Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Trách nhiệm của ai?

GD&TĐ - Đối mặt với những vấn đề xã hội mới, nhu cầu của thời đại mới... thế hệ trẻ chắc chắn sẽ có những khác biệt với các thế hệ đi trước.

Trường Ca Kịch Viện chụp hình nghệ sĩ để truyền thông và tổ chức biểu diễn vở tuồng hài 'Nghêu - Sò - Ốc - Hến'. Ảnh: NVCC
Trường Ca Kịch Viện chụp hình nghệ sĩ để truyền thông và tổ chức biểu diễn vở tuồng hài 'Nghêu - Sò - Ốc - Hến'. Ảnh: NVCC

>>> Kỳ 1: Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Săn đón, chịu chi cho… 'đồ ngoại'

>>> Kỳ 2: Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… 'hầu bao': Từ chối, cả khi có cơ hội

>>> Kỳ 3: Cần tạo cơ hội cho khán giả trẻ tiếp xúc nghệ thuật truyền thống

Trong câu chuyện khép lại chuyên đề “Nghịch lý chuyện khán giả trẻ mở… “hầu bao””, bạn Bùi Yến Linh - Trưởng dự án Trường Ca Kịch Viện đang nỗ lực tổ chức các hoạt động liên quan đến nghệ thuật truyền thống tại Hà Nội, đã có chia sẻ đầy trách nhiệm và gieo những hy vọng về một tương lai mới cho nghệ thuật dân tộc như thế...

- Trước câu chuyện khán giả trẻ tìm kiếm cơ hội và chịu chi để được thưởng thức các sự kiện âm nhạc thần tượng quốc tế đến biểu diễn tại Việt Nam, những người trẻ của Trường Ca Kịch Viện thấy thế nào?

Bùi Yến Linh: Tôi có thể đồng cảm được tâm lý của khán giả trẻ dành cho thần tượng ngày nay. Trên quan điểm cá nhân, tôi không cho rằng đây là một thực trạng xấu (trừ khi phát sinh những biểu hiện quá đà, trái với thuần phong mỹ tục, pháp luật).

“Đu idol” là cụm từ để nói về việc khán giả dành tặng sự mến mộ và yêu thích cho thần tượng của mình. Việc này đã có từ xa xưa nên không phải là một hành động xa lạ.

Sự mới lạ mà ta cảm nhận được có lẽ do sự ưu ái của khán giả trẻ hầu hết là dành cho những nền văn hóa quốc tế, do xã hội phát triển nên cách thể hiện tình cảm với thần tượng cũng được nâng cấp tới mức tưởng chừng là khác lạ.

Đối mặt với những vấn đề xã hội mới, nhu cầu của thời đại mới... thế hệ trẻ chắc chắn sẽ có những khác biệt với các thế hệ đi trước trong việc đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần.

- Trong những năm qua, Trường Ca Kịch Viện đã nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ như thế nào?

Do dự án được thành lập vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid bùng phát nên năm đầu tiên dự án phát triển Website Trường Ca Kịch Viện (http:// truongcakichvien. com/), định hướng trở thành thư viện, bảo tàng số về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam.

Năm thứ 2 dự án bắt đầu mở rộng sang các hoạt động truyền thông offline như: Triển lãm mini tại Manzi Hàng Bún trong khuôn khổ sự kiện “Chạm về Nguồn cội” của dự án Esplune (2021); chuỗi sự kiện “Bắc nhịp tang bồng” kéo dài trong một tháng tại Toong Tràng Thi (2022) và sự kiện công diễn vở tuồng hài “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” được phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam vào đầu năm 2023.

- Cũng là những người trẻ, vậy các bạn có thuận lợi gì khi thực hiện công việc này?

Là người trẻ, một lợi thế để chúng tôi hiểu được thế hệ ngày nay đang trải qua những gì, hiểu được tâm lý và những nhu cầu trong thời đại mới từ đó ưu tiên đưa những chất liệu hiện đại để biểu đạt những giá trị truyền thống với mục đích thể hiện sự đồng cảm với các thế hệ, những giá trị lịch sử xã hội, giá trị nhân văn, hiện thực phi thời đại của nghệ thuật truyền thống.

Là người trẻ, chúng tôi hiểu rõ việc chưa tìm được tiếng nói chung với các thế hệ đi trước, hiểu rõ hơn trách nhiệm thay đổi trước tiên thuộc về mình. Vì vậy, chúng tôi luôn chủ động đưa ra những ý tưởng và kế hoạch phục vụ cho việc lan tỏa nghệ thuật truyền thống và không ngần ngại trong việc đề xuất sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm chuyên môn và thế hệ đi trước. Có như vậy, sản phẩm ra mắt mới có thể nói lên được sứ mệnh của dự án: Truyền tải giá trị truyền thống bằng cách làm mới.

Bùi Yến Linh - Trưởng ban dự án Trường Ca Kịch Viện. Ảnh: NVCC.

Bùi Yến Linh - Trưởng ban dự án Trường Ca Kịch Viện. Ảnh: NVCC.

- Vậy còn những khó khăn thì sao?

Khó khăn lớn nhất của dự án vẫn luôn là nguồn thông tin chính xác và nguồn nhân lực có chuyên môn. Tuy nhiên, những khó khăn này đã và đang được cải thiện. Về vấn đề nguồn thông tin, hiện nay dự án đã được hỗ trợ tài liệu từ nhiều đơn vị có chuyên môn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các nhà hát, các nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật truyền thống…

Trước khi tham gia Trường Ca Kịch Viện, hầu hết các thành viên đều không hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, vì vậy cứ mỗi mùa, thành viên mới dự án sẽ cần phải tổ chức training cho nhân sự. Để khắc phục khó khăn này thì sang năm hoạt động mới, chúng tôi trên hết ưu tiên việc chuyên môn hóa nhân sự.

- Các bạn có những mong muốn gì đối với Nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan để hỗ trợ cho người trẻ có đà và thêm nhiệt huyết khi thực hiện những dự án này?

Theo tôi, nguồn lực về tài chính luôn là yếu tố quan trọng đối với các dự án trẻ, bởi có điều này dự án mới có thể duy trì được khả năng hoạt động lâu dài. Hiện nay, nguồn lực tài chính cho các dự án chủ yếu được biết đến từ các quỹ tài trợ của doanh nghiệp.

Việc xin tài trợ cũng không thực sự dễ dàng nếu dự án không đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, mà văn hóa truyền thống lại là một lĩnh vực ít được quan tâm. Vì vậy, việc đầu tư cho các dự án về văn hóa truyền thống là một sự mạo hiểm đối với doanh nghiệp.

Như tôi được biết, hiện nay, Nhà nước cũng có nhiều quỹ tài trợ cho các dự án nêu trên, tuy nhiên các kênh truyền thông còn hạn chế, chưa được đẩy mạnh, vì vậy không có nhiều bạn trẻ có nhu cầu biết tới.

Ngoài ra, việc các cơ quan có thẩm quyền thiết lập đội ngũ tư vấn cho các bạn trẻ để hiện thực hóa dự án là cần thiết. Điều này giúp các bạn định hướng và trang bị cho bản thân những yếu tố cơ bản trước khi bắt đầu công việc thực hành văn hóa một cách dễ dàng, dễ hiểu và khoa học.

Thiết kế tờ rơi ấn tượng, hợp gu khán giả trẻ cho vở tuồng hài 'Nghêu - Sò - Ốc - Hến'. Ảnh: Bình Thanh

Thiết kế tờ rơi ấn tượng, hợp gu khán giả trẻ cho vở tuồng hài 'Nghêu - Sò - Ốc - Hến'. Ảnh: Bình Thanh

- Trường Ca Kịch Viện có dự tính đến việc tổ chức biểu diễn ở trường học không?

Chúng tôi chưa tổ chức biểu diễn kết hợp với các trường học vì vẫn đang trong quá trình khắc phục những khó khăn của mình. Đồng thời, phương án này hơi quá sức với đội ngũ nhân sự nếu không có sự hướng dẫn và chỉ đạo từ những người có chuyên môn.

Tuy nhiên, dự án hiểu được việc giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết về nghệ thuật truyền thống là rất quan trọng để hình thành nên niềm đam mê, yêu thích. Vì vậy, trong tương lai nếu có cơ hội, chúng tôi luôn sẵn sàng mang nghệ thuật truyền thống tới các nhà trường, tới các bạn học sinh, sinh viên đã - đang - sẽ luôn ủng hộ công việc của dự án.

- Cảm ơn bạn đã chia sẻ!

“Tuy nghệ thuật biểu diễn truyền thống là một chủ đề khá trừu tượng với giới trẻ nhưng điều này đem lại lợi thế đặc biệt mang tới sự khác biệt và mới lạ cho cộng đồng. Không những thế, những chất liệu và tài nguyên sáng tạo nhiều vô kể, thậm chí có những điểm sáng chưa bao giờ được khai thác”. Bùi Yến Linh - Trưởng ban dự án Trường Ca Kịch Viện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.