Gene chống hạn
Theo Discovery, một giáo sư sinh học phân tử và sinh học tế bào có tên Jill Farrant, 55 tuổi, đến từ trường ĐH Cape Town (Nam Phi) đang nghiên cứu một nhóm gene giúp các giống cây trồng sở hữu kỹ năng sinh tồn phi thường.
Bà hy vọng rằng, việc mở khóa bí mật mã di truyền của các loài cây trồng chịu hạn sẽ là phương thức tuyệt vời giúp cho nông dân trong mùa khô hạn. Với hơn 130 giống cây được biết đến nay trên thế giới, các loại cây có thể tái sinh là nhóm thực vật độc đáo có thể sinh tồn ngay cả khi bị thiếu nước trong nhiều năm.
Khi hạn hán, các cây trồng trên sẽ có bề ngoài như những hạt giống bị khô héo và chết đi. Nhưng khi mùa mưa tới, loại cây này có thể bung mầm và phát triển xanh tốt trở lại chỉ trong vài giờ.
Loại cây nổi tiếng nhất thuộc giống cây này có tên khoa học là Myrothamnus flabellifolius. Chúng chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các mô khỏi những cơn gió khô rát. Ngoài ra, Myrothamnus flabellifolius cũng được sử dụng trong bộ mỹ phẩm của nhà thiết kế thời trang người Ý Giorgio Armani.
Dựa theo đó, các nhà khoa học tin rằng, điểm mấu chốt trong việc giúp cây trồng có thể chống lại biến đổi khí hậu, chính là khả năng thích ứng với những điều kiện khí hậu thay đổi ngày càng khắc nghiệt.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về đất, Rattan Lal, đến từ ĐH Bang Ohio (Mỹ), cho biết: "Đất, hệ thống cây trồng, hệ thống canh tác - tất cả đều phải có khả năng phục hồi trước một thay đổi mạnh mẽ về khí hậu. Chúng ta nên sử dụng một phần các giải pháp nông nghiệp đối với vấn đề biến đổi khí hậu".
Nếu thành công, Farrant sẽ tiếp bước nhiều nhà khoa học trước đó trong việc tận dụng thế mạnh của cây trồng để chống lại mất mùa.
Trong những năm 1970, nhiều vụ ngô ở Mỹ may mắn được các nhà khoa học cứu sống khỏi bệnh bạc lá bằng cách kết hợp các gene kháng bệnh có trong những chủng ngô khác.
Thích nghi để tồn tại
Farrant hy vọng những nghiên cứu mới sẽ giúp các giống cây có khả năng chống chọi mạnh mẽ hơn nhờ vào việc kích hoạt gene. Các gene này được phát hiện thông qua quá trình khám phá những loại thực vật có thể hồi sinh. Mục tiêu chính của Farrant là cải thiện khả năng chịu hạn của của chúng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng, cây trồng chịu hạn không phải là giải pháp hàng đầu cho vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chỉ là một biện pháp tự vệ ngắn hạn để chống lại đói nghèo.
Đồng thời, Jim Verdin, một nhà khoa học về hạn hán và khảo sát địa chất Mỹ khẳng định: "An ninh lương thực không chỉ phụ thuộc vào khí hậu. Nó phụ thuộc vào thị trường, thương mại, giá cả và khả năng mua thực phẩm của từng hộ gia đình".
Trái lại, Farrant vẫn đặt niềm tin lớn vào sức chịu đựng của các loại cây có khả năng tái sinh. Nếu chúng có thể tái sinh, người nông dân sẽ bớt đi phần nào gánh nặng mỗi khi vụ mùa có trắc trở.
"Nếu trời không mưa, điều đó không quan trọng. Ít nhất cây của người nông dân cũng sẽ không chết. Đến khi mưa tới, chúng sẽ lại hồi sinh và phát triển".
Có điều, các nhà môi trường đang lo ngại về chu trình hoạt động của Dust Bowl, hay còn được biết đến như là Dirty Thirties đang suy giảm. Đây là thời kỳ hoạt động của các cơn bão bụi mạnh ảnh hưởng tới nền nông nghiệp và hệ sinh thái của khu vực Châu Phi. Nguyên nhân chủ yếu do vấn đề nóng lên toàn cầu, nền nhiệt độ cao hơn, nguồn cung cấp nước giảm và vấn đề tăng trưởng dân số đe dọa môi trường và nạn đói tồi tệ ngày càng gia tăng.
Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 30% sản lượng ngô trên khắp miền nam Châu Phi trước năm 2030.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) sắp diễn ra tại Paris (Pháp), nhiều nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Pháp, Đức và nhiều quốc gia mới nổi lên về lượng phát thải bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để kiềm chế nhiệt độ Trái Đất xuống dưới 2 độ C trước cuối thế kỷ này.
Nếu như đạt được một thỏa thuận vững chắc hơn về vấn đề an ninh khí hậu, nền nông nghiệp của các quốc gia trên thế giới chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất nhiều, ít nhất trong việc duy trì các giống cây trồng năng suất, tránh tác động của biến đổi khí hậu.
Hy vọng mọi chuyển biến sẽ được các bên cân nhắc và sớm thông qua trong một Nghị định thư mới trướckhi Nghị định thư Kyoto ký kết vào tháng 12/1997 hết hạn.