Vì sao miễn học phí cho sinh viên sư phạm không còn phù hợp?
Chính sách sinh viên sư phạm không phải nộp học phí được qui định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005. Chính sách này đã có tác dụng thúc đẩy nhất định khi có một số lượng sinh viên đăng ký học ngành sư phạm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: Những sinh viên này có thực sự phù hợp với yêu cầu ngành cũng như có nhiều sinh viên giỏi vào ngành sư phạm hay không? Điều này đã được Bộ GD&ĐT giao một số nhà khoa học, chuyên gia điều tra xã hội học và nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản để có thể có những cứ liệu tương đối chính xác và khoa học.
Thực tế, có số lượng không nhỏ sinh viên chọn sư phạm vì lý do miễn học phí. Nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, 36,54% tỉ lệ sinh viên năm thứ nhất chọn học tại trường với lý do “miễn học phí”. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hướng nghiệp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 13,7% sinh viên khẳng định gia đình có khả năng đóng tiền học phí, 18,8% sinh viên khẳng định bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22,1% sinh viên khẳng định rằng vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí.
Vì thế, không đủ luận cứ để khẳng định rằng sinh viên sư phạm có hoàn cảnh khó khăn sẽ bỏ học nếu chính sách này không còn tồn tại. Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội, việc đáp ứng được học phí cho con đi học không còn là nỗi lo lắng của nhiều gia đình, việc thu hút học sinh giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng.
Một tác động tiêu cực dẫn đến từ chính sách này trong thực tiễn khi đặt vào trong bối cảnh là không quản lý được sinh viên hưởng chính sách miễn học phí. Theo quy định pháp luật hiện hành, các đối tượng nếu không thực hiện cam kết phục vụ trong ngành GD-ĐT sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn đóng góp học phí trong thời gian học tại trường. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng cam kết hay không. Khi sinh viên ra trường, nhà trường sư phạm sẽ hết trách nhiệm, ngành GD-ĐT hay các Sở GD&ĐT ở địa phương cũng không thể kiểm soát được thông tin này.
Không thể phủ nhận, có một lực lượng không nhỏ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đã chuyển sang làm ngành nghề, lĩnh vực khác do không tìm được nhiệm sở hoặc do sức hấp dẫn ở các ngành nghề khác về tiền lương hoặc chế độ đãi ngộ, thăng tiến. Điều này dẫn tới sự phí phạm ngân sách Nhà nước đầu tư cho những sinh viên này và tạo ra sự bất công bằng so với những sinh viên của các ngành nghề khác ở một mức độ nhất định.
Chính sách này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước và không đẩy mạnh các giải pháp đầu tư có chất lượng hay đầu tư trọng điểm. Nhà trường sư phạm ít có cơ hội được đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học từ nguồn học phí cấp bù, không chủ động hoàn toàn theo cơ chế tự chủ cũng là một tác động ngược. Một số minh chứng cũng cho thấy, với mức học phí cấp bù hiện nay cho 130 đến 135 tín chỉ dao động từ 25 triệu đến 32 triệu cho 8 học kỳ để đào tạo 1 giáo viên sẽ khó có thể đảm bảo một chất lượng như mong đợi.
Đảm bảo chính sách miễn học phí ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quyền tự chủ của nhà trường sư phạm trên bình diện luật. Chính sách bù học phí không thực sự khuyến khích nhà trường phấn đấu vì tỉ lệ “chọi” hay điểm tuyển sinh không là tất cả. Chính sách này có biểu hiện “va đập” với một số chính sách hay chương trình khác đã và đang tồn tại hướng đến sinh viên. Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm cũng tỏ rõ hạn chế khi đặt trong tổng thể mới về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là tính hiệu quả giữa đầu vào (miễn học phí) và đầu ra (tìm việc, mức lương cao thỏa đáng, chế độ lương thích hợp…)…
Tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp và có việc làm trong ngành Giáo dục sau 3 tháng là trên 50%. Như vậy, số lượng sinh viên không theo ngành sư phạm sẽ làm việc ngoài ngành (trừ một số sinh viên chờ đợi đợt tuyển mới). Điều này sẽ dẫn đến việc sự đầu tư của Nhà nước sẽ không mang đến hiệu quả như mong đợi, sự “thất thu” trên bình diện đầu tư sẽ diễn ra. Trong khi đó, một số sinh viên ngoài sư phạm học hệ cử nhân và 1 năm sư phạm hay học viên hệ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trước đó vừa phải đóng học phí 4 năm, đóng học phí học năm cuối hay hệ nghiệp vụ sư phạm chứng chỉ rất tốn kém nhưng lại trở thành sinh viên như nhân sự được miễn học phí. Đó là sự bất công dễ nhận thấy từ chính sách khi đặt trong tầm nhìn mang tính tổng thể, toàn cục.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, ở một số trường ĐH, với các ngành sư phạm thì sinh viên một số khoa theo ngành sư phạm sau khi ra trường không quá 1/2. Tất cả biểu hiện này là sự thiếu cân bằng và cần được điều chỉnh.
Đề xuất bỏ chính sách không thu học phí với sinh viên sư phạm
Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đề xuất bỏ chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm, thay bằng chính sách cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng. Cụ thể hình thức thực hiện như sau: Sinh viên sư phạm lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, các khoản vay tín dụng bao gồm:
Học phí: Mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học. Sinh hoạt phí: Để chi trả chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, định mức 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học tương đương 30 - 35 triệu/1 năm (định mức này vận dụng mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh Lào và
Campuchia diện Hiệp định học tập tại Việt Nam theo Thông tư số 140/2014/TT-BTC ngày 24/9/2014 của Bộ Tài chính).
Cơ chế bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí: Sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu đủ thời gian quy định sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí.
Phương án trên sẽ đảm bảo để các trường sư phạm vẫn có thể thu hút người giỏi vào học, đồng thời tạo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác. Khóa sinh viên sư phạm đã tuyển sinh vẫn sẽ tiếp tục hưởng chính sách này theo quy định tại điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo Khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là mạng lưới các trường sư phạm, đồng thời phối hợp với các trường sư phạm để tính toán chi phí đào tạo cho 1 sinh viên sư phạm theo khối ngành, thực hiện giao chỉ tiêu và kinh phí cho các trường sư phạm. Tiến tới sẽ cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng đào tạo trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo để các trường đảm bảo đủ nguồn thu để chi trả chi phí đào tạo và đầu tư phát triển trường; tiếp theo sẽ phối hợp với các trường để tính toán đến phương án đảm bảo đầu ra (việc làm) cho sinh viên để giảm tình trạng làm trái ngành, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.