Học bổng cho nghiên cứu sinh: Ươm tài năng cho nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, làm luận án tiến sĩ ở nước ta hầu như không có học bổng, hoặc có nhưng rất thấp.

Cần có chính sách trao học bổng cho người làm nghiên cứu sinh.
Cần có chính sách trao học bổng cho người làm nghiên cứu sinh.

Do đó, cần có chính sách trao học bổng cho người làm nghiên cứu sinh (NCS) nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.

“Chìa khoá” thu hút NCS giỏi

Mới đây, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các NCS và thực tập sinh sau tiến sĩ ở ĐH Quốc gia Hà Nội (Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN). Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, đây là một quyết định lịch sử, đã ấp ủ và trăn trở từ lâu, nhưng đến bây giờ mới trở thành hiện thực. Quyết định này có ý nghĩa và tác động rất lớn, sẽ tạo nên những đột phá trong nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, mức hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các NCS và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Với học bổng này, cộng thêm nguồn hỗ trợ khác từ hoạt động tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các NCS và thực tập sinh có thể yên tâm, toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đồng thời cho hay: Đây cũng là lần đầu tiên trong cả nước có một đại học công lập tiên phong thiết lập và cấp học bổng cho thực tập sinh sau tiến sĩ. Thông qua quyết định này sẽ thu hút được nhiều NCS giỏi, tiến sĩ giỏi đến ĐH Quốc gia Hà Nội học tập, nghiên cứu. Nhờ đó, vị thế, tiềm lực khoa học công nghệ được tăng cường, ảnh hưởng và xếp hạng của ĐH Quốc gia Hà Nội trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế chắc chắn sẽ giữ vững, thậm chí tăng lên mạnh mẽ trong vài năm tới.

 “Chúng tôi mong mỏi có kinh phí để tuyển được những học trò giỏi và thu hút các NCS, tiến sĩ trẻ ở các nơi có điều kiện về ĐH Quốc gia Hà Nội tham gia nghiên cứu trong các nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao trình độ chuyên môn” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức bày tỏ.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tin tưởng, Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN không những khả thi, mà còn đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của các thầy, cô giáo trong ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo thống kê của Ban Đào tạo, hiện quy mô NCS của ĐH Quốc gia Hà Nội là hơn 1.000 học viên. Trong số đó, có 350 NCS từ các ngành kỹ thuật - công nghệ; 90% trong số này đều có công bố quốc tế, đủ điều kiện để được nhận và duy trì học bổng. “Tôi tin tưởng nhờ quy định, nhiều NCS và tiến sĩ trẻ tụ hội về ĐH Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức quả quyết.

Cơ sở đào tạo nên xem xét NCS là những cán bộ làm khoa học, đóng góp cho sự phát triển hướng nghiên cứu của đơn vị.
Cơ sở đào tạo nên xem xét NCS là những cán bộ làm khoa học, đóng góp cho sự phát triển hướng nghiên cứu của đơn vị.

Cần nội lực và ngoại lực

Đề xuất, cần có chính sách trao học bổng cho người làm NCS, GS.TS Vũ Đình Lãm - Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng: Nếu có học bổng, NCS sẽ chuyên tâm nghiên cứu để hoàn thành luận án chất lượng tốt; từ đó mới có cơ sở để đặt ra yêu cầu chất lượng đào tạo phải cao.

Lý giải về đề xuất của mình, GS.TS Vũ Đình Lãm nhấn mạnh: Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học và tạo những nhà nghiên cứu, nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ cao. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng NCS giảm trong thời gian gần đây, trong đó có nguyên nhân: “làm luận án tiến sĩ” ở nước ta hầu như không có học bổng, hoặc có nhưng rất thấp.

Do vậy, nhiều NCS phải vừa học, vừa làm để trang trải học phí. Ngoài ra, không ít NCS đã phải tự chi trả kinh phí để tiến hành các thí nghiệm, khảo sát. Trong khi đó, làm luận án tiến sĩ tại trường đại học ở các nước phát triển có nhiều thuận lợi như: Trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, chính sách học bổng tốt sẽ thu hút người học từ Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đắc Trung đề xuất: Các doanh nghiệp có thể lập quỹ phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược cấp học bổng dành cho nghiên cứu, gắn chặt nghiên cứu ở trường đại học với phát triển kỹ thuật công nghệ tại doanh nghiệp. Qua đó, cùng khai thác có hiệu quả trang thiết bị hiện đại của đôi bên. Với sự đầu tư, kết nối của doanh nghiệp, các công trình nghiên cứu không chỉ đóng góp về học thuật, mà kết quả nghiên cứu cũng được ươm mầm phát triển ở doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đắc Trung – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi: Cơ sở đào tạo nên xem xét NCS là những cán bộ làm khoa học, đóng góp cho sự phát triển theo hướng nghiên cứu của đơn vị và công bố khoa học trên các diễn đàn uy tín; từ đó nâng cao vị thế của đơn vị trên trường quốc tế.

Vì vậy, cơ sở đào tạo cần có chiến lược đầu tư như: Cấp học bổng cho NCS có thành tích nghiên cứu tốt; NCS được hưởng lương, thù lao từ hoạt động nghiên cứu, tham gia trợ giảng, hướng dẫn sinh viên, để bảo đảm cuộc sống tối thiểu của bản thân và yên tâm với công việc nghiên cứu. Mặt khác, NCS cần được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu của người hướng dẫn; hỗ trợ cho NCS chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở.

Bên cạnh chính sách học bổng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất nên đầu tư trực tiếp và xứng tầm hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh. Vì đó chính là tế bào trong hoạt động đào tạo - nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của một cơ sở đại học.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu mạnh không chỉ thu hút NCS và các tiến sĩ trẻ, mà còn có điều kiện mời giáo sư đầu ngành từ nước ngoài về làm việc, cùng tham gia đào tạo và nghiên cứu, công bố các kết quả chung. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam trong nhóm nghiên cứu đi trao đổi, thực tập ở các phòng thí nghiệm, cơ sở đào tạo hàng đầu của nước ngoài.

“Với giải pháp trên, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo được những cán bộ khoa học và có nhiều công bố xuất sắc, tiếp cận được những hướng nghiên cứu mới, hiện đại nhất của thế giới. Đó cũng là cách nhiều nước xung quanh chúng ta đã áp dụng rất thành công” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.