Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Nơi an nghỉ của Tổng Bí thư Trần Phú là lớp học, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ một cách trực quan và sinh động...

Toàn cảnh khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú tại thôn Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh.
Toàn cảnh khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú tại thôn Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh.

Sau hơn 25 năm được an táng tại quê nhà, nơi an nghỉ của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành địa chỉ đỏ trên chuyến hành trình về nguồn của du khách thập phương. Đặc biệt, nơi đây còn là lớp học, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ một cách trực quan và sinh động.

Khu di tích bên bến Tam Soa

Quần thể Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú nằm ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) được chia làm 2 phần: Khu mộ và khu lưu niệm.

Đầu năm 1999, sau khi tìm thấy hài cốt đồng chí Trần Phú ở TP Hồ Chí Minh, cùng với Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ truy điệu và rước hài cốt đồng chí về an táng tại quê nhà, trên núi Quần Hội, thuộc thôn Châu Lĩnh (xã Tùng Ảnh).

Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú có diện tích 4,7ha, nằm ở độ cao khoảng 24m. Khu mộ hướng về ngã ba Tam Soa- nơi hợp lưu giữa 2 con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu vào dòng sông La trước khi xuôi ra biển lớn.

Từ nơi cao nhất của khu mộ có thể nhìn trọn vẹn một vùng non nước hữu tình. Khu mộ khởi công xây dựng vào tháng 1/2000 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Mộ phần được ốp bằng đá granit màu đen thẫm, hai bên là đôi hàng cây vạn tuế. Các bậc thang lên xuống được làm bằng đá xanh, xung quanh khuôn viên cây xanh bao phủ.

Phía sau, trên nền bức bình phong màu nâu đỏ gắn lời căn dặn cuối cùng của đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Ở khu mộ, ngoài phần mộ của Tổng Bí thư Trần Phú, còn có 3 phần mộ của gia quyến trong gia đình gồm 2 cụ thân sinh và người em trai.

Cách khu mộ khoảng 1km là khu lưu niệm Trần Phú nằm tại thôn Châu Tùng (xã Tùng Ảnh) được mở rộng và xây mới vào năm 1998. Đây là nơi lưu giữ, giới thiệu gần 300 hiện vật, kỷ vật, tài liệu, hình ảnh gắn liền với thân thế, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú và gia phả họ Trần từ đời thứ 15-18. Tài liệu liên quan hoạt động cách mạng do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo được bảo quản kỹ càng tại khu nhà lưu niệm.

Phần mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Phần mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Tại đây nhiều hiện vật, tư liệu giá trị như: Con dấu của Hội Hưng Nam; cuốn gia phả họ Trần Tùng Ảnh; rương gỗ đồng chí Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 - 1925; hình ảnh đồng chí Nguyễn Doãn Nguyên - người giúp việc cho Tổng Bí thư giai đoạn cuối năm 1930 - tháng 4/1931… đã được tìm về trưng bày, kể thêm nhiều câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vinh quang của đồng chí Trần Phú.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích cho biết, Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992, nhưng tại đây, các hoạt động về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích đã có từ năm 1977.

Ban đầu di tích là một tổ thuộc bảo tàng Nghệ Tĩnh, sau khi Nghệ Tĩnh bị tách ra, di tích lại do bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Đến ngày 14/6/2002, ban quản lý di tích Trần Phú được thành lập. Kể từ đó đến nay, khu di tích chịu sự quản lý trực tiếp của ban quản lý.

“Mỗi năm có khoảng một vạn du khách trong nước và quốc tế đến quần thể khu di tích tham quan, thắp hương tri ân cố Tổng Bí thư Trần Phú. Đặc biệt, nơi đây còn trở thành lớp học giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Hàng năm, không chỉ học sinh trong tỉnh mà học sinh khắp mọi miền Tổ quốc đều chọn nơi đây làm điểm dừng chân trong những chuyến hành trình đến các địa chỉ đỏ”, ông Lê Doãn Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Trần Phú cho biết.

Lớp học giáo dục truyền thống yêu nước

Hướng dẫn viên giới thiệu khu di tích và các hiện vật tại khu lưu niệm cho học sinh.

Hướng dẫn viên giới thiệu khu di tích và các hiện vật tại khu lưu niệm cho học sinh.

Khu lưu niệm cất giữ hơn 200 hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Khu lưu niệm cất giữ hơn 200 hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hằng năm Khu di tích đón hàng nghìn lượt khách đến viếng thăm.

Hằng năm Khu di tích đón hàng nghìn lượt khách đến viếng thăm.

Hòa trong dòng người viếng thăm Khu di tích Trần Phú trong những ngày đầu năm, có nhiều học sinh đến từ các trường học trên địa bàn. Qua lời giới thiệu của các cán bộ, nhân viên khu di tích, câu chuyện về Tổng Bí thư đầu tiên đã “tiếp lửa” thêm tình yêu quê hương đất nước cho các em.

Nguyễn Cẩm Tú - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) chia sẻ: “Mỗi lần đến khu di tích em đều rất xúc động. Lời giới thiệu của các cô chú hướng dẫn viên và những câu chuyện, hiện vật đã giúp em hiểu thêm về truyền thống cách mạng của dân tộc. Sau mỗi chuyến đi, em càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh”.

Đây còn là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ học sinh.

Đây còn là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ học sinh.

Huyện Đoàn Đức Thọ phối hợp cùng các đơn vị trường học tổ chức kết nạp Đoàn viên mới tại Khu di tích Trần Phú.

Huyện Đoàn Đức Thọ phối hợp cùng các đơn vị trường học tổ chức kết nạp Đoàn viên mới tại Khu di tích Trần Phú.

Thầy Trần Đình Thám - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết, hàng năm Khu di tích Trần Phú là địa chỉ đỏ để giáo viên và học sinh nhà trường tham quan trải nghiệm. Sau mỗi chuyến hành trình về nguồn, học sinh tự viết bài thu hoạch. Trong đó, nhiều bài được các em viết rất cảm động.

“Thông qua hoạt động, cùng với tiếp thu các kiến thức, là dịp để học sinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, chủ quyền đất nước. Từ đó, các em có động lực mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên và hoàn thành mục tiêu ở phía trước”, thầy Thám chia sẻ.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024) - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

“Thông qua cuộc thi giúp các em hiểu sâu sắc thêm về những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước và con người Hà Tĩnh trong học sinh, sinh viên cũng như cán bộ, giáo viên toàn ngành”, ông Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông tin.

Tổng Bí thư Trần Phú (1904 - 1931) sinh ra tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán làng Tùng Sinh nay là xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Ông là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em, bố là nhà nho Trần Văn Phổ, mẹ tên Hoàng Thị Cát.

Sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước nổi tiếng và trở thành một chiến sĩ cộng sản chân chính, tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Luận cương Chính trị được thông qua, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt và bị tra tấn dã man. Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27 tại Phòng biệt giam A3 của Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn). Lời căn dặn cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” luôn là lời nhắc nhở, là “kim chỉ nam” cho mỗi đảng viên, trong mọi hoàn cảnh, phải cống hiến thật nhiều cho Đảng, cho nhân dân, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ