Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Ban soạn thảo đã quy định cụ thể và phân loại các nguồn tài chính cho giáo dục tại Điều 93; quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi cho việc thực hiện phổ cập giáo dục; trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong việc đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục tại Điều 94; sửa đổi quy định về học phí và cơ chế thu và sử dụng học phí phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo tại Điều 97.
Về đề nghị bổ sung quy định Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, hiện nay Luật Giáo dục hiện hành đã quy định Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục (Khoản 1 Điều 103).
Về việc thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; Ban soạn thảo đã bổ sung vào Khoản 1 Điều 103 quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định triển khai đại trà sau khi thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước.
Về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; Dự thảo Luật đã bổ sung 1 điều quy định chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, thúc đẩy việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, cung ứng các dịch vụ giáo dục thường xuyên có chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người (Điều 44).
Ngoài ra, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật để làm rõ khái niệm, phương thức tổ chức giáo dục thường xuyên.