Trước đó, Nhà giáo Ưu tú Trần Chút đã phải nhập viện, hôn mê.
Nhà giáo Ưu tú Trần Chút là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học uy tín, nhà giáo đáng kính và mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP HCM, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM.
Ông sinh năm 1937 tại Quảng Trị. Năm 1960, sau tốt nghiệp phổ thông, ông theo học Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, ông vào làm việc tại Viện Ngôn ngữ học, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Sau năm 1975, ông được chuyển vào Nam công tác, giữ chức vụ phó Khoa Ngữ văn đầu tiên rồi làm trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tổng hợp TP HCM, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho tới khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông được mời làm phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến.
Nhà giáo ưu tú Trần Chút từng là Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP HCM.
Bên cạnh việc quản lý, giảng dạy, Nhà giáo Ưu tú Trần Chút - với bút danh là Hồng Dân - còn tham gia biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn của Bộ GD-ĐT: Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), Tiếng Việt 8 (1995), Tiếng Việt 9 (1995), Tiếng Việt 11 (2000), Ngữ văn 8 (2002), Ngữ văn 9 (2002), Ngữ văn 10 (2006)…
Nghe tin ông mất, nhiều thế hệ sinh viên đã bày tỏ sự tiếc nhớ. Trên Facebook, cô Trần Lê Hoa Tranh, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - từng là sinh viên của Nhà giáo Ưu tú Trần Chút - viết:
"Thầy là một trong những người thầy đáng kính, đáng mến, đáng trọng của Khoa Văn. Từ lúc mình còn là sinh viên học thầy, đến khi ở lại khoa, chưa bao giờ mình thấy thầy nổi giận, làm điều gì xấu với ai, nói câu gì làm tổn thương ai.
Thầy chính trực, tài hoa, vui vẻ, đối với học trò cũng hòa nhã, trân trọng. Hầu như lứa học trò nào cũng yêu quý thầy. Thầy bị bệnh đã lâu, nhưng nghị lực sống khiến thầy vượt qua và lạc quan sống.
Năm nào thầy cũng đi chơi với khoa, 20-11 nào cũng về với khoa, thầy còn ủng hộ quỹ học bổng của khoa đều đặn hằng năm. Tuy không có học hàm học vị nhưng tiếng nói chuyên môn của thầy luôn nặng ký, có sức thuyết phục".