Nghiên cứu khoa học là con đường chông gai nhưng vinh quang

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học là con đường chông gai. Vì vậy, sinh viên cần nuôi dưỡng ý chí, khát vọng để đi đến thành công trên con đường này.

Một tiết học thực hành trồng cây không đất của sinh viên.
Một tiết học thực hành trồng cây không đất của sinh viên.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại, GS.TS Nguyễn Thị Lan (đại biểu Quốc hội khóa XV), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam gợi mở nhiều vấn đề nhằm thúc đầy và truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên.

GS nhìn nhận như thế nào về hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên?

Giai đoạn 2017- 2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có gần 3.500 lượt sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên. Sinh viên Học viện đã chủ trì/tham gia hơn 900 đề tài nghiên cứu khoa học.

- Từ trước đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn chú trọng đến hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học nói riêng và hoạt động khoa học công nghệ nói chung.

Ngày hội Khoa học Công nghệ là một ví dụ. Thông qua ngày hội, chúng tôi nhận thấy, sinh viên rất yêu thích, đam mê nghiên cứu khoa học. Các em cũng có nhiều ý tưởng sáng tạo.

Từ những ý tưởng này, chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng để các em phát triển, có thể tìm đề tài khởi nghiệp mang tính ứng dụng cao hơn và có thể chuyển giao các sản phẩm này vào thực tế sản xuất.

Ngoài hoạt động của sinh viên nghiên cứu khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện chương trình về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Vừa qua, Học viện tổ chức nhiều cuộc hành trình khởi nghiệp cho sinh viên, học sinh ở các trường THPT trên nhiều tỉnh thành. Theo đó, rất đông học sinh, sinh viên hưởng ứng tham gia và tạo được hiệu ứng tích cực.

Điều đáng nói là, các đề tài của học sinh, sinh viên mang tính thực tiễn cao. Ý tưởng của các em rất sáng tạo và rất hay nên có nhiều triển vọng. Sau khi hoàn thiện mô hình, các em tiếp tục áp dụng cho doanh nghiệp ở Học viện; sau đó được áp dụng tới quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một số những đề tài về nghiên cứu, chế biến công nghệ thực phẩm quả trám, bảo quản cam sành... gắn với thực tiễn rất cao. Nếu như các em làm được thì chắc chắn sau này chúng tôi sẽ bồi dưỡng, hỗ trợ các em phát triển thành những ý tưởng khởi nghiệp. Những đề tài, dự án khởi nghiệp sau đó kết nối với các doanh nghiệp giúp cho các em có thể thương mại hóa các sản phẩm này.

GS.TS Nguyễn Thị Lan (đại biểu Quốc hội khóa XV), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Thị Lan (đại biểu Quốc hội khóa XV), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

- Vậy theo GS, cơ sở giáo dục đại học, giảng viên có vai trò như thế nào để hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học?

Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến khích và dành nhiều nguồn kinh phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

- Chúng tôi luôn coi nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học. Muốn vậy, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cần đạt chuẩn quốc tế (ISO).

Các cơ sở này không chỉ là điều kiện cần để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo và công bố quốc tế; mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo công nghệ mới, cũng như phát triển dịch vụ xã hội phục vụ cộng đồng.

Nếu các em được làm đề tài, được nghiên cứu cùng với thầy, giáo thì sẽ là phương pháp học tập tốt nhất. Thông qua đây, các kiến thức đã học sẽ được các em áp dụng ngay vào thực tiễn.

Khi chúng tôi xác định đó là việc rất quan trọng thì chúng tôi đầu tư, rồi vận động, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, giảng viên cùng cố gắng, tâm huyết để hướng dẫn các em.

Thông qua đó giúp sinh viên trưởng thành lên rất nhiều. Sau bước, thì sẽ làm các chương trình, đề án khởi nghiệp và các em có thể hoàn thiện hơn từ khâu tổ chức quản lý cho đến thương mại hóa các sản phẩm, tiếp cận thị trường. Tôi mong muốn là các tất cả các đề tài có tính ứng dụng cao sẽ được phát triển theo hướng như vậy.

Chúng tôi cũng dành nhiều kinh phí, đồng thời vận động tài trợ của doanh nghiệp góp thêm các nguồn kinh phí vào hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo.

Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia cùng với các thầy, các cô ở một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp cấp bộ, thậm chí cấp Nhà nước.

Tùy từng trường, khoa, đơn vị, nếu người đứng đầu quan tâm, chú trọng đến nghiên cứu khoa học thì sinh viên sẽ dần nhận thấy đam mê và thành công.

Còn nếu không truyền được lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên thì các em sẽ không thấy được tầm quan trọng và không thấy được sự thú vị trong nghiên cứu khoa học.

GS.TS Nguyễn Thị Lan động viên cán bộ giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học.

GS.TS Nguyễn Thị Lan động viên cán bộ giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học.

- Nói là vậy, nhưng con đường nghiên cứu khoa học không dễ dàng?

- Chúng tôi luôn nói với sinh viên và những cán bộ trẻ rằng, nghiên cứu khoa học là con đường chông gai. Nếu các em đi sâu nghiên cứu thì sẽ đưa chúng ta đến thành công và vinh quang.

Vì vậy các em phải nuôi dưỡng ý chí, khát vọng để đi đến thành công và vinh quang. Hiện nay, chúng ta thấy khoa học công nghệ rất quan trọng. Nếu như không có khoa học công nghệ thì không thể thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Các em cần trau dồi kiến thức đó bằng ý chí quyết tâm.

Để nghiên cứu khoa học của các em có thể đưa vào thực tiễn, giai đoạn tiếp theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng và sẽ có những chương trình, đề tài, dự án khởi nghiệp. Sau đó, chúng tôi mời các doanh nghiệp vào đánh giá, hoàn thiện ý tưởng để có thể giúp các em phát triển thành đề tài lớn hơn, có tính ứng dụng cao hơn nữa.

Xin cảm ơn GS.TS!

5 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Các phòng thí nghiệm này vừa cho phép phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, vừa đảm nhiệm vai trò dịch vụ xã hội.

Các dịch vụ này gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng như: các dịch vụ đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường.

Ngoài ra, còn có các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên trên gia súc, gia cầm… Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, nhất là khi chuyển sang mô hình tự chủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ