Chọn ngữ liệu môn Ngữ văn: Sáng tạo, phù hợp

GD&TĐ - Chọn và sử dụng ngữ liệu Ngữ văn khi giảng dạy và kiểm tra vẫn là câu hỏi lớn với nhiều giáo viên sau mấy năm thực hiện Chương trình mới.

Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) thảo luận nhóm trong giờ Ngữ văn. Ảnh minh họa: ITN
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) thảo luận nhóm trong giờ Ngữ văn. Ảnh minh họa: ITN

Yêu cầu mới

Môn Ngữ văn theo Chương trình 2018 không yêu cầu học sinh thuộc nhiều, nhớ nhiều. Bài kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu sách giáo khoa và được đánh giá theo hướng mở, tự do và sáng tạo bày tỏ hiểu biết của thí sinh về vấn đề nào đó. Năng lực hiểu vấn đề, năng lực ngôn ngữ và diễn đạt, trình bày, chữ viết… sẽ được coi trọng. Viết dài chục trang, trích dẫn tùy tiện, trình bày, chữ viết cẩu thả và văn mẫu sẽ không còn phù hợp, với đề bài tự do bày tỏ cảm nhận.

Học sinh sẽ dần quen với câu lệnh như: “Suy nghĩ của anh chị về/bày tỏ cảm nhận hay về câu chuyện/bài thơ anh chị yêu thích/một sự việc rất đáng kể/một con vật đáng yêu/một người đáng nhớ nhất…”. Qua tham vấn, nhiều em rất thích học Ngữ văn nhưng cũng rất lo khi đọc ngữ liệu mới lạ và đọc chưa hiểu thì đã hết giờ thi.

Các em lo là điều dễ hiểu bởi đây là lứa học sinh không được học Chương trình 2018 liên tục từ lớp 1, chưa quen với bài học theo thể loại và kiểu văn bản, đặc biệt thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng nền tảng về đọc hiểu và tiếng Việt, nhất là kỹ năng tạo lập văn bản rất yếu. Do vậy, ngữ liệu khó hiểu hoặc chưa phù hợp sẽ tạo thêm sự chán học, sợ đọc và ngại viết, ngại nói, tạo thêm áp lực học và thi Ngữ văn.

Ngữ liệu đề kiểm tra, đánh giá đọc hiểu và viết môn Ngữ văn theo Văn bản số 3715 năm 2022 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông cần tránh dùng những văn liệu, ngữ liệu đã học nhằm đánh giá chính xác năng lực của học sinh và loại bỏ văn mẫu học thuộc.

Học sinh bắt buộc phải suy nghĩ và dùng ngôn ngữ diễn đạt hiểu biết thành văn bản nghị luận. Tài liệu và bài mẫu Ngữ văn chỉ dùng tham khảo, bắt chước để giải quyết vấn đề mới. Không ít ngữ liệu trong đề kiểm tra, giáo viên cũng chưa biết và học sinh chưa biết.

Thực tế cho thấy, sự thay đổi cấu trúc đề Ngữ văn gồm trắc nghiệm và tự luận, hoặc tự luận hoàn toàn như thi tốt nghiệp hướng đánh giá năng lực bàn về vấn đề xã hội hoặc văn học khiến không ít thầy cô lúng túng.

“Con gái em học lớp 11 rất lúng túng khi xử lý ngữ liệu chưa được học. Em xem qua bài tập cô giao choáng luôn. Ngữ liệu quá dài, chữ Hán, dịch nghĩa, dịch thơ (bài Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du)”, đồng nghiệp dạy Ngữ văn THCS ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tiêu chí chọn ngữ liệu

Là người dạy Ngữ văn, tôi biết mối lo của phụ huynh và học sinh là có thật. Vậy làm thế nào để chọn ngữ liệu chuẩn hơn, giao bài phù hợp cho học sinh?

Theo tôi, ngữ liệu dùng kiểm tra, đánh giá Ngữ văn cần các tiêu chí sau:

- Ngữ liệu theo thể loại và kiểu văn bản gắn với mục tiêu môn học, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật biểu đạt, phù hợp đặc trưng thể loại được học. Có ba kiểu văn bản văn học, văn bản thông tin, văn bản nghị luận, với nhiều thể loại tiêu biểu, phong phú và sẵn có.

Theo thể loại đã học, học sinh sẽ biết cách tiếp nhận, cảm thụ, tìm kiếm và phát hiện, phân tích và kiến giải bước đầu về ý nghĩa các tầng nội dung ngữ liệu. Qua đó, các em hiểu và biết cách tạo lập văn bản, từ hình thành ý tưởng, lập dàn ý đến viết và hoàn thiện văn bản theo yêu cầu.

- Ngữ liệu vừa đủ và phù hợp, không quá 200 chữ với học sinh trung học cơ sở và khoảng 300 chữ với học sinh trung học phổ thông (như đề tốt nghiệp trung học phổ thông mấy năm qua). Không nên dùng ngữ liệu chữ Hán hoặc văn học nước ngoài, nếu dùng thể loại thơ Đường luật, nên chọn thơ chữ Nôm, có chú giải từ khó. Ngữ liệu phải phù hợp với tâm sinh lý và hiểu biết của từng lứa tuổi và mỗi vùng miền. Khối lượng nội dung của ngữ liệu phù hợp sẽ kích thích trò đọc và hiểu theo thể loại và kiểu văn bản.

- Ngữ liệu đúng chủ đề, đề tài và bám sát mục tiêu môn học từng khối lớp. Những ngữ liệu thơ, truyện về chủ đề tình yêu sẽ không phù hợp với trò trung học cơ sở hoặc ngữ liệu nghị luận thời sự xã hội nhạy cảm không dùng với trò 17 - 18 tuổi. Những ngữ liệu không phù hợp trình độ, hiểu biết và tâm sinh lý sẽ khiến học sinh đọc mà không hiểu nên không biết viết gì, nói gì.

- Ngữ liệu chuẩn xác và tường minh, hạn chế dùng ngữ liệu đa nghĩa hoặc trừu tượng, khó hiểu và khó hiểu đúng. Ngữ liệu chuẩn xác, dễ hiểu sẽ đánh giá đúng thực chất và kích thích học trò tự tin bộc lộ năng lực đọc và viết; tránh bị áp lực học và viết văn.

- Ngữ liệu tích hợp với đọc hiểu, nghe, nói, viết. Ngữ liệu tốt, hệ thống câu hỏi phù hợp sẽ kích thích trò ham đọc, hình thành nhu cầu tìm hiểu và khám phá thế giới, con người và ngược lại. Học sinh nhận biết các phương thức biểu đạt của văn bản, vận dụng cách dùng các yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, các thao tác lập luận nhằm diễn tả suy nghĩ, hiểu biết của mình về vấn đề nào đó. Đề bài Ngữ văn theo hướng mở nên học sinh trình bày hiểu biết cũng tự do, hiểu cách nào cũng được chấp nhận, miễn là diễn đạt rõ ràng và thuyết phục.

- Ngữ liệu đề Ngữ văn luôn mới, tránh dùng lại ngữ liệu cho những năm sau. Kho văn bản theo thể loại rất phong phú và sẵn có. Số bài kiểm tra Ngữ văn không nhiều, để học sinh không sao chép, học thuộc, thầy cô nên dùng ngữ liệu mới.

Ngữ liệu làm đề kiểm tra Ngữ văn vừa là công cụ giúp học sinh đọc hiểu văn bản bất kỳ, vừa là nội dung kiểm tra đánh giá các năng lực toàn diện của người học.

Giáo viên, bằng hiểu biết và kinh nghiệm - tìm, chọn và khám phá trước rồi từng bước hướng dẫn trò cách tìm, phân loại, xử lý ngữ liệu, biết dùng ngôn ngữ biểu đạt hiệu quả suy nghĩ, cảm xúc và hiểu biết về sự vật, sự việc hay vấn đề bàn luận. Với học sinh khá giỏi, việc mở rộng ngữ liệu cũng cần phù hợp và linh hoạt và nên hướng dẫn học sinh phương pháp tìm, khai thác ngữ liệu hơn là cung cấp nhiều tư liệu, ngữ liệu.

Kho ngữ liệu của mỗi cá nhân và tổ nhóm dùng chung sẽ nhiều thêm theo thời gian, được bổ sung và chọn lọc mở ra cho thầy và trò nguồn học liệu đa dạng và phong phú, thiết thực và hiệu quả, góp phần vào đổi mới thành công môn Ngữ văn và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.

Dung lượng và phạm vi ngữ liệu do thầy cô quyết định. Phần nhiều dùng tài liệu có sẵn (do mua hoặc được chia sẻ). Để có ngữ liệu tốt, thầy cô cần nhiều thời giờ tìm, chọn và soạn câu hỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ