Nghiên cứu thấu đáo những vấn đề lớn trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tán thành với đề xuất nâng chuẩn giáo viên mầm non

Nhất trí với chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm được đề xuất trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) phân tích: Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, có chất lượng, có đạo đức là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh: Dự thảo Luật quy định nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, áp dụng từ ngày 1/1/2026. Chính sách này nhằm nâng chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, nhân tố quyết định thực hiện thành công mục tiêu giáo dục mầm non bậc đầu tiên có vị trí rất quan trọng.

Theo đại biểu, cần làm rõ hơn yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ năng lực mà người học trung cấp sư phạm còn thiếu, cần bồi dưỡng, đào tạo. Cần rà soát trong số giáo viên mầm non ở miền núi, vùng dân tộc; số người đã được đào tạo trình độ trung cấp sư phạm nhưng chưa được tuyển dụng và cần đánh giá tác động đối với hai đối tượng này. Từ đó, dự liệu giải pháp xử lý thích hợp trong trường hợp giáo viên mầm non trình độ trung cấp sư phạm công tác lâu năm, thực sự có năng lực, luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng vì lý do nào đó không tham gia bồi dưỡng đào tạo nâng chuẩn.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Thúc đẩy phát triển GD, tạo bình đẳng từ chính sách cho người học

Quan tâm đến chính sách cho người học, đại biểu Phan Viết Lượng nhận định, bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, quy định về điều kiện, lộ trình thực hiện thu học phí đối với học sinh THCS là cần thiết, rất có ý nghĩa, thúc đẩy phát triển giáo dục, tạo bình đẳng, mang lại cơ hội học tập cho người học. Tuy nhiên, cần rà soát, cân đối ngân sách Nhà nước, điều chỉnh cơ cấu chi hợp lý, quyết tâm thực hiện miễn học phí phổ cập giáo dục trước năm 2020.

Đồng thời, quan tâm ưu tiên nguồn lực, bảo đảm điều kiện chăm lo giáo dục mầm non, hỗ trợ người học thuộc diện chính sách vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tăng cường quản lý Nhà nước nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong huy động, sử dụng tài chính đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho phát triển giáo dục, không để các khoản thu ngoài học phí là nỗi sợ, gây bức xúc cho người học, phụ huynh học sinh.

Một số đại biểu cũng bày tỏ sự ủng hộ về chính sách với người học trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ cân nhắc cân đối nguồn lực để có thể mở rộng hơn đối với đối tượng là trẻ em mầm non 3 tuổi, 4 tuổi. Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, để làm được điều này, đề nghị Ban soạn thảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội nhiều thông tin hơn nữa về các nguồn ngân sách Nhà nước phải chi tiêu khi thực hiện từng cấp miễn học phí để có cơ sở cho đại biểu Quốc hội quyết định vấn đề này. Còn theo đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng), để đảm bảo tính khả thi, có thể xác định nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp, trước hết ưu tiên thực hiện tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Liên quan đến chính sách người học, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến tín dụng sư phạm và ủng hộ thay thế chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm bằng chính sách tín dụng sư phạm. Chính sách này tiến bộ hơn ở chỗ không chỉ đảm bảo vấn đề học phí mà cả sinh hoạt phí cho sinh viên. Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) thì cho rằng, giải quyết bằng hình thức đưa tín dụng chỉ là giải quyết phần ngọn, chỉ giải quyết được vấn đề ngân sách Nhà nước bỏ ra cho việc đào tạo sinh viên sư phạm không bị lãng phí. Còn để giải quyết căn cơ, cần quy hoạch lại các mạng lưới trường sư phạm, xác định quy mô đào tạo, chất lượng đầu vào của sinh viên và phải bảo đảm sinh viên tốt nghiệp ra trường được phân công công tác hoặc tìm được việc làm và có mức lương đủ sống.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sáng ngày 15/11 tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh
  • Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sáng ngày 15/11 tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Để người làm thi không dám và không muốn tiêu cực

Về thi tốt nghiệp THPT, đại biểu Phan Viết Lượng nêu ý kiến: Đây là kỳ thi quốc gia rất quan trọng. Để kỳ thi được chính danh, đạt mục tiêu yêu cầu và mục tiêu đề ra, đề nghị cần tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, đưa vào luật văn bản hướng dẫn thi hành những vấn đề cần thiết đã được thực tế kiểm nghiệm như: Vị trí, mục đích của kỳ thi, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan và việc phân cấp cho địa phương trong từng khâu của quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi.

Còn theo đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ), về nguyên tắc, dạy học là phải được đánh giá bằng thi cử. Việc tổ chức thi phải được tổ chức chặt chẽ từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển, làm thế nào để chọn đúng người, để người làm thi không thể tiêu cực, không dám tiêu cực và không muốn tiêu cực.

Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo trước Quốc hội về nội dung này. Theo đó, Ban soạn thảo đã sửa đổi Khoản 3 Điều 32 và Khoản 3 Điều 43 của dự thảo Luật theo hướng: Học sinh, học viên học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp THPT; được hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu. Đối với việc tạo điều kiện cho người có bằng tốt nghiệp THCS đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được dự tuyển và học lên trình độ cao đẳng, hiện nay đã được quy định tại Khoản 3 Điều 120 dự thảo Luật.

Quan điểm còn khác nhau về SKG

Riêng vấn đề chương trình, SGK, đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) đồng tình mỗi môn học có một hoặc một số SGK, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Lý do, quy định như vậy tạo tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong quá trình thực hiện, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục, quy định rõ hoạt động của hội đồng thẩm định cấp tỉnh và quy trình thẩm định.

Trong khi đó, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, nếu quá nhiều bộ SGK thì rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và dẫn đến loạn SGK. Đại biểu Thưởng đề nghị, SGK phải được kiểm soát, thẩm định hết sức chặt chẽ. Nội dung SGK phải tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế. Người viết SGK phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm.

Liên quan đến SGK, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ để lồng ghép bổ sung các quy định, thúc đẩy thực chất vấn đề tiếp cận giáo dục của người khuyết tật vào các quy định liên quan về ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết.

Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) thì đưa ý kiến về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục SGK và đề nghị quy định phải có ít nhất 1/2 tổng số thành viên trong hội đồng này là các nhà giáo đang giảng dạy ở các cấp học tương ứng thay vì là 1/3 như trong dự thảo nhằm đảm bảo việc thẩm định SGK sát với yêu cầu thực tiễn.

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ rà soát cụ thể hơn các vấn đề xã hội đang bức xúc, những vấn đề gây nút thắt phát triển giáo dục; từ đó lựa chọn, xác định rõ những gì có thể cụ thể thì đưa cụ thể luôn ở trong Luật, nhằm khi triển khai không cần đợi các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính khả thi, giúp Luật đi vào cuộc sống; với một số vấn đề lớn, cần nghiên cứu thật thấu đáo, có đánh giá tác động, như: Nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên CĐ sư phạm; chính sách với giáo dục miền núi, vấn đề xã hội hóa... Về triết lý giáo dục, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia, nghiên cứu về nội dung này. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đưa ra sẽ được nghiêm túc tiếp thu, để có thể trình ra Kỳ họp lần thứ 7 một dự thảo chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.