Trong khi đó, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học nhưng nguồn thu lại rất thấp. Kết nối sản phẩm nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng được xem là cách để cân đối nguồn thu.
Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và địa phương
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức hội thảo Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Công – Trưởng khoa Xây dựng Công trình thủy, chủ nhiệm đề tài này nhận diện được nhiều yếu tố bất lợi gây ngập lụt cục bộ đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận.
Theo đó, Tam Kỳ với hướng kiến tạo tự nhiên như độ dốc sông bé, cao trình đáy sông thấp cộng với việc chịu tác động trực tiếp mực nước triều đã gây bất lợi cho tiêu và thoát lũ. Các dự án khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại Tam Kỳ đầu tư dang dở, thiếu đồng bộ…
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt ở Tam Kỳ và vùng phụ cận là công việc đòi hỏi mang tính khoa học, cần tranh thủ ý kiến phản biện đa chiều của các chuyên gia xây dựng, thủy lợi và nhiều ngành liên quan khác. Đây là một trong những đề tài nghiên cứu - chuyển giao giữa nhà trường và tỉnh Quảng Nam.
TS Tào Quang Bảng – Trưởng phòng KHCN & Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác NCKH với các địa phương trong khu vực. Nhiều nhiệm vụ của địa phương đã ký hợp đồng triển khai với nhà trường. Nguồn thu từ hoạt động NCKH “có địa chỉ” của trường là 13 tỉ đồng, chưa tính nguồn từ chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế”.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tiến hành sáp nhập các trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) của trường để thành lập Viện Khoa học – Công nghệ trường với một trong những nhiệm vụ hàng đầu là làm đầu mối để triển khai ứng dụng các kết quả NCKH. Trung bình mỗi năm, nhà trường nhận khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ, tài trợ quỹ NCKH từ các đối tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Năm 2019 và 2020, với tài trợ của Vingroup, con số này đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng.
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo chính là tăng cường hoạt động nghiên cứu của giảng viên, chú trọng làm tốt công tác tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức khoa học cho các địa phương, thể hiện vai trò và tầm chiến lược của nhà trường trong sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng xác định hợp tác quốc tế và NCKH là một hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính của mình. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tổng nguồn thu của trường từ hoạt động NCKH từ các đề tài ở các địa phương là gần 4 tỉ đồng. Riêng công tác tư vấn chính sách, nhà trường vẫn thực hiện như một nhiệm vụ với cộng đồng, địa phương chứ không thu phí.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học
GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục nhận xét: “Nếu nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu từ nguồn học phí thì sẽ thiếu đa dạng và có tính rủi ro cao do dựa vào kết quả và quy mô tuyển sinh”. Trong hệ thống phân loại xếp hạng các trường đại học, NCKH luôn chiếm vị trí, vai trò quan trọng. Tăng nguồn thu từ hoạt động này là một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển của khoa học và công nghệ của một cơ sở giáo dục ĐH.
Chính vì vậy, cơ sở để Chính phủ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH luôn xem xét đến khả năng đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động NCKH, chứ không chỉ đơn thuần là nguồn thu từ học phí. Đây cũng chính là kinh nghiệm tự chủ của các trường ĐH trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, ngoài công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường ĐH cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Việc các cơ sở giáo dục đại học triển khai ký kết hợp tác với các địa phương để chuyển giao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu đã cho thấy có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ chỗ nghiên cứu những gì mình có sang nghiên cứu theo đơn đặt hàng.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, các văn bản pháp lý về hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đại học đang từng bước được hoàn thiện. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2018 xác định có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành năm 2020 xác định lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, để triển khai PPP trong lĩnh vực giáo dục đại học thì còn gặp một số khó khăn như việc định giá tài sản. Ngay cả khi các dự án hợp tác PPP đi vào hoạt động cũng cần một thời gian dài để thu hồi vốn; sau đó mới có thể tính đến việc đóng góp kinh phí lại cho ĐH. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác PPP cho các trường đại học tự chủ. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ trong các trường ĐH.