Đổi mới nghệ thuật cải lương, hướng đến khán giả trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau hơn 100 năm tồn tại, nghệ thuật cải lương cần đổi mới để thích ứng. Tuy nhiên, đổi mới theo hướng nào vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Vở 'Cây gậy thần' được đánh giá cao khi kết hợp nghệ thuật xiếc và cải lương.
Vở 'Cây gậy thần' được đánh giá cao khi kết hợp nghệ thuật xiếc và cải lương.

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho rằng, làm mới cải lương là nhu cầu cấp thiết và thường xuyên vì bản chất của cải lương là đổi mới.

Cấp thiết đổi mới

Tối 20/11, Bộ VH,TT&DL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và UBND tỉnh Long An phối hợp tổ chức tổng kết trao giải Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021.

Sau 15 ngày diễn ra với 27 vở của 22 đoàn cải lương, Ban tổ chức đã trao hơn 100 huy chương cho các vở diễn và cá nhân. Trong đó, 5 Huy chương Vàng được trao cho các vở: Điều còn lại, Phận má đào, Truyền thuyết chàng Sa Mộc, Sứ Mệnh, Nguyễn cầm ca - Kiều. Đặc biệt, 2 vở “Bên dòng Long Khốt” và “Đất liền và biển cả” được trao giải xuất sắc.

Ở giải cá nhân, tác giả xuất sắc thuộc về Nguyễn Đăng Chương,đạo diễn xuất sắc NSND Hoàng Quỳnh Mai, nhạc sĩ xuất sắc Đặng Sơn Thủy, họa sĩ xuất sắc NSƯT Đạt Tăng, biên đạo múa xuất sắc Lê Phương.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - đánh giá nội dung các vở diễn cho thấy sự phong phú, đa dạng về đề tài, từ lịch sử dựng nước, giữ nước đến công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Đông cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cho các vở diễn. Tăng cường các vở diễn có nội dung kịch bản mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, tinh thần nhân văn, yêu nước.

Các đề tài cần mang hơi thở thời đại và tính thời sự của cuộc sống. Đồng thời, cần tập trung nâng cao đào tạo kỹ thuật cho diễn viên bảo đảm các yếu tố truyền thống của nghệ thuật cải lương.

Giới sân khấu cho rằng, qua các vở diễn trong Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 - vấn đề cấp thiết đặt ra là phải đổi mới nghệ thuật cải lương. Trong 27 vở tham dự, hiếm có vở cải lương nào tạo sự đột phá, dù có một số điểm sáng tích cực từ sự sáng tạo.

NSƯT Kim Tử Long cho rằng, cải lương cần không ngừng đổi mới để bắt kịp hơi thở hiện đại và gần gũi khán giả hơn, đặc biệt là giới trẻ. Cách dàn dựng, cảnh trí, trang điểm, cách hát, diễn… đều phải có sự cải tiến, để người xem không còn cảm giác cường điệu hóa.

Đổi mới là cần thiết nhưng theo hướng nào thì lại khó có câu trả lời thỏa đáng. Nghệ thuật cải lương gần như không có giới hạn sáng tạo, nó có thể du nhập và dung nạp từ nội dung đến hình thức. Thế nên từ xưa, bên cạnh tuồng Việt còn tuồng Tàu, tuồng Nhật, Ấn Độ… nhưng mọi sáng tạo chỉ có giá trị khi cải lương vẫn là cải lương chứ không biến tướng thành cái khác.

'Bên dòng Long Khốt' đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021.

'Bên dòng Long Khốt' đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021.

Hướng cải lương đến khán giả trẻ

Giới sân khấu nhận định, những nỗ lực đổi mới mang lại hiệu ứng tích cực cho nghệ thuật cải lương. Tuy vậy, phần lớn tác phẩm được dựng để đi thi hay trong dịp kỷ niệm đặc biệt. Với kinh phí dàn dựng tốn kém, không dễ tái đầu tư hay quy tụ lực lượng biểu diễn, do vậy không tiếp cận được số đông khán giả, đủ để đo lường thị hiếu hay thăm dò hiệu quả đổi mới.

NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho rằng, sự đổi mới ngày nay đòi hỏi cải lương phải tiếp cận công chúng, đặc biệt người trẻ. Khi người trẻ có cảm tình với cải lương, họ sẽ tìm đến và trung thành với nghệ thuật sân khấu này.

Trong những năm qua, đổi mới cải lương theo hướng tiếp cận khán giả trẻ đã được một số đơn vị thử nghiệm. Bản hit kết hợp giữa R&B, rap và cải lương “Về nghe mẹ ru” với sự hợp tác của ê-kíp gồm NSND Bạch Tuyết, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, ca sĩ Hoàng Dũng và rapper Casper từng làm “nóng” sân khấu và thu hút đông đảo giới trẻ.

Sự kết hợp giữa vọng cổ với rap, rock hay bất kỳ âm nhạc hiện đại nào cũng là hình thức tân - cổ giao duyên. Nhiều trường hợp “cổ kim hòa điệu” đã tạo được sự chú ý, như: Cô gái bán sầu riêng - kết hợp vọng cổ, nhạc trữ tình và rap (show King of rap), Quan trọng là mình có nhau - biến tấu một đoạn trong vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga”…

Trong vở “Hừng đông” về cuộc đời nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (Nhà hát Cải lương Việt Nam), ban nhạc đường phố HUB với những bài rock rực lửa giữ vai trò dẫn chuyện. Năm 2020, nhạc jazz vào bản “Lý con sáo” và cả nhạc rap vào vở “Cây gậy thần”.

NSND Triệu Trung Kiên đánh giá: “Yếu tố cốt lõi là âm nhạc cải lương, mang giá trị không thể trộn lẫn các loại hình khác. Âm nhạc cải lương cất lên là đã ra hồn cốt của nghệ thuật cải lương. Nếu giữ được hồn cốt đó thì những điều còn lại với cải lương đều là có thể”.

Ngoài âm nhạc, nhiều vở cải lương đổi mới kịch bản mang hơi thở thời đại. Thế nhưng, việc làm mới không phải lúc nào cũng hiệu quả. Như vở “Sứ mệnh” của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai - truyền tải thông điệp vận dụng khoa học giúp ích con người, nhưng nếu vì mục đích cá nhân lại gây thảm họa. Ý tưởng là mới, nhưng dàn dựng và biểu diễn lại cũ nên thất bại.

Cũng là đổi mới, ở từng kịch bản mang tính huyền tích khi cải lương phối kết với xiếc dễ đem lại nét duyên. Vở “Cây gậy thần” hay “Thượng thiên Thánh mẫu” là ví dụ điển hình.

Sự kết hợp liên nhà hát với các loại hình nghệ thuật khác nhau giúp ngôn ngữ biểu diễn của tác phẩm phong phú hơn. Vở diễn trở nên đa dạng, các kỹ thuật hỗ trợ cho nhau một cách hài hòa đem lại cảm giác dễ chịu, hào hứng cho người thưởng thức.

Tuy nhiên, cách đổi mới phối kết này không thể thực hiện ở những vở cải lương thuần túy. Vì vậy, theo giới sân khấu ngoài việc đổi mới về kịch bản, âm nhạc… thì mỗi vở cải lương cần tìm hướng đi thích hợp, có cái mới nhưng vẫn đậm đặc chất liệu cải lương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.