Điệp khúc ngộ độc
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Riêng trong tháng 4/2016 đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc. Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật bởi thời tiết nóng bức gây ra, cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm.
Tháng 5 - 6, nắng nóng làm số ca ngộ độc có chiều hướng tăng. Chị Nguyễn Thị Huyền (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Theo thói quen sáng chị đi mua thức ăn cho cả nhà. Do trẻ nghỉ hè nên ăn muộn hơn so với bình thường trong khi thức ăn chị lại để bên ngoài nên cô con gái của chị bị đau bụng, tiêu chảy.
“Vừa đến cơ quan lại tất tả về, cũng may sau khi uống thuốc chống tiêu chảy, nghỉ ngơi, các triệu chứng trên giảm dần”, chị Huyền chia sẻ. BS Nguyễn Văn Ngoan, khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nắng nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển nên thức ăn chế biến xong không ăn ngay hoặc không được bảo quản cẩn thận dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn.
Mặt khác, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể mỗi người cũng dễ bị mệt mỏi nên thức ăn chỉ có “vấn đề” một chút là dẫn đến đau bụng, tiêu chảy.
Gần đây, tại Đắk Lắk cũng ghi nhận 8 người bị ngộ độc phải đi cấp cứu. Hồ sơ bệnh án cho thấy, sau khi ăn thịt chó, 8 người có chung triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn và tiêu chảy cấp. Các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thịt chó, sau khi điều trị, 3 người đã ra viện và 5 người đang nằm theo dõi thêm.
Nối dài danh sách thực phẩm bẩn
Nhóm Chống thực phẩm bẩn do các thành viên diễn đàn Nhà báo trẻ khởi xướng công bố 43 điểm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước, nâng tổng số vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lên con số gần 500 vụ.
Theo công bố, những thực phẩm luôn đứng đầu danh sách vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, thịt bò hay mỡ bẩn, dầu bẩn với số lượng lớn đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Tình trạng thực phẩm bị làm giả cũng đang ở mức báo động: Nước khoáng giả, giấm ăn giả, rượu giả, bột ngọt giả, đường giả…
Đây là lần thứ 10 nhóm công bố danh sách địa chỉ đen về an toàn thực phẩm để cảnh báo tới người tiêu dùng. Đó là việc lực lượng Công an tỉnh Nghệ An phát hiện tại cơ sở chế biến măng tươi do ông Nguyễn Văn Thi (khối 2, Bến Thủy, TP Vinh) làm chủ có hàng chục thùng phuy đang ngâm măng trong hóa chất, đồng thời phát hiện hàng chục bao tải chứa măng đã hư hỏng đang bốc mùi hôi thối.
Lực lượng chức năng đã niêm phong, thu giữ 13 thùng phuy (loại 150 lít) măng ngâm hóa chất và 18 bao tải vàng chứa măng (trọng lượng gần 3 tấn) không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tương tự, trong tháng 6, cảnh sát giao thông TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng phát hiện xe tải chở 8 tấn thịt mỡ động vật, đã bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế tên Dũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số mỡ.
Lái xe trên cũng là chủ cơ sở chế biến mỡ động vật ở TP Tam Kỳ. Kiểm tra tại đây, lực lượng chức năng phát hiện giấy phép kinh doanh của cơ sở đã hết hạn. Cũng tại cơ sở trên, lực lượng thu giữ 5 tấn mỡ động vật bốc mùi, đang được các công nhân chế biến để mang đi tiêu thụ…
Số người ngộ độc thực phẩm gia tăng trong khi số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm không hề giảm. Cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử phạt nhưng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại, thậm chí đang có những diễn biến hết sức phức tạp cho thấy cuộc chiến chống thực phẩm bẩn có lẽ là cuộc chiến khó khăn, trường kỳ đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng cũng như chế tài xử phạt đủ mạnh để chấm dứt tình trạng phạt cho có, chấp nhận phạt để tồn tại.
- Dự báo mùa hè năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là người phải làm việc ngoài trời cần đề phòng sốc nhiệt.
- Các cơ sở y tế cần cung cấp kiến thức cho người lao động và chủ lao động trên địa bàn hiểu và biết phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe người dân như say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức. Đề phòng sự gia tăng các bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao co giật…