch Hội Huynh đệ Việt - Pháp tiếp nhận lại. Đến năm 1996, Trung tâm mới chính thức đi vào hoạt động do linh mục Nguyễn Đình Thi làm Chủ tịch hội.

Vốn là tiến sĩ nông học, có niềm đam mê bất tận với các nông cụ, linh mục Nguyễn Đình Thi đã chuyển nơi đây thành trung tâm văn hóa nông thôn và miệt mài cùng nhiều người đi đến khắp các vùng quê trong Hà Tĩnh cũng như các tỉnh lân cận sưu tầm các hiện vật, công cụ thủ công của những người nông dân thời xưa.

Nổi bật trong khuôn viên trung tâm, là 3 ngôi nhà gỗ được thiết kế theo kiểu truyền thống nông thôn xưa, mái lợp tranh và ngói. Trong đó có 1 ngôi nhà trên 200 năm tuổi, 1 ngôi nhà biểu trưng cho gia đình nông thôn khá giả, 1 nhà biểu trưng cho gia đình nông thôn tầm trung với mái lợp tranh, nền đất, tường vách phên nứa…

Bên trong mỗi căn nhà này trưng bày, bảo tồn hơn 500 hiện vật vẫn còn nguyên vẹn. Chủ yếu là những nông cụ ngành nghề cổ truyền tái hiện sinh động cuộc sống, phương thức lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thời xưa.

Chỉ vào bộ sưu tập dụng cụ gặt lúa, ông Cầm cho hay: Các hiện vật này được trưng bày rất phong phú và đa dạng về loại hình. Nhiều vật dụng có nguyên bộ sưu tập với số lượng từ vài cái cho đến vài chục cái. Trong đó điển hình như: Chõng tre, võng tre, áo tơi, áo nảy, cối xay lúa, cối giã gạo, xay bột, che ép mật mía, guồng nước, cũi treo, cũi đứng, móc treo…

Bên cạnh đó là đèn dầu các loại, nơm, đơm, nhủi, giỏ, đũa, nong, nia, thúng, nón, dần, sàng, mâm, sập, bàn ghế bằng gỗ, kiềng tre nứa, hũ, chậu sành sứ các loại… Ngoài ra, còn có máy đánh chữ, nồi đồng, niêu đất, quạt mo, điếu cày, khay gỗ, trục đá, đập lạc, quang gánh bằng mây tre, cơi đựng trầu, têm trầu vôi bằng đồng, máy đập lúa thủ công, các dụng cụ đo lường bằng gỗ…

Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều tài liệu quý giá với khoảng 2.000 đầu sách viết về văn hóa, xã hội, lịch sử các thời kỳ của Việt Nam bằng tiếng Việt, tiếng Pháp: Tư liệu về dân ca ví, giặm, các danh nhân nổi tiếng ở vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh từ xưa đến nay…

Ở một gian khác trưng bày khoảng 70 bức ảnh chân dung danh nhân Nghệ An – Hà Tĩnh xưa và 150 bức ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp chụp từ những năm 1980 - 1993, phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân xưa.

noi-luu-giu-hon-que-viet-8-5674.jpg
Ông Phan Cầm – người trông coi khu bảo tồn tái hiện lại cách làm miến bằng máy cho du khách. Ảnh: Phương Hồ.

Tìm cách gìn giữ

Ông Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, để có số hiện vật đầy đủ này, linh mục và một số người đã mất nhiều năm vào tận các nhà dân trên địa bàn huyện Hương Khê để tìm kiếm.

Một số vật dụng không sử dụng người dân sẵn sàng cho lại nhưng có một số hiện vật độc đáo, có giá trị được mua lại. Ngoài sưu tầm, tại đây còn phục chế lại các vật dụng đã bị hư hỏng. Các hiện vật không thể tính giá trị bằng tiền mà là văn hóa.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm, Trung tâm phát triển Hương Bình đã thu hút nhiều đoàn du khách nước ngoài, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu văn hóa từ khắp các vùng miền trong nước đến tham quan, nghiên cứu. Những ngôi nhà trưng bày nông cụ đã trở thành nơi giáo dục cho nhiều người trẻ về tình yêu ruộng đồng, trân trọng quá khứ và hiểu sâu hơn về nền nông nghiệp nước nhà.

noi-luu-giu-hon-que-viet-3-9872.jpg
Trung tâm hiện trưng bày hơn 500 hiện vật phong phú. Ảnh: Phương Hồ.
noi-luu-giu-hon-que-viet-6-5206.jpg
Máy tuốt lúa. Ảnh: Phương Hồ.
noi-luu-giu-hon-que-viet-4-4302.jpg
Một số dụng cụ dùng để đánh bắt cá. Ảnh: Phương Hồ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi ở huyện miền núi còn cất giữ được nhiều hiện vật quý của nền nông nghiệp xưa. Ghé thăm bảo tàng tôi thấy rất hoài niệm như gặp lại ký ức tuổi thơ của mình.

Bảo tàng tuy không lớn về mặt quy mô nhưng chứa đựng cả một tấm lòng của một người thuộc thế hệ đi trước muốn nhắc nhở thế hệ đi sau nhớ về cội nguồn cha ông. Đó còn là thông điệp trao truyền ý chí vươn lên thoát đói nghèo cho thế hệ hôm nay”.

Lần đầu tiên được thấy các nông cụ sản xuất thời xưa, Đỗ Thị Phương Thảo - học sinh lớp 10, Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) không giấu được sự thích thú.

Ngắm nhìn dụng cụ cán sợi miến được làm từ đá, Phương Thảo cho biết: “Bản thân em rất khâm phục sự sáng tạo và chịu khó của thế hệ các ông bà. Em không nghĩ từ chất liệu bằng đá, vài thanh gỗ đã có thể làm được dụng cụ cắt miến tiện lợi như vậy”.

Trước đây, Trung tâm phát triển Hương Bình đã được UBND tỉnh đầu tư, tu bổ và xây dựng tái tạo thêm các khu vườn trong khuôn viên để quảng bá du lịch. Ngoài ra, còn tạo không gian tham quan đến các trường học và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách Việt Nam và nước ngoài đến tìm hiểu cuộc sống và quá trình sản xuất của người nông dân xưa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu bảo tồn dường như dần bị chìm vào quên lãng. Số lượng khách ghé thăm cũng ngày càng thưa thớt. Lâu ngày thiếu sự đầu tư, chăm sóc nên không gian trở nên vắng vẻ, cô quạnh hơn.

Ông Bảo cho hay nhằm phát huy giá trị văn hóa của khu bảo tồn, Trung tâm đã cố gắng tiếp tục tiến hành sưu tầm, bảo trì, bảo dưỡng các hiện vật, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan để phát huy giá trị văn hóa của nó.

Về phía UBND xã và huyện Hương Khê đã từng gửi đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư hoặc hướng xử lý với mong muốn đây sẽ trở thành một điểm dừng chân lý thú và là địa chỉ giáo dục truyền thống cội nguồn cho thế hệ trẻ.

Khu vực đất Trung tâm phát triển Hương Bình trước đây là Trại chăn nuôi thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh. Trước những đề xuất của địa phương, tháng 6/2024, UBND tỉnh vừa có quyết định thu hồi đất để làm khu du lịch sinh thái.

Theo quyết định, trên cơ sở sẽ tiếp tục duy trì và phát triển khu bảo tồn truyền thống. Ngoài ra, khu sinh thái sẽ mở rộng thêm tạo cảnh quan phát triển du lịch tại địa phương. Với sự đầu tư bài bản, hy vọng số hiện vật được sưu tầm tại đây sẽ ngày càng nhiều thêm và phong phú hơn.

Việc lưu giữ hồn quê thanh bình thuở xưa đã đưa người xem hòa cùng hơi thở của không gian nguồn cội, qua đó góp phần phát triển du lịch địa phương - Ông Đặng Quốc Bảo (Chủ tịch UBND xã Hương Bình).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.