Sử dụng ngữ liệu ngoài SGK kiểm tra môn Ngữ văn thế nào cho hợp lý?

GD&TĐ - Những ngày qua, dư luận xôn xao khi đề kiểm tra Ngữ văn của một số trường hết gây sốc cho học sinh rồi mang yếu tố “nhạy cảm”.

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội).
Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội).

Câu hỏi được nhiều người đặt ra, sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi kiểm tra môn Ngữ văn như thế nào cho hợp lý để đánh giá đúng năng lực học sinh.

Tránh tình trạng “học vẹt”

Kiểm tra cuối học kỳ I đang được các nhà trường tiến hành khẩn trương. Cô Thế Thị Nhung - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) chia sẻ, đây là năm học thứ hai áp dụng việc dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Điều này giúp học sinh không cần học thuộc lòng mà vận dụng các kỹ năng thầy cô hướng dẫn để làm bài, tránh tình trạng “học vẹt”, khơi gợi khả năng sáng tạo của các em.

Tuy nhiên, theo cô Nhung, việc tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sao cho hợp lý mà vẫn đánh giá đúng năng lực của học sinh là thách thức với giáo viên. Ngữ liệu trong đề kiểm tra hoàn toàn mới, không nằm trong bất kỳ bộ sách giáo khoa nào đang giảng dạy trên lớp. Trong khi đó, đề thi trên mạng có nhiều, giáo viên phải chắt lọc, thiết kế câu hỏi theo cách khác nhằm đảm bảo ma trận đặc tả.

Tại Trường THPT Hoài Đức C, việc xây dựng ma trận đề kiểm tra môn Ngữ văn được các thành viên trong tổ chuyên môn cùng thực hiện, sau đó mới hình thành đề minh họa rồi trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt chính thức. Cấu trúc đề kiểm tra cuối học kỳ dành cho khối 12 học theo Chương trình GDPT 2006 khác so với khối 10 và 11. Đề lớp 12 gồm hai phần đọc hiểu và làm văn; phần làm văn là các ngữ liệu trong sách giáo khoa, phần đọc hiểu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Cô Cao Thị Thu - Tổ trưởng Tổ Văn - Sử, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định, Nam Định) nhìn nhận, điểm mới của Chương trình GDPT 2018 ở môn Ngữ văn là dạy học theo đặc trưng thể loại từ truyện đến thơ. Học sinh phân tích đúng theo đặc trưng để tránh việc học văn mẫu, không bị áp lực với việc phải học thuộc lòng như trước.

“Giáo viên sẽ dựa trên đặc trưng thể loại văn học xây dựng ma trận đề kiểm tra. Ví dụ, tác phẩm văn học kinh điển dù chương trình cũ hay mới đều đề cập nhưng cách khai thác khác nhau. Ở chương trình cũ thường đi sâu vào các khía cạnh của tác phẩm. Còn chương trình mới theo đặc trưng thể loại, khi gặp một tác phẩm ngoài sách giáo khoa học sinh vẫn biết cách phân tích. Riêng phần nghị luận xã hội, các em cần nắm vững từng bước từ cơ bản đến cụ thể; tự trang bị kiến thức về đời sống xã hội để khi viết mới sâu sắc, thực tế”, cô Thu nói.

Là học sinh lớp 11A2 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định), em Vũ Phương Giang đánh giá, đề kiểm tra cuối học kỳ I môn Ngữ văn được nhà trường ra đảm bảo tính phân loại và không đánh đố. Đề sử dụng ngữ liệu về đoạn trích “Tư cách mõ” của nhà văn Nam Cao. Đề yêu cầu học sinh nhận xét thái độ, tình cảm của tác giả trước thực trạng người nông dân bị tha hóa trong xã hội cũ; viết bài văn nghị luận phân tích về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên. Khoảng thời gian 90 phút vừa đủ để em hoàn thành bài làm một cách trọn vẹn.

Vũ Phương Giang - học sinh lớp 11A2 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định).

Vũ Phương Giang - học sinh lớp 11A2 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định).

Lưu ý độ dài ngắn văn bản

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) cho hay, học sinh không được tìm hiểu trước về đoạn văn bản trong đề kiểm tra gây ít nhiều bối rối khi làm bài. Do đó, người ra đề cần lưu ý dung lượng văn bản, không nên chọn văn bản quá khó, câu hỏi phải bám sát yêu cầu cần đạt của bài học, thể loại.

Cũng theo cô Thủy, cấu trúc đề kiểm tra cũng là cách giúp giảm áp lực cho học sinh. Người ra đề cần tăng số điểm phần đọc hiểu và giảm số điểm phần làm văn theo tỷ lệ 6/4 như nhiều trường đang thực hiện. Câu hỏi nghị luận xã hội được tích hợp vào phần đọc hiểu. Đề kiểm tra chất lượng học kỳ môn Ngữ văn khối 11 được nhà trường xây dựng theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Riêng các em khối 10 và 12 sẽ làm bài kiểm tra cuối kỳ theo đề thi chung của Sở GD&ĐT Nam Định.

Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh dựa trên các văn bản hướng dẫn của Phòng GD&ĐT Hà Đông và Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong giai đoạn mới thay sách, cả giáo viên và học sinh phải tự học khá nhiều từ các nguồn khác nhau. Việc kiểm tra đánh giá với khối 6, 7, 8 học Chương trình GDPT mới căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 22/2021 của Bộ GD&ĐT để phân loại học sinh.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xinh cho rằng, ngữ liệu trong đề kiểm tra Ngữ văn cần ngắn gọn, xác định được câu hỏi liên quan; đề cập đến các vấn đề giáo dục lối sống, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè, mái trường… Giáo viên không nên lấy những ngữ liệu có tính trừu tượng có thể hiểu theo ý trái chiều hoặc liên quan đến yếu tố chính trị. Câu hỏi đặt ra vừa phải đáp ứng yêu cầu ma trận đề kiểm tra, đồng thời có tính phân hóa nhưng không đánh đố, làm khó học sinh.

Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) trao đổi, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị đã tổ chức ra đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn với lớp 6, 7, 8 cho các trường trên địa bàn; riêng khối 9 vẫn ra đề ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Phòng đã sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học thuộc bài, sao chép tài liệu có sẵn. Không dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu, phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học. Học sinh được bộc lộ phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng, tư duy logic, khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.