Nghĩ về ngữ liệu đề Ngữ văn

GD&TĐ - Ngữ liệu của đề Ngữ văn chỉ là cơ sở dữ liệu gốc theo thể loại văn bản để thí sinh trình bày hiểu biết và năng lực ngôn ngữ của mình.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Nội. Ảnh: ITN
Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Nội. Ảnh: ITN

Thầy cô Ngữ văn nên xóa bỏ mặc cảm, tự ti và nỗi sợ hãi kiểu nhà giáo Bê-li-cốp để nâng cao năng lực, tri thức để làm đề Ngữ văn Chương trình GDPT 2018 chuẩn đúng cho học sinh của mình.

Ngữ liệu đề Ngữ văn chỉ là cơ sở dữ liệu

Ngữ liệu của đề Ngữ văn chỉ là cơ sở dữ liệu gốc theo thể loại văn bản để thí sinh trình bày hiểu biết và năng lực ngôn ngữ của mình.

Những tranh luận hiện nay về ngữ liệu sẽ không có nếu dư luận và nhà giáo hiểu bản chất của ngữ liệu trong đề bài. Đề Ngữ văn tự luận (viết đoạn văn khoảng 200 chữ hoặc bài nghị luận xã hội/văn học khoảng 600 chữ) nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt, năng lực tạo lập văn bản của học sinh. Chương trình cũ chưa quan tâm đến những năng lực này.

Chương trình Ngữ văn 2018, học theo thể loại văn bản và kiểm tra, đánh giá cũng theo những tiêu chí thể loại văn bản. Ví như học truyện cười thì kiểm tra truyện cười, học thơ Đường luật, kiểm tra thơ Đường luật, học thơ tự do, kiểm tra thơ tự do… Mỗi thể loại lại có những đặc trưng riêng, phương thức biểu đạt và giá trị nội dung và nghệ thuật khác nhau. Những thể loại văn bản này toàn thế giới thừa nhận, biết tạo lập và sử dụng.

Mặt khác, đọc và hiểu hay tạo lập văn bản theo thể loại rất khác với giảng bình một văn bản thơ văn đặc sắc. Đọc hiểu ngữ liệu của Ngữ văn cũng khác với phân tích, bình luận một sáng tác văn chương. Vài chục năm qua, khi thế giới dạy học sinh kỹ năng ngôn ngữ và tạo lập văn bản (chủ yếu là nói và viết) thì môn Văn ở nước ta (dù đã đổi tên Ngữ văn từ năm 2000) vẫn khuyến khích dạy và đánh giá học trò giảng bình chỉ 1 số truyện, thơ, kịch, và khuyến khích bài viết chục trang giấy, tầm câu trích cú văn mẫu!

Ngữ liệu đề Ngữ văn 2018 (hoàn toàn mới với cả thầy và trò) chỉ là cơ sở dữ liệu để người học nhìn nhận, đánh giá về thể loại văn bản đã học. Tác giả của ngữ liệu đã dùng ngôn ngữ và các phương thức biểu đạt tạo nên một kiểu văn bản với mục đích đem đến người đọc những thông tin nào đó về đối tượng được nói tới.

Người học sẽ được các thầy cô Ngữ văn hướng dẫn cách đọc và hiểu về nghệ thuật và các lớp ý nghĩa của văn bản. Khi làm bài kiểm tra, học sinh sẽ tái hiện những tri thức đó, chỉ ra cách thức tạo lập và các lớp nội dung như đề tài, chủ đề, ý nghĩa của văn bản ngữ liệu của đề bài. Tùy theo mục đích và thời gian làm bài, đối tượng kiểm tra đánh giá để chọn ngữ liệu cho phù hợp và chuẩn đúng nhưng không quá 1.300 từ theo đề Ngữ văn minh họa Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những lo lắng sẽ qua

Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, các cơ quan chuyên môn đã nỗ lực tập huấn nhiều lần nhưng giáo viên vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng và thậm chí có người chưa hiểu đầy đủ về bộ môn đảm nhận. Một số thầy cô Ngữ văn trông chờ nguồn ngữ liệu dùng chung và thống nhất của cấp trên, có người lại nhờ cậy vào nguồn đồng nghiệp hoặc mua bán, có người tự tìm kiếm…

Vừa qua, các phương tiện truyền thông đặt vấn đề như “đua nở ngữ liệu”, “ngữ liệu mỗi người một kiểu”… thậm chí dùng từ nặng nề “bêu xấu thầy giáo”, “phản cảm”, “nhạy cảm” “trình độ yếu kém”… [1] khiến dư luận, phụ huynh và học sinh hoang mang.

Theo tôi hiểu, văn bản ngữ liệu của các đề báo chí nêu đều chuẩn đúng, câu hỏi tường minh, đúng mục đích kiểm tra, nhưng vì sao thầy cô bị kiểm điểm? Văn chương đâu chỉ viết về cái cao cả? Văn chương chân chính khi miêu tả cái xấu xa, cái thấp hèn cũng nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái cao cả. Văn học góp phần hoàn thiện nhân cách con người.

Trong Chương trình Ngữ văn lớp 8, thể loại truyện cười là kể chuyện hài hước nhằm chê cười, mỉa mai, châm biếm, phê phán thói tật chưa đúng và cảnh tỉnh con người. Ngữ liệu đề của Trường THCS Colette (Quận 3, TPHCM) và của Phòng GD&ĐT Thanh Bình (Đồng Tháp) theo tôi không sai, không phản cảm, hoàn toàn đảm bảo mục tiêu kiểm tra. Tuy nhiên, người ra đề đã không lường hết được đề bài cần phù hợp tâm lý lứa tuổi và những hệ lụy của hàm ý của truyện cười.

Mâu thuẫn và liên tưởng, tưởng tượng dí dỏm, đôi khi thô tục, suy ra từ câu chữ truyện cười tạo nên sức hấp dẫn độc đáo và sức sống lâu bền cho thể loại truyện cười xưa và nay. Những sai sót của ngữ liệu do vô tình chưa đến mức phải xử lý kỷ luật và thầy cô ở Thanh Bình đã không bị kỷ luật [2]. Thầy cô dạy, kiểm tra và đánh giá sẽ chủ động chấm bài theo hướng mở, thậm chí chấp nhận ý hiểu trái chiều, và nếu học sinh viết thuyết phục vẫn đạt điểm cao. Đề viết luận của nước ta mấy năm nay đang theo xu hướng đề mở, tự do và sáng tạo của giáo dục hiện đại thế giới.

Tôi nghĩ, văn hóa học đường không cho phép dùng ngôn ngữ dung tục. Văn bản truyện cười (chuyện thầy đồ) khá thâm thúy về góc khuất của thầy đồ xưa và nay. Hoặc từ đại tiện - ngôn ngữ toàn dân, không phải là từ ngữ “nhạy cảm, phản cảm”, người đọc không nên tách từ đó ra khỏi văn bản để hiểu.

Đây là đề Ngữ văn kiểm tra năng lực đọc hiểu một thể loại văn bản văn học, đọc hiểu văn bản chứ không phải bài học đạo đức hay bàn về nghĩa của từ ngữ tiếng Việt. Chúng ta cũng hiểu học sinh lớp 8 có đủ năng lực để đọc và hiểu đúng câu chuyện cười dân gian phê phán kiểu người nào và phê phán cái gì?

Nếu người đọc chủ quan hiểu ra nhiều hàm ý chuyện ngữ liệu đề Ngữ văn thì sẽ còn bao nhiêu chuyện “phạm húy”, bao nhiêu từ ngữ “phạm húy” cần tránh? Thận trọng, nghiêm túc và tự làm mới đề Ngữ văn là lương tâm và trách nhiệm của mỗi thầy cô Ngữ văn trong việc dạy học trò giữ gìn sự trong sáng và sử dụng thành thục tiếng mẹ đẻ qua những bài học và đề kiểm tra Ngữ văn.

Và thầy cô Ngữ văn xóa bỏ mặc cảm, tự ti và nỗi sợ hãi kiểu nhà giáo Bê-li-cốp [3] để nâng cao năng lực, tri thức để làm đề Ngữ văn 2018 chuẩn đúng cho học sinh của mình.

___________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]https://vietnamnet.vn/xon-xao-de-ngu-van-lop-8-co-ngu-lieu-nhay-cam-2237105.htmlhttps://thanhnien.vn/tranh-luan-ve-de-kiem-tra-mon-van-co-ngu-lieu-nhay-cam-185231227202126564.htm

[2]https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-ky-luat-huy-ket-qua-vu-de-thi-ngu-van-lop-8-o-dong-thap-la-hop-ly-1290606.ldo

[3] Nhân vật trong truyện Người trong bao của nhà văn Sê-Khốp viết năm 1898.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ