Xung đột Nga-Ukraine và toan tính 1 vốn 4 lời của Mỹ?

GD&TĐ - Theo giới phân tích, việc thúc đẩy cuộc xung đột Nga-Ukraine đã mang lại rất nhiều lợi ích chính trị, quân sự và kinh tế cho Mỹ.

Xung đột Nga-Ukraine và toan tính 1 vốn 4 lời của Mỹ?

IMF tiếp tục chi Ukraine vay tiền, bất chấp những rủi ro

Vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt chương trình cho vay 4 năm trị giá 15,6 tỷ USD cho chính quyền Kiev, đây là gói cho vay lớn nhất dành cho Ukraine trong một năm rưỡi.

Dự kiến trong vòng tháng tới, IMF sẽ giải ngân khoản vay 900 triệu USD cho Ukraine.

Theo giới chuyên gia, đây là chương trình tài chính lớn đầu tiên được IMF phê duyệt cho một quốc gia đang trải qua xung đột quân sự, điều mà IMF không thường làm trong suốt gần 60 năm hoạt động của mình, bởi những hoạt động như vậy thường được coi là quá rủi ro, do có rất nhiều yếu tố khó dự đoán.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã phê duyệt chương trình 4 năm, với điều kiện là Kiev sẽ giảm lạm phát, quay trở lại chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi và đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính.

Vào ngày 30/5, IMF đã thông báo rằng, họ hài lòng với kết quả hoạt động của ban lãnh đạo Ukraine.

Các nhà phân tích đã báo cáo về sự ổn định trên thị trường ngoại hối, mức lạm phát giảm, sự phục hồi nhanh chóng của hệ thống năng lượng, tức là sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế khác xa dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi làn sóng di cư rời khỏi Ukraine, các đợt huy động nhập ngũ bắt buộc và tổn thất ở mặt trận đã tước đi một phần lớn lực lượng lao động của đất nước này.

Chính ông Rostislav Shurma, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận rằng, trong quý 4 năm ngoái, sản lượng thực tế đã giảm 70%. Các lỗ hổng ngân sách được lấp tạm thời chỉ nhờ các gói trợ cấp khác nhau của phương Tây.

Nhà phân tích tài chính, Phó Tiến sĩ kinh tế Mikhail Belyaev cho biết rằng, bất chấp những dự báo tích cực của IMF, trong vài năm nay nền kinh tế Ukraine đang phải chật vật xoay sở mà vẫn không có tiền trả nợ, do phải cáng đáng thêm gánh nặng chi tiêu quân sự.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các khoản tài trợ của EU và Mỹ, chính quyền Ukraine đã buộc phải tuyên bố vỡ nợ vào năm 2014. Và các khoản vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là những đợt bơm tiền cần thiết để Kiev có thể trả từng đợt các món nợ cũ.

Theo Phó Tiến sĩ kinh tế Mikhail Krivoguz, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO), trước khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, tổng số tiền cung cấp cho Kiev, chủ yếu là các gói vay ưu đãi, đã là khoảng 65 tỷ USD, hiện nay con số này đã lên tới hàng trăm tỷ USD. Và đây là những khoản vay bất hợp lý về kinh tế.

Vậy tại sao IMF, một thể chế kinh tế toàn cầu có uy tín lại liên tục bơm tiền cho chính quyền Kiev, bất chấp việc hồ sơ của Ukraine kém xa những nước châu á, châu Phi cần tiền để khôi phục nền kinh tế, bất chấp những rủi ro từ cuộc xung đột quân sự chưa có hồi kết với Nga?

Vì sao phương Tây tiếp tục cho Ukraine vay tiền?

Nói về những nguyên nhân khiến phương Tây giúp đỡ “vựa lúa mì lớn nhất châu Âu”, các nhà kinh tế cho rằng, cần phải xem xét tình hình với góc nhìn rộng hơn.

Theo các chuyên gia, với tư cách là nước thành viên có cổ phần lớn nhất trong IMF, chính quyền Washington đang thúc đẩy lợi ích của chính mình thông qua quỹ này. Từ quan điểm trên, sự hỗ trợ cho Kiev có ý nghĩa lớn đối với Mỹ chứ không phải đối với Ukraine.

Các chuyên gia chứng minh, việc các nước thành viên NATO cung cấp hàng trăm tỷ USD vũ khí (những vũ khí đắt tiền nhất, ví dụ như máy bay chiến đấu F-16, tên lửa không đối đất, hệ thống phòng không Patriot, hệ thống pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS…, đều do Mỹ sản xuất) cho Ukraine chính là mục đích mà Mỹ nhắm đến khi tìm mọi cách kéo dài cuộc xung đột này.

Washington khuyến khích các đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho phép các nước mua vũ khí Mỹ được chuyển giao cho Ukraine những vũ khí cũ do mình sản xuất để thay thế bằng những vũ khí thế hệ mới.

Như vậy, NATO càng cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ càng nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn, với trị giá hàng trăm tỷ dollars trong nhiều năm, cung cấp thêm hàng triệu việc làm cho người lao động Mỹ, vực dậy nền kinh tế đang chững lại trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, sự suy yếu của Liên minh châu Âu (EU) giúp Mỹ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp hùng mạnh nhất châu Âu, còn việc từ bỏ khí tự nhiên đường ống và áp giá trần dầu của Nga đảm bảo một thị trường ổn định cho khí hóa lỏng LNG và dầu đá phiến Mỹ.

Đến nay, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, đánh chiếm phần lớn thị trường khí đốt truyền thống của Nga ở EU, vốn chiếm khoảng hơn 30% thị phần châu Âu.

Chuyên gia Belyaev nhấn mạnh, lợi ích của Mỹ từ cuộc xung đột Nga-Ukraine là họ có thể tiếp tục kiểm soát hoàn toàn châu Âu và trở thành “ông chủ” kể cả sau khi kết thúc cuộc xung đột.

Ngay cả sau khi 4 khu vực của Ukraine gồm Kherson, Zaporozhye, Donetsk, Lugansk sáp nhập vào Nga, đất nước này vẫn có giá trị nhất định với tư cách là một khu vực nông nghiệp và công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ý kiến ​​​​của ông, Washington hiểu rằng nếu phải chi tiêu nhiều hơn, Hoa Kỳ sẽ không giành được một chiến thắng quân sự hoặc ảnh hưởng lớn hơn, bởi chi tiêu quá mức sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ và làm hỏng hình ảnh của các nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử.

Do đó, đã có những thông tin xác nhận rằng, những cuộc thảo luận về việc ngừng tài trợ cho Ukraine đã bắt đầu diễn ra, thậm chí, chủ đề này còn đang được thúc đẩy ngay cả trong những thành viên Đảng Dân chủ, vồn từ trước đến nay vẫn ủng hộ chính quyền Kiev.

Các nhà phân tích đều cho rằng, phương Tây sẽ tìm cách đóng băng cuộc xung đột ở định dạng hiện tại, ngay cả nếu phải ép buộc chính quyền Kiev từ bỏ một phần lãnh thổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ