Hoạt động này góp phần quan trọng trong giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.
Những công trình tiếp lửa truyền thống
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 495 trường học từ bậc mầm non đến THPT, trong đó có nhiều trường mang tên anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa dân tộc. Nhiều ngôi trường đã xây dựng công trình tượng thờ, bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trong khuôn viên học đường có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ.
Tọa lạc tại TP Cà Mau, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển mang tên nhà giáo, nhà báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển luôn là niềm tự hào của bao lớp thế hệ học sinh được học tập tại đây.
Khuôn viên trường có đặt tượng thờ anh hùng Phan Ngọc Hiển trong tư thế đứng hiên ngang, làm điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh của trường.
Nguyễn Tuấn Đạt, học sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển chia sẻ, hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ đã giúp em hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Em biết anh hùng Phan Ngọc Hiển là người đã lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi và khi bị địch bắt, phải đứng trước họng súng kẻ thù vẫn không hề khuất phục.
“Thế hệ cha, ông đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để chúng em có được cuộc sống hòa bình, được học tập trong ngôi trường khang trang, hiện đại. Hiểu được điều đó, em hứa sẽ quyết tâm học tập tốt để sau này có thể đóng góp một phần nhỏ công sức vào sự phát triển của quê hương, đất nước”, Tuấn Đạt bày tỏ.
Cũng là học sinh của Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, Đỗ Phương Di kể, em và các bạn thường đến tượng anh hùng Phan Ngọc Hiển dọn dẹp vệ sinh và thắp hương.
Phương Di cho rằng, việc gìn giữ các công trình di tích lịch sử, tượng đài, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... luôn sạch, đẹp là trách nhiệm của thế hệ trẻ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngoài ra, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm học tập tốt, lao động giỏi, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển để đền đáp công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ.
Vùng đất U Minh Hạ là một trong những vùng căn cứ địa cách mạng tại Cà Mau trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nơi đây hiện vẫn còn nhiều di tích lịch sử ghi dấu chiến công, tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của bao lớp thế hệ cha, ông đi trước. Phần lớn tên trường học trên địa bàn được đặt theo tên anh hùng, liệt sĩ.
Thầy Nguyễn Hoàng Rol, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (huyện U Minh) cho biết: “Việc giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh luôn được nhà trường quan tâm và thực hiện thường xuyên thông qua các hoạt động học tập trên lớp, sinh hoạt ngoại khóa, về nguồn tham quan di tích trên địa bàn. Tôi nghĩ giáo dục tinh thần yêu nước cho các em ngay từ nhỏ chính là góp phần hình thành nhân cách sống tốt đẹp cho các em và tạo động lực để các em phấn đấu học tập tốt hơn”.
Ngoài công trình tượng thờ anh hùng, liệt sĩ, nhiều điểm trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng xây dựng công trình văn hóa trong khuôn viên trường mang ý nghĩa giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh như: Công trình biểu tượng quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; công trình bản đồ Việt Nam...
Đa dạng hoạt động “về nguồn”
Không chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh thông qua các công trình tượng thờ anh hùng, liệt sĩ, công trình văn hóa trong trường. Nhiều điểm trường tại Cà Mau còn khuyến khích, tổ chức cho học sinh đến thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng; về nguồn ôn lại truyền thống tại các điểm di tích lịch sử; tham gia làm sạch nghĩa trang liệt sĩ; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ... trong những dịp lễ lớn của dân tộc.
Dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 và ngày Quốc khánh 2/9, một số điểm trường thường tổ chức cho học sinh đến dâng hoa, thắp hương tại các đền thờ, phủ thờ, khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh.
Bùi Thảo Vy, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (TP Cà Mau) rất háo hức khi được về nguồn, tham gia các hoạt động ngoại khóa tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, TP Cà Mau).
“Bác Hồ là người đã khai sinh ra nước Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sau khi được xem phim tư liệu, tranh ảnh và được nghe kể những câu chuyện về Bác Hồ, con càng thêm kính yêu Bác hơn sẽ và cố gắng thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy đối với học sinh”, Bùi Thảo Vy tâm sự.
Ông Đỗ Văn Nghiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kể chuyện lịch sử, Bảo tàng tỉnh Cà Mau cho biết, vào những ngày lễ, ông thường được các trường trên địa bàn tỉnh mời kể chuyện lịch sử cho học sinh khi về nguồn tại các điểm di tích.
“Tôi chỉ mong muốn được góp phần nhỏ bé khơi dậy tình yêu lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ hôm nay cần phải biết rõ nguồn cội dân tộc, biết đến những hy sinh, đóng góp của bao lớp thế hệ cha ông đi trước để đổi lấy nền độc lập, tự do của dân tộc, từ đó ra sức học tập, lao động để góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nữa”, ông Nghiệp chia sẻ.
Thầy Phạm Vũ Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn) khẳng định, giáo dục truyền thống cho học sinh là trách nhiệm của các nhà trường. Từ khi mô hình Không gian văn hoá Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động tại trường, học sinh có những trải nghiệm, hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, những câu chuyện, bài học quý giá nhưng rất đỗi bình dị và đời thường của Bác Hồ.
Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên xây dựng một số tiết mục văn nghệ, bài giảng môn lịch sử bằng hình thức sân khấu hóa nhằm giúp học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về các sự kiện, nhân vật lịch sử, từ đó giúp các em thêm yêu môn Lịch sử, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
“Giáo dục truyền thống, giáo dục di sản trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Cà Mau. Sở GD&ĐT Cà Mau chỉ đạo các trường luôn cố gắng đổi mới, triển khai đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống ngày một hiệu quả trong tình hình mới.
Hình thức giáo dục phù hợp là để giáo viên và học sinh được tự trải nghiệm, tự cảm nhận, giúp các em hình thành các phẩm chất cốt lõi theo đúng mục tiêu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau nhấn mạnh.