Cải thiện thứ hạng tuyển sinh ngành nông nghiệp

GD&TĐ - Cải thiện thứ hạng tuyển sinh ngành nông nghiệp là bài toán đặt ra khi 3 năm liên tiếp đứng đầu danh sách ngành tuyển sinh kém nhất.

Thí sinh tìm hiểu về các ngành nông - lâm - ngư nghiệp tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023.
Thí sinh tìm hiểu về các ngành nông - lâm - ngư nghiệp tại Ngày hội tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023.

3 năm liên tiếp, nông - lâm - ngư nghiệp đứng đầu danh sách những ngành tuyển sinh kém nhất. GS.TS Nguyễn Thị Lan – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại về một số giải pháp cải thiện chất lượng và số lượng học sinh, sinh viên theo học lĩnh vực đào tạo này.

Cần rà soát lại các chính sách

- Nhiều sinh viên lĩnh vực nông - lâm – ngư nghiệp có suy nghĩ: học xong ra trường gặp khó khăn về việc làm. Theo bà, thực trạng này như thế nào?

- Đúng là với các ngành yếu thế, chẳng hạn như nông - lâm – ngư nghiệp, nhiều sinh viên có suy nghĩ: ra trường khó khăn về việc làm. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để sau khi được đào tạo xong, sinh viên trở về phục vụ quê hương, đất nước.

Thực tế, Chính phủ và các địa phương có nhiều chương trình như: Cử cán bộ đi học, tài trợ học bổng, chế độ chính sách ưu đãi… Qua đó, nhằm khuyến khích sinh viên sau khi học xong sẽ trở về địa phương công tác.

Hiện, chúng tôi có những hội thảo bàn về vấn đề này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có chính sách thu hút các doanh nghiệp. Đầu tháng 4, chúng tôi dự kiến có hội nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bàn về các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, để trao những suất học bổng cho sinh viên học tập ở khối ngành nông - lâm – ngư nghiệp.

Về phía chính quyền địa phương, tôi cho rằng, cần rà soát lại các chính sách để trả lời câu hỏi tại sao con em địa phương mình chưa mặn mà học tập và làm việc ở lĩnh vực này?

GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

- Theo bà, học về nông - lâm - ngư nghiệp có phải là nghề “chân lấm tay bùn"?

Cần phải trang bị kiến thức để phụ huynh, học sinh hiểu và nhìn nhận đúng hơn về ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, nông nghiệp không bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, môi trường cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác. Từ đó, chúng ta chủ động hơn trong sản xuất.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, năm 2022, Kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp đạt mức 8,5 tỷ đô. Một con số ấn tượng so với các lĩnh vực khác.

Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ, các địa phương, trường THPT cần đẩy mạnh truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp với phụ huynh, học sinh. Qua đó, lan tỏa giá trị của ngành nông nghiệp, để các em lựa chọn theo học lĩnh vực truyền thống này.

GS.TS Nguyễn Thị Lan hướng dẫn sinh viên ngành Thú y.

GS.TS Nguyễn Thị Lan hướng dẫn sinh viên ngành Thú y.

Cải thiện chất và lượng

- Theo bà có nên tính đến cơ chế đặt hàng, đấu thầu trong đào tạo nhằm cải thiện chất lượng và số lượng đầu vào khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp?

- Tôi cũng từng có ý kiến về vấn đề này. Chúng ta cũng cần có cơ đặt hàng và có thêm chính sách hỗ trợ cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Thực tế, đa số sinh viên theo học lĩnh vực này xuất phát từ những vùng nông thôn, gia đình còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, nếu các em muốn học chương trình chất lượng cao, thì phải đầu tư và tham gia thực hành, thực tập nhiều. Do đó, nếu không có chính sách đặt hàng, để người học phải trả học phí nhiều, thì cũng là rào cản để thu hút học sinh, sinh viên theo học lĩnh vực truyền thống như nông – lâm – ngư nghiệp.

- Theo bà, các Trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học có vai trò như thế nào trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng?

- Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, công tác nghiên cứu khoa học phải là bệ đỡ và là sức sống, hơi thở của các cơ sở giáo dục đại học.

Muốn vậy, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cần đạt chuẩn quốc tế (ISO). Các cơ sở này không chỉ là điều kiện cần để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo và công bố quốc tế; mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo công nghệ mới, cũng như phát triển dịch vụ xã hội phục vụ cộng đồng.

Các địa phương cũng cần có chính sách ưu đãi phát triển ngành nông nghiệp; từ đó thu hút con em địa phương theo học lĩnh vực này.

Các địa phương cũng cần có chính sách ưu đãi phát triển ngành nông nghiệp; từ đó thu hút con em địa phương theo học lĩnh vực này.

Đơn cử như, 5 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Các phòng thí nghiệm này vừa cho phép phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, vừa đảm nhiệm vai trò dịch vụ xã hội.

Các dịch vụ này gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng như: các dịch vụ đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường.

Ngoài ra, còn có các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên trên gia súc, gia cầm… Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, nhất là khi chuyển sang mô hình tự chủ.

Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trò chuyện!

Theo ông Vũ Anh Tài – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước.

Tuy nhiên, sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm. Theo kết quả thống kê từ các trường của Bộ, giai đoạn 2016 - 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có ít, thậm chí không có sinh viên đăng ký học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng đề án với cơ chế đặc thù cho sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; trong đó có chính sách miễn giảm học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ