NGND - Anh hùng lao động Phi Vân Khanh: Nhà giáo Hà thành đau đáu vì trẻ thơ

GD&TĐ - Được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên của Hà Nội, cả cuộc đời, bà Phi Vân Khanh “rút ruột nhả tơ” cho những đôi môi đỏ, những đôi má tròn… Với bà, những đóng góp của mình chỉ rất nhỏ bé so với sự hi sinh anh dũng của bao người con đất Việt, cả dân tộc Việt Nam đều là anh hùng..

Cô giáo Phi Vân Khanh dạy trẻ trong thời chiến (Ảnh tư liệu).
Cô giáo Phi Vân Khanh dạy trẻ trong thời chiến (Ảnh tư liệu).

Gặp bà - người phụ nữ gốc Hà Nội thanh lịch, đằm thắm, trí tuệ, được trò chuyện với bà, nghe bà kể về những kỷ niệm trong đời dạy học và bộc bạch những ý tưởng mới, mới hiểu vì sao nhiều người vẫn gọi bà là người “xưa nay hiếm” và thấy thêm tin yêu những nhà giáo Hà Nội luôn đau đáu vì sự nghiệp giáo dục của Thủ đô và nước nhà.

Căn nhà nhỏ ở Khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) giờ chỉ còn mình NGND Phi Vân Khanh ở, người bạn đời của bà - thầy giáo Trịnh Văn Đạm (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - đã rời xa bà hơn 10 năm nay. Căn nhà nhỏ xinh, đồ đạc cũ kỹ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, góc nào cũng ghi dấu những dấu ấn về sự nghiệp nuôi dạy trẻ mầm non của bà. 

Năm 1962, cô giáo trẻ Phi Vân Khanh tốt nghiệp Trường Sư phạm Mẫu giáo và được phân công về giảng dạy tại trường mẫu giáo số 7 quận Hai Bà Trưng. Từ năm 1965 - 1968, Mỹ liên tục ném bom bắn phá miền Bắc, cô Khanh cùng với giáo viên Trường Mầm Non số 7 được phân công phục vụ trại trẻ sơ tán tại Tiên Sơn - Hà Bắc (cũ). Năm 1968, cô Khanh được phân công về làm Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Sáng.

Thời điểm đất nước có chiến tranh, một lần nữa cô và đồng nghiệp lại hăng hái lên đường đi phục vụ trại trẻ sơ tán của Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Trong những năm tháng đó, cô Khanh đã đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến trong giáo dục, kết hợp việc dạy và chơi theo từng chủ đề… Kết quả từ những sáng kiến của cô Khanh đạt hiệu quả cao, Hội đồng Khoa học giáo dục thành phố đã xếp loại A và được Bộ GD&ĐT đưa vào làm tài liệu giảng dạy chung cho toàn ngành.

Năm 1978, nhà giáo Phi Vân Khanh được phân công đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Chim non. Trên cương vị của mình, cô Khanh đã phát huy truyền thống của trường, áp dụng quy lát cô dạy tốt, trò học tốt, từng bước đưa Trường Chim non trở thành trường tiên tiến xuất sắc và là lá cờ đầu của giáo dục mầm non Thủ đô trong nhiều năm liên tiếp.  

Cả cuộc đời gắn với hai tiếng trẻ thơ, nhà giáo Phi Vân Khanh đã được Nhà nước thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất lần lượt năm 1983, 1996, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Nhân dân năm 1988, được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 1995, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1997, vinh dự được ghi tên vào cuốn “Chân dung và Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh”…

Niềm vui của NGND Phi Vân Khanh bên đồ dùng dạy học tự làm.
Niềm vui của NGND Phi Vân Khanh bên đồ dùng dạy học tự làm.

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng khi nghe bà nói về công việc dạy học, về trẻ thơ, người nghe dễ liên tưởng đến một cô giáo còn rất say nghề, yêu trẻ và luôn ẩn chứa nhiều ý tưởng mới. Vừa kể chuyện, bà vừa lấy cho chúng tôi xem những bộ đồ dùng học tập, những sáng kiến kinh nghiệm mà bà đã cất giữ từ nhiều năm nay cùng những bộ đồ dùng học tập và mô hình dạy học cho trẻ mầm non mà bà mới làm để tặng cho các nhà trường. Sức lao động của người phụ nữ nhỏ bé này thật phi thường và đáng cảm phục. Bà làm tất cả vì trẻ thơ, vì luôn đau đáu với sự nghiệp trồng người mà bà đã gắn bó suốt gần 30 năm và cho đến khi đã nghỉ hưu. 

Ánh mắt bà sáng lên rạng ngời, nụ cười rạng rỡ khi giới thiệu các đồ dùng học tập mà bà và nhà giáo Trịnh Văn Đạm cùng làm. Bà bảo: Ông ấy vẽ đẹp lắm, sắc nét và có hồn, bộc lộ được mọi ý tưởng của tôi. Hồi đó, vợ nêu ý tưởng rồi chồng vẽ nét, cắt dán, tô màu. Sau đó vợ hoàn thiện thành một bộ đồ dùng học tập nhiều tính năng khác nhau trong dạy trẻ kiến thức, kỹ năng sống và khả năng sáng tạo khi “học mà chơi, chơi mà học”.

Các bộ sản phẩm đồ dùng học tập tự làm cứ thế ra đời, mang lại hiệu quả cho cả cô lẫn trò, lần lượt đạt các giải thưởng cấp thành phố và toàn quốc. Đó hoàn toàn là những sản phẩm thủ công, được ra đời từ ý tưởng sáng tạo, thông minh, đôi bàn tay khéo léo và sự dày công, tỉ mỉ của hai nhà giáo. Hồi đó, với mỗi bộ sản phẩm vợ chồng nhà giáo đều làm ra nhiều bộ để trẻ nào cũng được học, được nhìn và cùng thao tác theo hướng dẫn của cô mà không thu một đồng tiền thù lao nào. 

Cho đến giờ, hàng trăm sản phẩm ấy vẫn còn nguyên giá trị, vẫn đầy sức sống và có hiệu quả cao trong giáo dục trẻ mầm non. Ngày ngày, bà miệt mài nhân rộng ra (có sự chỉnh sửa cho phù hợp với chương trình, nội dung, phương pháp hiện tại) để tặng cho các nhà trường, với mong muốn các trường có thêm tư liệu bổ sung vào chương trình dạy trẻ tích cực, sáng tạo.

Bà bảo: Tôi thấy mình “mắc nợ” con trẻ nhiều lắm, phải cố sức làm. Thời tôi đi dạy học, những năm 1960 - 1990, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu đồ dùng dạy học, đồ chơi; không có chương trình soạn giảng cụ thể; giáo viên thì chỉ được đào tạo cấp tốc 3 tháng… Song giáo dục vẫn luôn có sự phát triển. Giáo viên hồi đó nhiệt tình, sáng tạo và luôn có ý thức tự học, tự vươn lên. Những năm gần đây, điều kiện dạy và học có nhiều đổi mới, nhưng giáo viên thời nào cũng có những khó khăn nhất định. Các cô giáo mầm non giờ đây phải chịu nhiều áp lực trong công việc, luôn phải nỗ lực đổi mới cách dạy… Khó khăn ở mỗi thời kỳ khác nhau nhưng điểm chung là thời nào dạy trẻ cũng cần đặt tình yêu nghề, yêu trẻ lên trên hết. Lương tâm và trách nhiệm sẽ thúc đẩy giáo viên sáng tạo, đổi mới và viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học…

Bà không có con, nhưng cuộc sống của hai nhà giáo luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, đó là lớp lớp học trò được cô giáo Khanh dìu dắt, “ươm mầm”, là con cháu của hai bên gia đình nội, ngoại… Chiến tranh làm mất đi thiên chức làm cha của ông và làm mẹ của bà, nhưng hai nhà giáo đã bù đắp cho nhau trọn vẹn một cuộc sống thanh đạm mà ấm êm, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ