Vẻ đẹp cảm xúc trong bài thơ tình hay nhất thế giới

GD&TĐ - Puskin (1799 - 1837), được mệnh danh là “Mặt trời của thi ca Nga”.

Vẻ đẹp cảm xúc trong bài thơ tình hay nhất thế giới

Nhắc đến vị trí của Puskin trên thi đàn văn học Nga, người ta vẫn thường so sánh “Thơ ca Nga, trước Puskin là người học trò có năng khiếu nhưng rụt rè và nhút nhát.

Cho đến Puskin, nó đã trở thành bậc thầy điêu luyện”. Phải thừa nhận rằng “Puskin là người đã đặt nền móng cắm cái cột mốc cho đại lộ văn học Nga”. 

Puskin là một hồn thơ giản dị, trong sáng và tinh tế, hàm súc và sâu sắc. Ông luôn tâm niệm “Bút pháp càng giản dị càng tốt. Điều chủ yếu là sự chân thành. Đối tượng bản thân tự nó đã hấp dẫn đến mức chẳng cần có sự tô điểm nào, thậm chí sự tô điểm càng làm hại đến đối tượng”.

Thơ ông nổi bật với một tứ thơ kín đáo, hướng nội, lắng đọng, và sự kết hợp hài hòa giữa lí trí và cảm xúc. Thơ tình của Puskin có một sức quyến rũ đầy bí ẩn.

Qua thơ ông, những cung bậc tình cảm phong phú và phức tạp, những sắc thái cảm xúc, những rung động sâu xa, những ấn tượng khó nắm bắt của tình yêu con người trần thế được diễn tả hết sức tinh tế và chân thực. Puskin viết về tình yêu như một sự khám phá. Thơ Puskin thể hiện một tâm hồn Nga khao khát tự do và tình yêu, giản dị đến mức trong suốt qua một tình cảm bộc bạch và sôi nổi. 

Nhà văn Gogon cho rằng: “Trong thơ Puskin, thiên nhiên Nga, lịch sử Nga, con người Nga, tâm hồn Nga hiện lên thuần khiết đẹp đến mức được soi qua một thấu kính diệu kì”. Điều đó làm nên “nỗi buồn trong sáng” trong thơ ông. Nhà thơ luôn đặt hạnh phúc của người mình yêu cao hơn nỗi đau của chính mình.

Những vẻ đẹp đó dường như được đọng lại trong một tứ thơ đẹp, giản dị, trong sáng về ngôn từ, tính cô đọng hàm súc trong cách biểu đạt, và sự hài hòa chặt chẽ trong cấu tứ bài thơ. Bài thơ được xem là bài thơ tình hay nhất thế giới, bài thơ Tôi yêu em.

* * *

Tôi yêu em được sáng tác ở thời kỳ Puskin thường lui tới nhà Viện trưởng Viện Hàn lâm Nga. Ông đem lòng say mê cô con gái của ngài viện trưởng Olenhina. Puskin đem lời cầu hôn nàng, nhưng bị từ chối. Từ đây, có thể thấy được nguồn cội cảm xúc của bài thơ khá éo le và ngang trái.

Nó vừa là một lời tự bạch, giãi bày để tỏ tình, vừa là một bức tình thư để chấm dứt, để khép lại, để buông bỏ ra đi và chấm dứt một mối tình không được đáp lại. Bởi thế, bài thơ mang những đối cực của tâm trạng, của cảm xúc không dễ nói ra và cũng không dễ gì lí giải.

Trong tính chỉnh thể của bài thơ, điệp khúc Tôi yêu em ở bản dịch thơ (trong nguyên bản Tôi đã yêu em) vang lên ba lần như chiếc chìa khóa gợi mở, giúp người đọc giải mã được những cung bậc tình cảm, những chiều sâu bí ấn trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Men theo tín hiệu nghệ thuật đó, người đọc phát hiện ra được những mâu thuẫn giằng xé (Tôi đã yêu em, tình yêu vẫn, có lẽ/Chưa tắt hẳn trong lòng tôi). Trong đáy sâu tâm hồn, tình yêu của tôi dành cho em vẫn chưa hoàn toàn lụi tắt, vẫn dai dẳng cháy và vẫn còn được ấp iu.

Thế nhưng, tôi buộc phải dập tắt nốt chút lửa tàn đó. Những mâu thuẫn, giằng xé, xung đột trong tâm can nhân vật trữ tình được bộc lộ. Lòng vẫn còn yêu nhưng buộc phải chấm dứt mối tình. Tính chất này làm nên nguồn cơn cho bi kịch tình cảm.

Hai câu tiếp sau như hé mở lí do cho sự chấm dứt mối tình: Không muốn em băn khoăn và buồn. Chỉ qua hai hình dung từ rất chính xác, rõ ràng và mạnh bạo này, ta có thể thấy được tính chất ngang trái, éo le của mối tình. Thì ra tình yêu của Tôi đã không đem lại niềm vui và sự hạnh phúc cho em mà chỉ gieo thêm nỗi bận lòng, nỗi buồn vào em.

Tôn trọng tình cảm người mình yêu “không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì”, nhân vật trữ tình đã chối bỏ tình yêu trong nỗi khổ đau giằng xé. Thấp thoáng trong từng ý thơ, nhân vật trữ tình như đã hiểu sâu sắc nhất những nỗi niềm, khổ tâm của em khi quen biết tôi. Văn hào W. Sechpia từng nói, “Đôi mắt là ngôn ngữ chân thành nhất của tình yêu”. 

Nếu trong Bài thơ số 28 của R.Tagor, nhà thơ Ấn Độ nhận ra “Đôi mắt băn khoăn của em buồn/ Đôi mắt em muốn nhìn sâu vào tâm tưởng của anh” thì Puskin đã không chỉ nhìn ra được dấu hiệu đó mà còn muốn em không phải thường trực xuất hiện những dấu hiệu đó. Tính chất sâu sắc và vị tha của cái nhìn sâu dành cho người mình yêu đã tạo nên tính chất mãnh liệt, đau đớn và giằng xé của mối tình.

* * *

Những xúc cảm thành thật trong đáy sâu tâm hồn được giãi bày qua bốn câu thơ đầu đầy giản dị mà cũng không kém phần tinh tế. Đến hai câu sau, tính chất trực tiếp của cảm xúc được diễn ra một cách dồn dập hơn, giông tố, biến động tình cảm đã có.

Những hình dung từ được rải đều qua hai câu thơ biểu đạt một thứ tình cảm nén lại, cô đặc với nỗi khổ đau âm thầm, niềm tuyệt vọng, sự rụt rè lẫn trong hậm hực và lòng ghen tuông giày vò, hành hạ.

Khác với “nỗi buồn trong sáng” trong thơ Puskin, hai câu thơ gợi ra “nỗi buồn đen tối” bởi sự xuất hiện của thứ tình yêu ích kỉ, hẹp hòi. Câu thơ nổi bật lên với sự thành thật của cảm xúc. Trong bản dịch của Thúy Toàn, ông đã rất khéo léo để diễn tả nhịp chậm của câu thơ so với những câu trước.

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.

Nhịp thơ đầy biến động thể hiện sự biến động trong cảm xúc, nhịp chậm thể hiện một tình yêu kín đáo, da diết pha chút dè dặt. Ở những câu 5, 6 nhịp thơ vỡ vụn ra thành nhiều âm tiết thể hiện một tình cảm bất ổn, chứa đầy những dự cảm về một mối tình vô vọng.

Đến đây ta có thể nhận biết được tính chất đơn phương của mối tình, một sự thú nhận với tất cả sự chân thành, thể hiện tính chất một chiều trong tình yêu: Puskin đã không nhận được sự đồng điệu từ phía người con gái, cho dù tình cảm của nhà thơ là chân thành, sâu sắc. 

* * *

Đỉnh cao của tình yêu vị tha, cao thượng, của một tình yêu không vụ lợi, không đòi hỏi là lời cầu chúc cuối bài:“Tôi đã yêu em chân thành như thế, dịu dàng như thế/Cầu Trời cho em được người khác (cũng) yêu (chân thành, dịu dàng) như thế”. Được Thúy Toàn dịch: “Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Không hề hằn học, không hề giận dỗi mà đầy sự tôn trọng đến từ cách ứng xử đầy cao thượng và những lời lẽ đẹp nhất, vị tha nhất mà Puskin dành cho người con gái mình yêu. Từ tình yêu, Puskin đã nâng lên thành văn hóa yêu đẹp đẽ nhất mọi thời đại.

Tình yêu chân chính luôn là sự kết hợp giữa cảm xúc và lý trí. Một tình yêu say đắm chân thành và một lý trí tỉnh táo, sáng suốt. Tình yêu cũng không có chỗ cho sự ép buộc, níu kéo mà tình yêu cần sự tự nguyện gắn bó của những tâm hồn đồng điệu.

Trong tình yêu, cần có sự tôn trọng người mình yêu, không đối lập thù địch mà luôn có sự tôn trọng với đối phương. Hai câu thơ không chỉ đơn thuần là lời cầu chúc tế nhị thay cho lời vĩnh biệt của một tình yêu không thành mà còn là sự khẳng định của một tình yêu cao thượng và vị tha của một trái tim cao cả.

Bởi như ai đó đã từng nói đại ý “Hạnh phúc là đứng từ xa nhìn người mình yêu được hạnh phúc”. Trong một ý thơ khác của bài thơ “Một chút tên tôi đối với nàng”, Puskin cũng từng viết: 

“Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn

Em thầm thì hãy gọi tên lên

Và hãy tin: Còn đây một kỉ niệm

Em vẫn còn sống giữa một trái tim”.

* * *

Thật vậy, tình yêu đôi lứa luôn luôn là niềm thổn thức với trái tim, huyết quản mỗi con người. Thơ tình yêu của Puskin lại càng đặc biệt hơn bởi thấm đượm một tinh thần nhân văn cao cả “có khả năng làm nảy nở và phát triển trong con người tình cảm đối với cái đẹp và tính thiện” (Bielinxki) dù cuộc tình đó có ra sao đi chăng nữa.

Bởi như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có những lời trần tình rất đẹp rằng: “Khi bạn đang hát một bản tình ca tức là bạn đang hát về cuộc tình của mình, hãy hát lên đừng e ngại, dù cuộc tình đó có hạnh phúc hay dở dang thì đó cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ