Một vị tướng NATO là ông Philip Breedlove, tướng không quân Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu Tư lệnh tối cao của Lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu đã nói về một nỗi sợ hãi của giới chức NATO trên truyền hình ABC Action News.
Theo ông, thành công quân sự của Ukraine trên chiến trường chính là nỗi sợ hãi lớn nhất của NATO, vì Nga sẽ không bao giờ cho phép mình bị đánh bại và giới chức lãnh đạo Moscow đã nhiều lần khẳng định “sẽ làm tất cả để chiến thắng, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.
“Chúng tôi ở phương Tây lo sợ chiến thắng của Ukraine. Bởi vì Tổng thống Nga Vladimir Putin hết lần này đến lần khác sử dụng nỗi sợ mà chúng tôi đã nêu ra khi cuộc xung đột bắt đầu. Chúng tôi sợ leo thang hạt nhân, chúng tôi sợ chiến tranh ở châu Âu lan rộng” - vị tướng nói.
Ông Breedlove lưu ý rằng, những răn đe cứng rắn mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói đã gây ra một hiệu ứng “hoảng loạn” và Mỹ đang bị cuốn theo cuộc chiến ngôn từ này.
Theo vị tướng Mỹ, chính đòn bẩy tác động tâm lý ấy, là lý do dẫn đến việc phương Tây e ngại việc Nga nổi nóng tung đòn trả đũa hủy diệt, nên đã cung cấp sự hỗ trợ hạn chế cho chính quyền Kiev, khiến Lực lượng Vũ trang Ukraine không thể đánh bại Quân đội Nga, từ đó đã đảm bảo an ninh cho Moscow.
“Chúng tôi cung cấp cho Ukraine đủ để giữ cho nước này không bị đánh bại trên chiến trường. Nhưng tôi nghĩ, mặc dù điều này không được công khai nói ra, việc chúng tôi không trao cho Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng, là điều hiển nhiên” - ông Breedlove nói thêm.
Trong khi đó mới đây, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã phát biểu trên tờ Guardian rằng, quân NATO có thể trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Vào tháng 9 năm ngoái, Kiev đã nộp đơn xin gia nhập khối quân sự theo thể thức rút gọn. Như Trợ lý An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan sau đó lưu ý, quy trình như vậy là không hợp thời.
Đồng thời, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba chỉ ra rằng Kiev sẽ không hài lòng với bất kỳ quyết định nào khác của hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, dự kiến diễn ra vào ngày 11-12 tháng 7, nếu đó không phải là lời mời gia nhập liên minh.
Tuy nhiên, ông Rasmussen phán đoán rằng, có một nhóm các nước NATO có thể muốn điều quân đến Ukraine, nếu các quốc gia thành viên khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, không cung cấp cho Kiev những đảm bảo an ninh thực sự tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius.
Trước đó, người đứng đầu hiện tại của tổ chức này là ông Jens Stoltenberg nói rằng, vấn đề an ninh của Ukraine sẽ được đặt lên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào tháng 7 tới, nhưng những đảm bảo an ninh đầy đủ chỉ được cung cấp cho các thành viên chính thức của khối.
Do đó, vị cựu quan chức lãnh đạo NATO nhận định rằng, nếu Ukraine “không thu hoạch được gì ở Vilnius” thì các nước vùng Baltic gồm và Ba Lan có thể tập hợp “liên quân những nước có cùng mong muốn” để gửi quân tới giúp chính quyền Kiev và tất nhiên là không mang danh nghĩa của khối này.