Có nhận ra được sự trái ngược thì mới mong đi vào được những ngõ ngách sâu hơn của sự thật, và đó cũng là nguyên tắc của phép “lạ hóa” trong sáng tạo nghệ thuật, vừa để chối bỏ sự nhàm lặp của cái chung vừa hội nhập với cái chung mang giá trị văn chương bền vững.
1.
Tình yêu là đề tài vĩnh cửu của thơ ca. Từ khi con người bắt đầu làm thơ và chừng nào nhân loại còn làm thơ thì chừng đó tình yêu còn chiếm một vị trí trang trọng trong vườn thơ.
Có điều đặc biệt là, nhiều bài thơ tình hay nhất của nhân loại tìm đến biện pháp nghệ thuật nghịch lí - một cách thể hiện thiên về trí tuệ - để diễn tả thứ tình cảm kì diệu nhất mà thượng đế ban phát cho loài người: Tình yêu. Bởi nghịch lí bao giờ cũng là một cách nói mới mẻ, tạo ấn tượng mạnh khiến người tiếp nhận ngỡ ngàng, ngạc nhiên, cho nên nó trở thành một phương diện đắc dụng để nhà thơ đào xới sâu vào lĩnh vực nhận thức. Có nhận ra được sự trái ngược thì mới mong đi vào được những ngõ ngách sâu hơn của sự thật, và đó cũng là nguyên tắc của phép “lạ hóa” trong sáng tạo nghệ thuật vừa để chối bỏ sự nhàm lặp của cái chung vừa hội nhập với cái chung mang giá trị văn chương bền vững.
Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình” - là người có những tìm tòi, lật trở, đi đến tận cùng các giới hạn, các chiều cạnh của tình yêu để biểu hiện nó dưới hình thức nghịch lí:
- “Yêu là chết ở trong lòng một ít”;
- “Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt”;
Và cả niềm vui, niềm hạnh phúc cũng thật lạ kì:
- “Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi,
Được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu”.
Những câu thơ như thế, tự nó đã vượt ra khỏi bài thơ, thế giới hình tượng mà nó được sinh ra trở thành một sinh mệnh riêng, một thân phận riêng, tự lập! Những vần thơ ấy đã hóa thành ngôn ngữ, tiếng lòng của mọi đôi lứa. Khi họ yêu nhau, họ sở hữu để “ngỏ lời” ở “thuở ban đầu”. Đã có bao chàng trai cô gái vô cùng biết ơn nhà thơ, biết ơn Tiếng Việt.
Trong bản tình ca nổi tiếng của Xuân Quỳnh - bài thơ “Sóng”, khi thể hiện khát vọng tình yêu ở chiều kích vô biên, tuyệt đích, nữ thi sĩ đã tìm đến cách biểu hiện nghịch lí. Một thuộc tính của tình yêu là: Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ. Nếu “sóng” là sự sống của biển cả thì nỗi nhớ là sự sống của tình yêu. Một tâm hồn còn nhớ là một trái tim đang yêu. Sóng nhớ bờ - nỗi nhớ chiếm lĩnh cả không gian ba chiều, nhớ cồn cào, thao thức, suốt ngày thâu đêm, trọn cả cuộc đời… Mãnh liệt đến thế mà vẫn không sánh được nỗi nhớ của em dành cho anh:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ, còn thức”.
Nghịch lí đã tạo nên hai câu thơ ngũ ngôn xuất thần, tự nó đứng tách thành một khổ, nổi bật giữa sự quây quần của các khổ thơ bốn câu, như đỉnh sóng bạc đầu giữa muôn ngàn con sóng. Cấu trúc song trùng giữa sóng và tình yêu bị phá vỡ, để tình yêu được là chính nó, tương xứng với danh xưng của nó.
Đối lập với “nhớ” là “quên”, nhưng khi hóa thành nghịch lí thì khả năng biểu đạt của nó thật khôn lường. Một lần “quên” khi tình yêu đã “chiều tà xế bóng”:
“Nhắc làm chi chuyện hoa niên
Bây giờ mình đã hết duyên về già,
Cảm ơn anh đã lại nhà?
Nhưng quên nhau mới thực là tương tri.
(Hoàng Như Mai)
Xua đi nỗi nhớ “chuyện hoa niên” của cái “thời hoa đỏ” một đi không trở lại để phơi bày cái ngậm ngùi của tuổi già, để mà “quên” hay là trốn chạy chính mình? “Tương tri” là tri âm, tri kỉ. Tri âm là đỉnh cao của tình người. Vậy mà “quên nhau đi mới thực là tương tri” thì có gì lạ lùng hơn, ám ảnh hơn? Hình như có một thiên tình sử chưa được viết ra ẩn mình trong mấy câu lục bát bình dị, gợi biết bao đồng cảm không lời. Đích thị đó là không gian thơ, không gian giữa “khả giải, bất khả giải”. “Quên” trở thành một phản đề - suy ngẫm kĩ phản đề này diễn tả rất đúng qui luật của tâm trạng, tâm lí. Phải tốn bao nhiêu giấy mực để chuyển nghịch lí kia thành “thuận lí”?. Đành phải nhờ cụ Nguyễn Tiên Điền nói hộ: “Tương tri dường ấy mới là tương tri” (Truyện Kiều).
Nghịch lí trong thơ tình yêu buộc từng con chữ mộc mạc, bình dị cũng phải “kêu dòn, tỏa hương” (chữ dùng của Pautốpxki), phải phát lộ những ánh chiếu khác lạ. Nguyễn Du từng đã để cho Thúy Kiều nói lời sám hối như thế sau mười lăm năm đoạn trường trong ngày gặp lại chàng Kim:
“Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”.
Trong câu lục cũng đã hiện diện một nghịch lí: Trong mắt của đôi lứa yêu nhau, họ đều là những người đẹp của nhau, thế mà “ta xấu với người” - một lời ăn năn đau đớn. Chưa hết, sự săn đuổi chính mình một cách riết róng đến tận cùng, phải bật ra một nghịch lí xót xa đến quặn lòng “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”, thì đó mới là tình yêu của Thúy Kiều, là con người Thúy Kiều: tận cùng của sự chân thành, của lòng vị tha, của đức hi sinh cao cả. Nghịch lí đã làm nên những câu thơ “siêu hạng”!
Puskin - “Mặt trời của thi ca Nga” có bài thơ tình nổi tiếng “Tôi yêu em”, viết về một tình yêu đơn phương, khi lời cầu hôn bị chối từ. Nhân vật trữ tình vẫn yêu bằng một tình yêu “âm thầm”, “không hi vọng”, “Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”. Lẽ thường, đó là nguyên cớ của những lời thở than, dằn vặt, trách móc của những tâm trạng u sầu, ủ dột, tủi hờn. “Không hi vọng” là tuyệt vọng, nhưng tình yêu thì không kết thúc, mà vẫn thăng hoa, gây hiệu ứng tâm lí ngạc nhiên đến khó tin, khi nhân vật trữ tình cháy hết mình cho tình yêu, và cả cho thơ, để hóa thành câu chữ:
“Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”
Một nghịch lí khiến cho mạch thơ đảo chiều, tình thơ chuyển điệu, xác lập nên một tâm thế trữ tình khỏe khoắn, trầm tĩnh, tự tin và đầy kiêu hãnh, ngời sáng một tình yêu chân thành, cao thượng, lung linh vẻ đẹp của văn hóa ứng xử trong tình yêu. “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”, đó là “thần cú” để cho bài thơ mãi mãi thuộc về những giá trị tinh thần chung của nhân loại.
2.
Nghịch lí trong thi ca nói chung, trong thơ tình nói riêng, bao giờ cũng hàm chứa vẻ đẹp trí tuệ. Chất trí tuệ, suy tư tạo cho thơ dồi dào về từ, hàm súc về ý. Biện pháp nghịch lí đã từng kiến tạo nên những tuyệt tác, những bài thơ thuộc loại hay nhất của nhân loại: “Bài thơ số 28” của thiên tài Ấn Độ, Ta-go - một hiện tượng thi ca hiếm có trong rừng thơ tình của nhân loại. Bài thơ hay vì viết về một tình yêu đẹp, một tình yêu lí tưởng. Một tình yêu lí tưởng hóa thân vào trong một hình thức nghệ thuật đẹp thì hóa thành bài thơ hay. Nhưng dù phong phú, đa dạng đến đâu, cái hay, cái đẹp của thơ tình yêu cũng phải có những chuẩn mực chung trong quan niệm về một tình yêu đẹp, tình yêu lí tưởng.
Tình yêu đẹp trước hết phải chân thành, tha thiết, thủy chung - phải có cái gốc của tình yêu bền vững. Nhân vật trữ tình trong “Bài thơ số 28” sốt sắng trước khát vọng thấu hiểu, hòa hợp của người yêu “Như trăng kia muốn vào sâu biển cả” đã có cách ứng xử thật chân tình, xúc động: “Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em/ Anh không giấu em một điều gì”.
Tình yêu đẹp là “quên mình vì một người khác”, là dâng hiến, là hi sinh, thì nhân vật “anh” đã đi tới tận cùng của hành trình đó:
“Nếu đời anh chỉ là viên ngọc anh sẽ đập nó ra thành trăm mảnh và xâu thành một chuỗi, quàng vào cổ em
Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em”.
Tình yêu đẹp là thế, bao giờ cũng muốn “cho” nhiều hơn “nhận”, muốn dâng hiến nhiều hơn sở hữu, dâng hết một đời - “viên ngọc”, lại muốn có thêm một cuộc đời nữa - “đóa hoa” để tận hiến.
Tình yêu đẹp là tình yêu cao thượng, biết trân trọng những người mình yêu; thể hiện cái đẹp, cái chuẩn mực văn hóa ứng xử trong tình yêu, dù phải đối mặt với những thách thức. Về phương diện này, bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin là một mẫu mực, thì trong “Bài thơ số 28” có gì trân trọng hơn khi “anh” đặt người yêu mình lên ngai vàng của Vương quốc tình yêu:
“Em là nữ hoàng của vương quốc đó”
Tình yêu đẹp tự nó đã ẩn chứa khát vọng lớn, vô biên, tuyệt đích, như con sóng của Xuân Quỳnh “Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”, như Aragông (nhà thơ Pháp) được tái sinh từ tình yêu Enxa, để được nhìn đời bằng đôi mắt Enxa, đôi mắt của người yêu… tình yêu của “anh” trong “Bài thơ số 28” cũng không thể khuôn vào bất cứ giới hạn nào:
“Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu”.
Làm thơ tình khi tuổi đời đã ngoài ngũ tuần, khi cuộc đời Tago đã trải qua nhiều mất mát - trong vòng bốn năm, vợ, con gái thứ hai, cha, anh, và con trai đầu lần lượt ra đi, nhưng bài thơ vẫn thể hiện một tình yêu thật trẻ trung, đắm say, tha thiết, bởi vì Tago quan niệm: Tình yêu là một nhân tính thiêng liêng, là hạnh phúc, là nhu cầu của sự sống, như ngọn lửa và ánh sáng mặt trời cần cho con người vậy.
Nhưng nếu chỉ có chừng ấy thôi thì “Bài thơ số 28” sẽ dễ lẫn vào trong nhiều bài thơ của nhân loại cùng viết về đề tài tình yêu. Vậy đâu là vẻ đẹp riêng của kiệt tác này?
Bài thơ hay tạo ấn tượng mạnh cho người đọc khởi đầu là ngôn từ được tổ chức theo nguyên tắc “lạ hóa” trong một cấu trúc hoàn hảo, thể hiện một cái nhìn không theo “lẽ phải thông thường” quen thuộc, sáo mòn. Điều đó đã tạo nên hiệu ứng tâm lí “ngạc nhiên” cho người tiếp nhận. Đó chính là vẻ đẹp độc đáo in đậm dấu ấn phong cách của Tago, của tư duy thơ Ấn Độ, của “Bài thơ số 28”. Cấu tứ của tuyệt tác nghệ thuật này được triển khai trên nguyên tắc nghịch lí. Ba nghịch lí trong một bài thơ, có lẽ đó là điều chưa từng có trong bất cứ một bài thơ tình nào của nhân loại - kết nối thành hệ thống, kiến tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Mỗi nghịch lí là một điểm nhấn về ý nghĩa, là một “nhãn tự”, một “thần cú” trong từng phần thơ.
Bằng những nghịch lí, Tago đã chiếu rọi một cái nhìn “không theo lẽ phải thông thường” lên một đối tượng quen thuộc là tình yêu, để tình yêu ánh lên vẻ đẹp bất ngờ, rất quen mà rất lạ! Chính cái nhìn mới lạ, cảm xúc mới lạ mới làm nên cái mới lạ chân chính cho nghệ thuật.
Trong “Bài thơ số 28”, nhân vật trữ tình phát hiện ra tình yêu của em qua “đôi mắt băn khoăn”, “buồn” khát vọng được hiểu nhau, để hòa nhập thì cũng là khoảnh khắc anh phát hiện ra tình yêu của chính mình. Khám phá ra sự “đồng hiện” ấy là điều mà mọi đôi lứa yêu nhau đã từng trải nghiệm, nhưng chỉ có Tago mới phát hiện ra và nói ra được một cách chính xác, tinh tế đến lạ kì! Và thật ngạc nhiên cho cách nói lạ kì:
“Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,
Anh không giấu em một điều gì’
Vậy mà: “Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”.
Giải mã nghịch lí này mà cho rằng: Những gì em thấy chỉ là bề ngoài. Còn có thế giới linh diệu - thế giới bên trong, là trái tim, tâm hồn… như ai đó đã giải thích thì sẽ nghĩ sao về sự bộc bạch thật chân thành, đến thiết tha: “Anh không giấu em một điều gì”. Hiện tượng lạ cần cắt nghĩa là khi “anh” càng sốt sắng tỏ bày những “sự thật” về mình thì người yêu anh càng ngỡ ngàng, càng không hiểu. Vì anh càng muốn em hiểu về anh nên cứ có cảm giác rằng: “Em không hiểu gì tất cả về anh”. Trong tình yêu “muốn được hiểu” cũng cấp thiết như “muốn hiểu”. Khát vọng tình yêu kì lạ là thế! Vì tình yêu là phương thuốc nhiệm màu cho cả người dâng hiến lẫn người đón nhận. Như vậy, cách nói lạ kì ấy là một “thuận lí” của những tình yêu chân chính.
Nhà triết học Hêghen cho rằng: “Tình yêu quên mình vì người khác và chính trong sự quên mình này, lần đầu tiên phát hiện ra bản thân mình” (Dẫn theo Người và Nghề), cũng là khởi đầu quá trình tự hoàn thiện để xứng đáng với tình yêu của mình. Nhân vật trữ tình trong “Bài thơ số 28”, cháy hết mình để tận hiến, hóa thân thành “chuỗi ngọc”, “quàng vào cổ em”, nở thành “đóa hoa” để dịu dàng “đặt lên mái tóc em”, dâng hiến hết mình vẫn cảm thấy chưa xứng đáng với “nữ hoàng” quyền lực của tình yêu. Nhưng thật ngạc nhiên khi:
Em là nữ hoàng của vương quốc đó,
Ấy thế mà em có biết gì về biên giới của nó đâu”.
Nếu là bậc quân vương trị vì đất nước mà không biết gì về “biên giới của nó đâu” đó là biểu hiện quan liêu. Còn vương quốc mà em là “nữ hoàng” lại là trái tim, là tình yêu - một thế giới bí ẩn, không dễ gì đo được độ sâu, rộng, hẹp của nó… thăm thẳm, vô biên như vũ trụ - vương quốc không có đường biên giới. Cho nên, không biết biên giới của trái tim, của tình yêu mới là “nữ hoàng” của vương quốc tình yêu! Và cả anh và em cũng không hiểu hết chính mình khi yêu nhau. Trái tim tình yêu, thế giới tâm hồn là một cõi huyền bí vô biên, cho nên tìm đến sự đồng điệu, chan hòa vài thế giới tâm hồn của người mình yêu luôn là những khát khao không bao giờ vươn tới. Đó lại là một tiền đề cho nghịch lí thứ ba xuất hiện:
“Trái tim anh cũng ở gần anh như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”.
Tình yêu vô cùng gần gũi, thân thuộc mà vô biên, bí ẩn, là sự thống nhất giữa các mặt đối lập, giữa khát vọng giãi bày, dâng hiến, chan hòa vào tâm hồn người yêu và cái bí ẩn không gì khám phá nổi của trái tim - là những đối lập tồn tại mãi mãi trong tình yêu. Sự hòa hợp trọn vẹn trong tình yêu, “biết trọn” tình yêu là điều không thể. Vì nếu đã “biết trọn” thì tình yêu cũng hết. Chưa “biết trọn” cho nên luôn có nhu cầu “biết trọn”. Tình yêu là niềm khát khao cái trọn vẹn ấy!. Đó là sức hấp dẫn muôn đời của tình yêu làm cho bài thơ đọc thì xúc động, nghĩ thì sâu xa.
Mở đầu bài thơ là một nghịch lí như là đặt vấn đề lí giải về tình yêu, và kết thúc bài thơ lại là một nghịch lí khác để hoàn chỉnh một triết lí về tình yêu, giá trị thẩm mĩ đích thực của bài thơ là sự hòa điệu giữa chất trữ tình nồng nàn, tha thiết và nét thâm trầm, suy tư của con người giàu chất trí tuệ, chất triết lí. Đốt cháy tận cùng lí trí để thành tình cảm và đốt cháy tận cùng tình cảm để thành lí trí tạo sự hòa điệu giữa chất trữ tình nồng nàn và nét thâm trầm suy tư của một hồn thơ giàu chất triết lí. Giải mã hệ thống nghịch lí trong “Bài thơ số 28” ta càng thấm thía hơn ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh: “Thích một bài thơ (…) trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách cảm xúc, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người”.